Hai tỉnh nào có chỉ số cải cách hành chính cao nhất?
Theo báo cáo do Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà vừa công bố, 2 tỉnh nào có chỉ số cải cách hành chính cao nhất năm 2024?
Ngày 6/4, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã trình bày báo cáo và công bố kết quả xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) năm 2024 của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Kết quả được xây dựng dựa trên khảo sát ý kiến của người dân, cán bộ, công chức, cùng các nhà quản lý tại các bộ, ngành, địa phương, hội và hiệp hội, với tổng số hơn 85.600 phiếu thu thập được.
Theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, Chỉ số cải cách hành chính năm 2024 của các địa phương tiếp tục duy trì xu hướng tăng trưởng tích cực. Giá trị trung bình toàn quốc đạt mức cao kỷ lục 88,37%, tăng 1,39% so với năm trước. Đây là năm thứ hai liên tiếp toàn bộ 63 tỉnh, thành phố đều đạt chỉ số trên 80%.

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà công bố báo cáo về Chỉ số cải cách hành chính tại các địa phương. Ảnh: VGP
Cụ thể, có 53 địa phương ghi nhận mức tăng chỉ số so với năm 2023, trong đó, tỉnh Bình Thuận tăng mạnh nhất với 6,39%; Lai Châu có mức tăng thấp nhất là 0,19%. Trong khi đó, 9 địa phương có chỉ số giảm, tuy nhiên, mức giảm đều không lớn, nơi giảm nhiều nhất là 2,94% và ít nhất là 0,21%.
Các địa phương được chia thành hai nhóm: Nhóm A gồm 13 tỉnh, thành đạt chỉ số từ 90% trở lên; nhóm B gồm 50 tỉnh, thành đạt từ 80% đến dưới 90%.
Hải Phòng là địa phương dẫn đầu bảng xếp hạng năm 2024 với 96,17%, tăng 4,30% và lên một bậc so với năm trước. Theo Bộ Nội vụ, những nỗ lực cải cách hành chính mạnh mẽ đã giúp Hải Phòng đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Năm 2024, đây là địa phương duy nhất trên cả nước đạt tăng trưởng hai con số liên tiếp trong 10 năm, thu hút FDI đạt 4,7 tỷ USD, gấp 2,35 lần kế hoạch.
Xếp thứ hai là tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với 93,35%, tăng ba bậc so với năm 2023. Công tác cải cách hành chính tại tỉnh luôn nhận được sự chỉ đạo quyết liệt, sáng tạo từ lãnh đạo Tỉnh ủy và UBND tỉnh. Năm 2024, mức độ hài lòng của người dân về chất lượng dịch vụ công đạt 90,09%, thuộc nhóm rất cao. Tỉnh cũng là nơi đầu tiên triển khai chính sách miễn 100% học phí cho học sinh phổ thông - một chính sách hiện đã được nhân rộng trên toàn quốc. Tăng trưởng GRDP đạt 11,72% - mức cao nhất trong vòng một thập kỷ và thu hút hơn 2 tỷ USD vốn FDI, tăng gấp đôi so với năm trước.
Một số địa phương khác cũng có tiến bộ rõ rệt như Hà Nội (xếp thứ 3 với 92,75%), Quảng Ninh (xếp thứ 4 với 91,49%) và Thái Nguyên (xếp thứ 5 với 91,47%).
Ở cuối bảng xếp hạng là tỉnh Cao Bằng với chỉ số 82,95%, tuy nhiên vẫn cao hơn 1,63% so với địa phương đứng cuối năm 2023 là An Giang (81,32%). So với năm 2023, chỉ số của Cao Bằng tăng 0,98%. '
Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng thông tin thêm, trong năm 2024, cả 6 vùng kinh tế - xã hội đều có giá trị trung bình Chỉ số cải cách hành chính vượt mốc 80% và đều ghi nhận mức tăng so với năm 2023.
Dẫn đầu là vùng Đồng bằng sông Hồng với 90,17%, tăng 1,85% so với năm trước. Vùng Đông Nam Bộ xếp thứ hai với 89,44%, tăng 1,99% - mức tăng cao nhất trong các vùng. Xếp thứ ba là Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung với 88,51%, tăng 1,58%. Tiếp theo là Trung du và miền núi phía Bắc đạt 88,20%, tăng 0,48%. Hai vùng còn lại gồm Đồng bằng sông Cửu Long (87,37%) và Tây Nguyên (85,63%).