Môi trường đầu tư Việt Nam liệu có mất sức hút khi Mỹ tăng mạnh thuế nhập khẩu?
Theo Bộ Tài chính, đến hết tháng 3, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt gần 10,98 tỉ USD, tăng 34,7% so với cùng kỳ năm 2024, chứng tỏ sức hấp dẫn của môi trường đầu tư tại Việt Nam.
Theo số liệu mới nhất từ Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Tài chính, đến hết tháng 3, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam đạt gần 10,98 tỉ USD, tăng 34,7% so với cùng kỳ năm 2024. Điều này minh chứng quan trọng cho sức hấp dẫn của môi trường đầu tư Việt Nam.

Sức hấp dẫn của môi trường đầu tư Việt Nam vẫn rất tốt. Ảnh minh họa: VGP
Thu hút đầu tư FDI được đánh giá là một trong những điểm sáng trong bức tranh kinh tế quý I-2025. Có 850 dự án FDI được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 4,33 tỉ USD, tăng 11,5% về số dự án và giảm 31,5% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên vào ngày 2-4, Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố tăng thuế nhập khẩu hàng hóa với hơn 180 quốc gia trên thế giới, trong đó Việt Nam phải chịu ngưỡng thuế cao lên đến 46%.
Không ít chuyên gia đã băn khoăn về khả năng thuế quan sẽ ảnh hưởng đến sức hấp dẫn của môi trường đầu tư FDI Việt Nam.
Thuế không phải yếu tố duy nhất trong các quyết định đầu tư
Theo Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Linh, chuyên gia phân tích đầu tư tại quỹ VCBF, nhiều người nói đến việc khi Mỹ tăng thuế, nhiều nhà đầu tư FDI sẽ rút vốn khỏi Việt Nam, tuy nhiên có thể khẳng định rằng việc dịch chuyển FDI không dễ dàng. Dù vậy, cần phải cân nhắc đến việc những nhà đầu tư FDI vào Việt Nam có chuyển đến các quốc gia khác hay không.
Phân tích của ông Linh cho thấy nhóm nước cạnh tranh về sản xuất với Việt Nam bao gồm Ấn Độ, Indonesia, Mexico, Malaysia… Trong quyết định liên quan đến FDI của nhà đầu tư, câu chuyện về chênh lệch thuế quan chỉ là một phần. Khi các doanh nghiệp FDI đầu tư vào một nước, họ còn xem xét đến sự ổn định về chính trị, môi trường đầu tư, cân đối về vĩ mô cũng như là nguồn cung và mức lương của người lao động.
“Còn nhớ trước đây khi Ấn Độ công bố chương trình “Make in India” vào năm 2015, khi đó rất nhiều chuyên gia đã lo lắng Samsung sẽ đầu tư sang Ấn Độ thay cho Việt Nam. Tuy nhiên, so với Việt Nam, Ấn Độ có rất nhiều rào cản” - chuyên gia tại VCBF nhấn mạnh.
Cụ thể, xét về quy mô và cấu trúc lực lượng lao động, dù có lực lượng lao động lớn nhưng 50% lực lượng lao động Ấn Độ vẫn làm nghề nông, tỉ lệ làm trong ngành sản xuất khá thấp.
Ngoài ra, vấn đề về văn hóa vô cùng quan trọng, Ấn Độ hiện tại đang sử dụng hơn 100 loại ngôn ngữ khác nhau. Ngay cả đến trang web của văn phòng Chính phủ Ấn Độ có đến 13 loại ngôn ngữ đang được sử dụng. Điều đó có nghĩa là để một doanh nghiệp FDI vào được Ấn Độ, để sử dụng lực lượng lao động, làm việc với chính quyền địa phương, hòa nhập với văn hóa bản địa, việc này không hề dễ dàng và không phải doanh nghiệp nào cũng làm được.
Samsung cũng từng tìm hiểu Ấn Độ nhưng họ gặp rất nhiều khó khăn trong việc tạo lập chuỗi cung ứng tại đây.
Trong một ngành dễ chịu tổn thương bởi thuế quan lần này như dệt may, Bangladesh là nước cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam. Thế nhưng chính trị Bangladesh không ổn định.
Indonesia cũng cạnh tranh với Việt Nam trong thu hút đầu tư FDI, nhưng Indonesia bản thân cũng có rất nhiều vướng mắc. Ngoài ra, Indonesia là đất nước ngàn đảo, chính vì vậy câu chuyện vận chuyển hàng hóa không hề đơn giản. Indonesia cũng nằm xa Trung Quốc, đất nước có chuỗi cung ứng rất quan trọng của thế giới.
Việt Nam – Mỹ có thể sớm đạt thỏa thuận về thuế quan
Đại diện Phòng Thương mại Mỹ tại Hà Nội (AmCham) mới đây cũng đã đưa ra phản hồi. Ông Adam Sitkoff, Giám đốc điều hành AmCham Hà Nội, nhận định rằng mức thuế mới do chính quyền ông Trump công bố sẽ có tác động đến nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, Giám đốc điều hành AmCham bày tỏ sự tin tưởng rằng lãnh đạo hai nước sẽ sớm đạt được một thỏa thuận về thuế quan.
Giám đốc điều hành AmCham nhấn mạnh đến việc trong 2 tháng qua, các nhà lãnh đạo Việt Nam đã tích cực tiếp xúc với phía Mỹ để xử lý vấn đề mất cân bằng thương mại và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp Mỹ. Ông đánh giá cao sự chủ động của Thủ tướng Phạm Minh Chính khi lắng nghe phản hồi từ các doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam.
Việt Nam cũng đang thực hiện nhiều biện pháp nhằm mở cửa thị trường cho nhà đầu tư Mỹ, bao gồm việc tạo điều kiện cho Starlink và thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng như khí hóa lỏng tự nhiên, nông sản cũng như ký kết thỏa thuận mua thêm máy bay từ Mỹ.
Giám đốc điều hành AmCham lưu ý rằng vấn đề thâm hụt thương mại giữa Việt Nam và Mỹ không thể giải quyết ngay lập tức. Ông khuyến nghị Việt Nam cần thể hiện thiện chí trong việc cải thiện tình trạng này thay vì chỉ dừng lại ở các biên bản ghi nhớ về việc mua hàng hóa Mỹ như máy bay Boeing.
Cần chuẩn bị cho một bình thường mới về thuế quan
Chuyên gia tại VCBF, ông Nguyễn Hoàng Linh, nhấn mạnh Việt Nam cần phải chuẩn bị tâm lý cho một thế giới có “bình thường mới”, đó là thuế quan với mọi loại mặt hàng sẽ cao hơn, cao hơn đến mức độ nào chưa thể nói được ngay.
Đồng thời cũng phải tính đến kịch bản rằng sẽ không có chuyện giảm sâu thuế nhập khẩu từ các nước.