Hai tiếng 'đồng chí'- Sự thân tình gắn kết tình cảm Việt- Nga

Quyết tâm chính trị mà lãnh đạo hai nước khẳng định trong chuyến thăm của Tổng thống Putin sẽ biến tiềm năng thành sức mạnh, thúc đẩy quan hệ Việt - Nga phát triển.

Từ ngày 19 đến 20/06/2024, Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin đã thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam. Chuyến thăm không chỉ ghi dấu ấn nổi bật, tạo điểm nhấn quan trọng đúng dịp kỷ niệm 30 năm ký kết Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị Việt - Nga mà còn tạo động lực thúc đẩy quan hệ hai nước bước vào một giai đoạn phát triển mới, hướng tới tương lai.

Để làm rõ những kết quả và ý nghĩa đặc biệt của chuyến thăm này, Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với ông Lê Thanh Vạn – Chủ nhiệm Khoa Ngôn ngữ Nga, Trường Đại học kinh doanh và công nghệ Hà Nội, nguyên Tham tán Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga, người có nhiều năm gắn bó với nước Nga và nghiên cứu về quan hệ Việt Nam – Nga.

 Ông Lê Thanh Vạn – Chủ nhiệm Khoa Ngôn ngữ Nga, Trường Đại học kinh doanh và công nghệ Hà Nội, nguyên Tham tán Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga.

Ông Lê Thanh Vạn – Chủ nhiệm Khoa Ngôn ngữ Nga, Trường Đại học kinh doanh và công nghệ Hà Nội, nguyên Tham tán Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga.

"Một người bạn cũ tốt hơn hai người bạn mới"

Người Đưa Tin (NĐT): Thưa ông, Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin vừa có chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam với nhiều hoạt động phong phú. Là người nhiều năm theo dõi quan hệ 2 nước, xin ông phân tích rõ những kết quả nổi bật của chuyến thăm này?

Ông Lê Thanh Vạn: Khi đánh giá về kết quả, ý nghĩa chuyến thăm của một nhà lãnh đạo chúng ta có thể nhìn vào 3 phương diện. Một là bối cảnh chuyến thăm. Hai là lễ tân, nghi lễ đón tiếp. Ba là nội dung cụ thể đạt được thông qua chuyến thăm.

Ở phương diện thứ nhất, chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh hai nước kỷ niệm 30 năm ký kết Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị, hướng tới kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2025. Đây là những mốc son quan trọng của quan hệ song phương, là dịp để lãnh đạo hai nước cùng điểm lại những kết quả nổi bật của mối quan hệ, chỉ ra những khó khăn, thách thức từ đó xác lập phương hướng cho chặng đường phát triển tiếp theo của quan hệ Việt – Nga.

Đối với Việt Nam, sau chuyến thăm của Tổng thống Mỹ và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc vào năm ngoái, chuyến thăm của ông Putin lần này là minh chứng rõ nét về đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, vì lợi ích quốc gia, dân tộc, và đóng góp vào hòa bình, ổn định trên thế giới. Đối với Nga, bối cảnh đối ngoại hiện nay của bạn có nhiều thay đổi, diễn biến phức tạp và có một số khó khăn nhất định, do đó chuyến thăm đến Việt Nam càng có ý nghĩa chiến lược quan trọng, khẳng định vai trò, vị thế của Nga trong đời sống chính trị quốc tế.

Ở phương diện thứ hai, việc đón tiếp của Việt Nam dành cho Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin lần này phải nói là hết sức trọng thị, ở mức cao nhất của nghi lễ đối ngoại nhưng vẫn thể hiện sự thân tình, gắn bó. Tổng thống Putin – nguyên thủ quốc gia của nước Nga sang thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng – nhà lãnh đạo cao nhất trong hệ thống chính trị của nước ta. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trực tiếp hội đàm, Chủ tịch nước Tô Lâm chủ trì lễ đón, hội đàm và tiệc chiêu đãi trọng thể chào mừng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội kiến với Tổng thống Putin cũng như nhiều chi tiết lễ tân khác là điều hiếm có so với các chuyến thăm thường thấy.

Điều này chứng minh Việt Nam hết sức coi trọng chuyến thăm của Tổng thống Putin cũng như thể hiện tầm vóc của quan hệ Việt – Nga trong tổng thể chính sách đối ngoại. Bên cạnh đó, cũng thể hiện tình cảm nồng ấm, chân thành, trong sáng, thủy chung của lãnh đạo và nhân dân Việt Nam đối với người đại diện cao nhất của nước Nga – đất nước đã chia ngọt, sẻ bùi với nhân dân ta qua nhiều giai đoạn thăng trầm của lịch sử.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội đàm với Tổng thống Vladimir Putin tại Trụ sở Trung ương Đảng.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội đàm với Tổng thống Vladimir Putin tại Trụ sở Trung ương Đảng.

Ở phương diện thứ ba, nội dung của chuyến thăm lần này cũng được đánh giá hết sức thành công. Tổng thống Putin và các nhà lãnh đạo cao nhất của Việt Nam đã trao đổi nhiều vấn đề trên tất cả các mặt hợp tác gữa hai nước, được cô đọng trong bản Tuyên bố chung. Đây là văn bản không chỉ xác lâp phương hướng cho sự phát triển quan hệ song phương giữa hai nước mà còn chính là sự tiếp nối, khẳng định ý chí và tư tưởng đoàn kết truyền thống sẵn có của lãnh đạo và nhân dân hai nước Nga và Việt Nam đối với nhau. Tuyên bố chung đã đề cập đến rất nhiều lĩnh vực, từ tầm cao chiến lược, tư tưởng chỉ đạo cho đến cụ thể về các lĩnh vực ngoại giao, chính trị, kinh tế, thương mại, đầu tư, quốc phòng, an ninh, văn hóa, giao lưu nhân dân…

Hai nước một lần nữa tiếp tục nhấn mạnh: “Quan hệ hợp tác nhiều mặt Việt Nam – Nga là tài sản vô giá của nhân dân hai nước và là hình mẫu của quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác cùng có lợi”, “Việc củng cố và nâng cao hiệu quả quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện là một trong những ưu tiên đối ngoại của Việt Nam và Nga, đáp ứng lợi ích lâu dài, góp phần vào sự phát triển của mỗi nước, cũng như nâng cao vai trò của hai quốc gia tại mỗi khu vực và trên thế giới.”.

Điểm đặc biệt, đây là một Tuyên bố chung rất dài, phá kỷ lục các Tuyên bố chung từ trước đến nay giữa hai nước. Nếu như Tuyên bố chung về Tầm nhìn quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Liên bang Nga đến năm 2030, được hai nước thông qua năm 2021 dài hơn 4.800 chữ thì Tuyên bố chung lần này dài hơn 5.800 chữ.

Bên cạnh đó, nhân chuyến thăm này, đã có tới 11 thỏa thuận được ký kết giữa hai nước. Những thỏa thuận này không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn củng cố sự gắn kết về mặt chính trị và chiến lược giữa Việt Nam và Liên bang Nga. Chính số lượng cụ thể của các thỏa thuận được ký kết đã phản ánh trực quan nhất chất lượng của chuyến thăm.

NĐT: Trực tiếp tham gia một số hoạt động tiếp đón Tổng thống Nga, đâu là điểm khiến ông ấn tượng về chuyến thăm lần này của Tổng thống Putin?

Ông Lê Thanh Vạn: Điều khiến tôi ấn tượng nhất về chuyến thăm lần này của Tổng thống Putin đó là cảm nhận được sự tin cậy cao, sự thắm thiết hữu nghị truyền thống, sự kết nối từ quá khứ đến hiện tại và tình cảm đặc biệt giữa lãnh đạo và nhân dân hai nước. Tổng thống Putin và các nhà lãnh đạo Việt Nam thân tình gọi nhau là “Đồng chí” cho dù hiện nay thể chế chính trị của hai nước có khác biệt. Đây là cách xưng hô mà không phải ở đâu chúng ta cũng bắt gặp giữa các nhà lãnh đạo.

Và như nhiều lần trước đó khi đến Việt Nam, Tổng thống Putin đã đến tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ và vào Lăng, viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Điều đó cho thấy sự trân trọng của Tổng thống Nga đối với vị lãnh tụ vĩ đại và các Anh hùng liệt sĩ của chúng ta, rộng hơn là sự trân trọng, thấu hiểu đối với lịch sử anh hùng, bất khuất của dân tộc ta. Tôi cho rằng, đó là những cử chỉ ngoại giao rất đẹp và tinh tế, thể hiện chiều sâu, độ lắng đọng của mối quan hệ đã trải qua thử thách của thăng trầm lịch sử.

Tổng thống Vladimir Putin đến đặt vòng hoa ở Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh (Ảnh: Hữu Thắng).

Tổng thống Vladimir Putin đến đặt vòng hoa ở Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh (Ảnh: Hữu Thắng).

Từng có thời gian dài công tác tại Nga và hiện nay là một giảng viên dạy tiếng Nga và văn hóa Nga tại Hà Nội, tôi đặc biệt vui mừng khi được tham dự cuộc gặp giữa Tổng thống Putin với các cựu lưu học sinh Việt Nam tại Liên Xô và Liên bang Nga diễn ra tại Nhà hát lớn Hà Nội tối ngày 20/6/2024. Tổng thống Putin đã thể hiện sự hài lòng về thành tích của các cựu lưu học sinh đóng góp vào công cuộc xây dựng và phát triển của Việt Nam, cũng như đánh giá cao vai trò “cầu nối” của họ trong việc củng cố tình hữu nghị truyền thống Nga - Việt.

Điều đặc biệt là hiếm có buổi gặp gỡ giao lưu nào với một nguyên thủ nước ngoài mà cả khách và chủ nhà hầu như đều có thể sử dụng chung một ngôn ngữ. Những tiếng hô vang đồng thanh “Ura”, không khí thân tình, cởi mở, những nụ cười và cả sự ngẫu hứng Tổng thống Putin khiến cho buổi gặp gỡ hết sức gần gũi. Chúng tôi cũng rất xúc động khi nghe Chủ tịch nước Tô Lâm dẫn lại câu ngạn ngữ Nga trong cuộc gặp gỡ hôm đó: "Một người bạn cũ tốt hơn hai người bạn mới", thể hiện sự thủy chung, trước sau như một, sự kết nối từ quá khứ đến hiện tại hướng tới tương lai của mối quan hệ hữu nghị truyền thống Việt – Nga.

Kế thừa di sản tốt đẹp của lịch sử, hướng đến tương lai

NĐT: Chuyến thăm lần này của Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin diễn ra vào thời điểm hai nước kỷ niệm 30 năm hai bên ký Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của Quan hệ hữu nghị Việt Nam - Liên bang Nga. Nhìn lại 30 năm đó, ông cho rằng đâu là nét nổi bật của quan hệ Việt – Nga?

Ông Lê Thanh Vạn: 30 năm là một chặng đường dài với quan hệ Việt – Nga nhưng để nhìn thấu được mối quan hệ này thì “phóng” tầm mắt để nhìn vào lịch sử gần 75 năm kể từ khi 2 nước thiết lập ngoại giao.

Trong quá khứ, Liên Xô đã từng dành sự hợp tác, giúp đỡ, hỗ trợ to lớn, chí nghĩa, chí tình đối với công cuộc đấu tranh giành độc lập và xây dựng đất nước của nhân dân Việt Nam. Hẳn mọi người còn nhớ câu nói của cố Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô L. Bregionev: “Đối với những người cộng sản Liên Xô và toàn thể nhân dân Xô-viết, tình đoàn kết với Việt Nam luôn là mệnh lệnh của trái tim và trí tuệ”. Trong bối cảnh quốc tế rất phức tạp trong nửa sau thập niên 70 của thế kỷ XX, ngày 3/11/1978, Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Liên Xô (sau đây gọi tắt là Hiệp ước năm 1978) được ký kết. Hiệp ước bao gồm 9 Điều, với nội dung bao trùm là Liên Xô tiếp tục hợp tác, giúp đỡ, hỗ trợ Việt Nam về mọi mặt theo nguyên tắc và tinh thần “tương trợ anh em”. Đây cũng là văn kiện hợp tác ở cấp độ cao nhất trong lịch sử quan hệ song phương Việt Nam - Liên Xô.

Vào cuối năm 1991, chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô sụp đổ (trước đó là ở các nước Trung, Đông Âu). Điều này đã tác động mạnh và nhiều mặt đến quan hệ quốc tế. Về quan hệ Việt Nam - Nga, mặc dù Nga được thừa nhận là “quốc gia kế thừa Liên Xô” (được hiểu là kế thừa tất cả quyền lợi và nghĩa vụ của Liên Xô trên trường quốc tế), song trong những năm đầu thời kỳ “hậu Xô viết”, mối quan hệ giữa hai nước gặp phải nhiều khó khăn, thách thức nghiêm trọng, đòi hỏi phải có sự một khuôn khổ, xác lập phương hướng trong giai đoạn mới. Đây chính là nền tảng cho việc ra đời của Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang Nga được ký kết vào năm 1994.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin.

Nhìn lại chặng đường 30 năm và dài hơn là gần 75 năm của quan hệ Việt – Nga, tôi nhận thấy có một số điểm nổi bật như sau:

Thứ nhất, quan hệ Việt Nam – Nga đã kế thừa được di sản tốt đẹp của lịch sử, tiếp tục phát triển tích cực trên nhiều mặt, phù hợp với lợi ích hai quốc gia, trở thành tài sản vô giá của nhân dân hai nước và là hình mẫu của quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác cùng có lợi.

Thứ hai, điểm căn bản của giai đoạn 30 năm qua so với giai doạn trước đó là ý thức hệ đã không còn là nhân tố chủ đạo trong quan hệ giữa Việt Nam và Nga, mà thế vào đó là các nguyên tắc “bình đẳng”, “có đi có lại”, “tôn trọng lẫn nhau”, “không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau” “đôi bên cùng có lợi” trong quan hệ giữa hai nước.

Thứ ba, cả hai nước đều nhận thức sâu sắc và ngày càng rõ ràng về việc củng cố và nâng cao hiệu quả quan hệ Việt – Nga là một trong những ưu tiên đối ngoại hàng đầu, không chỉ đáp ứng lợi ích lâu dài, góp phần vào sự phát triển của mỗi nước, mà còn nâng cao vai trò của hai quốc gia tại mỗi khu vực và trên thế giới.

NĐT: Từ những kết quả nổi bật trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Putin, ông đánh giá như thế nào về triển vọng phát triển của quan hệ Việt Nam – Nga?

Ông Lê Thanh Vạn: Tuyên bố chung lần này của hai nước bên cạnh đề cập đến tầm cao chiến lược của mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện cũng đã chỉ ra những giải pháp, nhiệm vụ cơ bản mà hai nước cần thực hiện để ngày càng củng cố, thắt chặt quan hệ song phương. Đây chắc chắn sẽ tạo ra một cú huých mới cho sự phát triển ngày càng cao về cả lượng và chất của quan hệ Việt – Nga.

Đặc biệt, tiềm năng, dư địa và không gian hợp tác giữa hai nước nhất là trong lĩnh vực kinh tế còn rất lớn. Quyết tâm chính trị rất cao mà lãnh đạo hai nước đã khẳng định trong chuyến thăm lần này sẽ biến tiềm năng thành sức mạnh, thúc đẩy quá trình hợp tác thực chất, hiệu quả và rộng khắp.

Nhìn lại chặng đường đã đi qua của mối quan hệ song phương, tôi tin tưởng rằng với quyết tâm chính trị rất cao, hai nước Việt Nam - Nga vượt qua mọi thách thức và khó khăn, phát triển toàn diện, nâng lên tầm cao mới về chất.

NĐT: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi.

Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng thống Vladimir Putin cùng gặp gỡ với cựu sinh viên Việt Nam từng tốt nghiệp tại các trường đại học của Liên Xô và Nga.

Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng thống Vladimir Putin cùng gặp gỡ với cựu sinh viên Việt Nam từng tốt nghiệp tại các trường đại học của Liên Xô và Nga.

Mạnh Quốc - Thu Hương

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/hai-tieng-dong-chi-su-than-tinh-gan-ket-tinh-cam-viet-nga-a669815.html