Đột phá cải cách hành chính để xây dựng NHNN tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả

Tiếp nối thành quả 7 năm dẫn đầu bảng xếp hạng chỉ số cải cách hành chính các bộ, ngành (PAR Index), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục khẳng định quyết tâm đổi mới với việc hoàn thành sắp xếp tổ chức bộ máy, giảm mạnh đầu mối và phòng ban, đẩy mạnh cải cách thể chế, thủ tục hành chính, chuyển đổi số tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển.

"Cuộc cách mạng" tinh gọn bộ máy, hiệu quả hoạt động

Chỉ trong thời gian ngắn chưa đầy 3 tháng, kể từ khi Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW, Ban lãnh đạo, tập thể CBCCVC, NLĐ toàn ngành Ngân hàng đã đoàn kết, thống nhất, đồng thuận, quyết tâm cao, bám sát chỉ đạo của Trung ương và Chính phủ triển khai rà soát, sắp xếp lại cơ cấu tổ chức, đến ngày 1/3/2025 về cơ bản đã hoàn thành việc sắp xếp tổ chức bộ máy, đảm bảo đúng tiến độ và lộ trình đề ra. Tổ chức bộ máy của NHNN đã được rà soát, sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị thuộc NHNN cho phù hợp với định hướng tại Kế hoạch số 141/KH-BCĐTKNQ18, giảm từ 25 đơn vị đầu mối xuống 20 đơn vị đầu mối, tương đương tỷ lệ giảm 20%. Trường hợp tính cả các NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố thì NHNN giảm 52 đầu mối, tương đương tỷ lệ giảm 60%.

 Cải cách hành chính ngành Ngân hàng lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, lấy trải nghiệm của khách hàng làm thước đo.

Cải cách hành chính ngành Ngân hàng lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, lấy trải nghiệm của khách hàng làm thước đo.

NHNN đã thực hiện nghiêm túc giảm mạnh số lượng phòng (123 phòng) trong các đơn vị trực thuộc trong quá trình xây dựng trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của NHNN từ năm 2017 đến nay, gần đây nhất là Nghị định số 146/2024/NĐ-CP ngày 6/11/2024 của Chính phủ. Và trong đợt này, NHNN tiếp tục rà soát giảm số lượng phòng trong các đơn vị thuộc NHNN từ 391 phòng xuống 212 phòng, giảm 179 phòng tương ứng tỷ lệ giảm là 46% tổng số phòng hiện nay của toàn hệ thống NHNN.

Đặc biệt, việc sắp xếp, tổ chức lại 63 NHNN Chi nhánh tỉnh, thành phố thành 15 NHNN khu vực được đánh giá là có ảnh hưởng tới công tác chuyên môn nghiệp vụ (công tác quản lý tài chính, tài sản của NHNN; hệ thống công nghệ thông tin; hệ thống thanh toán; công tác tiền tệ, kho quỹ; công tác thanh tra, giám sát ngân hàng ...), công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương về phát triển kinh tế tại địa phương; sự phối hợp công tác với các cơ quan chuyên môn trên địa bàn; công tác quản lý, cung ứng tiền tệ, kho quỹ đối với các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp và người dân trên địa bàn từng tỉnh.

Song sau hơn một tháng vận hành, phản ánh của TCTD, tại các buổi làm việc của Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng và các Phó Thống đốc NHNN vừa qua tại các NHNN khu vực từ Bắc vào Nam cho thấy, chưa có vướng mắc nào nảy sinh khi vận hành cơ cấu mới. Tính đến hết quý I, tăng trưởng tín dụng đạt 3,93%, gấp 2,5 lần so với mức 1,42% của cùng kỳ năm trước, đóng góp tích cực tổng đầu tư toàn xã hội là một minh chứng sinh động cho kết quả triển khai Nghị quyết 18-NQ/TW cho thấy trong thời gian vừa qua của ngành Ngân hàng.

NHNN sắp xếp, tổ chức lại 63 NHNN Chi nhánh tỉnh, thành phố thành 15 NHNN khu vực

NHNN sắp xếp, tổ chức lại 63 NHNN Chi nhánh tỉnh, thành phố thành 15 NHNN khu vực

Nền tảng vững chắc để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kiện toàn cơ cấu tổ chức, tinh gọn bộ máy và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của NHNN theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW được xây nên từ thành quả cải cách hành chính những năm trước. Cùng sự tiếp tục chủ động triển khai đồng bộ, hiệu quả, thực chất công tác CCHC tại Kế hoạch CCHC năm 2025 trên 6 lĩnh vực cải cách hành chính (CCHC) nhà nước theo Nghị quyết 76/NQ-CP của Chính phủ.

Ngay sau Hội nghị toàn quốc quán triệt triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW, NHNN đã khẩn trương rà soát, thống kê, tổng hợp hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật chịu tác động liên quan đến việc thay đổi tổ chức bộ máy của NHNN theo chỉ đạo của Bộ Chính trị. Thống kê cho thấy tổng số văn bản chịu sự tác động của việc sắp xếp bộ máy là 351 văn bản, gồm có 4 Luật, 1 Pháp lệnh, 29 nghị định, 11 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 306 Thông tư của Thống đốc NHNN. Từ đó phân nhóm để có phương thức và lộ trình xử lý phù hợp. Đồng thời tiếp tục nghiên cứu, rà soát việc sửa đổi Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; rà soát đề xuất, sửa đổi hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng để triển khai thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW về tinh gọn bộ máy;

NHNN cũng nhanh chóng triển khai Phương án công nghệ thông tin phục vụ việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy theo Nghị quyết 18-NQ/TW, đảm bảo các hệ thống công nghệ thông tin của NHNN vận hành thông suốt sau sắp xếp cơ cấu tổ chức ngày 1/3/2025.

Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện, ban hành các văn bản hướng dẫn, cụ thể hóa các quy định mới của Đảng, Chính phủ và pháp luật của Nhà nước về công tác cán bộ. Thực hiện nghiêm túc và đúng quy định việc đánh giá, lựa chọn, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng, bổ nhiệm cán bộ.

NHNN ban hành và tổ chức triển khai Kế hoạch đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức ngân hàng năm 2025. Trong đó, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng để xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao thực hiện hiệu quả, chất lượng nhiệm vụ của ngành. Tiếp tục hoàn thiện dự thảo Đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nguồn cho các vị trí lãnh đạo, quản lý của NHNN đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Tiếp tục tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu. Nâng cao ý thức, văn hóa công vụ và đạo đức cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tại NHNN.

Xóa bỏ mọi rào cản đang cản trở sự phát triển

Song hành với việc cơ cấu nâng cao hiệu lực hiệu quả bộ máy hành chính, công tác cải cách thể chế cải thiện môi trường kinh doanh tiếp tục được đặt ra với định hướng CCHC ngành Ngân hàng đặt người dân, doanh nghiệp vào vào trung tâm và việc lấy trải nghiệm người dân, doanh nghiệp làm thước đo. Và tinh thần xuyên suốt Thống đốc NHNN đã đặt ra tại Quyết định số 1364/QĐ-NHNN ban hành ngày 5/3/2025 “khẩn trương quyết liệt hoàn thiện thể chế; xóa bỏ mọi tư tưởng, quan niệm, rào cản đang cản trở sự phát triển”.

Trong đó, NHNN đang xây dựng và hoàn thiện quy định pháp luật và các quy định liên quan do NHNN ban hành để đảm bảo hành lang pháp lý cho hoạt động Ngành Ngân hàng. Trong đó, NHNN đã xây dựng hồ sơ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các Tổ chức tín dụng để luật hóa một số nội dung của Nghị quyết số 42/2017/QH14 và đang trình các cấp có thẩm quyền. Đồng thời theo dõi, đôn đốc việc xây dựng, trình ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Tổ chức tín dụng; đôn đốc các đơn vị thực hiện đúng Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2025 được Thống đốc phê duyệt (Quyết định số 2886/QĐ-NHNN ngày 31/12/2024).

Cải cách hành chính là nội dung được ngành Ngân hàng rất quan tâm và đã triển khai nhiều giải pháp. NHNN đã có 7 năm liên tiếp xếp thứ nhất trong hệ thống đánh giá chỉ số PAR Index của các bộ, ngành. Từ năm 2023, NHNN đã chỉ đạo các đơn vị rà soát danh sách thủ tục hành chính nội bộ thuộc thẩm quyền quản lý. Đồng thời, đã chủ động đề xuất phương án đơn giản hóa các thủ tục hành chính nội bộ và chuẩn hóa các thủ tục hành chính… Đến nay, tỉ lệ đơn giản hóa đạt 34,38%.

Hiện nay, NHNN đang tham gia tích cực hoàn thiện dự thảo Nghị quyết phê duyệt chương trình cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh theo yêu cầu của Văn phòng Chính phủ và sẽ triển khai ngay khi nghị quyết được ban hành.

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng

Chất lượng công tác xây dựng pháp luật được nâng cao cùng việc tăng cường kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật, kịp thời phát hiện và xử lý các quy định chồng chéo, mâu thuẫn, trái pháp luật, hết hiệu lực hoặc không còn phù hợp. Trong quý I/2025, NHNN đã góp ý 353 lượt văn bản theo đề nghị của các Bộ, ngành. NHNN đã ban hành Kế hoạch kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật năm 2025 của NHNN; tiến hành đánh giá tác động đối với 14 TTHC thuộc phạm vi quản lý của NHNN theo đúng trình tự, thủ tục quy định. Các TTHC được ban hành mới/ sửa đổi, bổ sung/ thay thế/ bãi bỏ đều được cập nhật đầy đủ, kịp thời lên Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC. Hiện, Bộ TTHC của NHNN có 315 TTHC, NHNN tiếp tục rà soát để đề xuất nâng cấp các TTHC của NHNN đáp ứng đủ điều kiện lên dịch vụ công toàn trình.

NHNN cũng tiếp tục thực hiện Kế hoạch của NHNN về việc thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ về việc ban hành Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025; Quyết định số 1085/QĐ-TTg ngày 15/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch rà soát, đơn giản hóa TTHC nội bộ trong hệ thống hành chính nhà nước giai đoạn 2022-2025. Hướng dẫn các đơn vị giải quyết TTHC kiện toàn Bộ phận một cửa sau khi sắp xếp bộ máy, bảo đảm duy trì sự ổn định, liên tục, thông suốt, hiệu quả không bị gián đoạn; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, đẩy mạnh việc tiếp nhận TTHC không phụ thuộc vào địa giới hành chính trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin; hồ sơ TTHC tiếp nhận tại NHNN đã được số hóa, theo dõi, đôn đốc xử lý và cập nhật tiến độ xử lý hồ sơ lên phần mềm một cửa điện tử.

Triển khai Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, NHNN đã ban hành Quyết định số 67/QĐ-NHNN ngày 8/1/2025 về việc phê duyệt Đề án chuyển đổi số của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam triển khai tiện ích cốt lõi phát triển ngành Ngân hàng, bảo đảm kết nối với Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác định điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” và Quyết định số 1364/QĐ-NHNN ngày 5/3/2025 Ban hành Kế hoạch của ngành Ngân hàng triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 03/NQ-CP của Chính phủ. Theo đó, NHNN xác định năm 2025, chuyển đổi số là yếu tố cốt lõi để tăng cường hiệu quả quản lý, minh bạch hóa và nâng cao chất lượng dịch vụ trong ngành ngân hàng; hiện NHNN đang nghiên cứu về TCVN ISO 20022, giải pháp thanh toán để phát triển hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng mới. Đồng thời tiếp tục tập trung cải cách, đổi mới, hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành dựa trên ứng dụng hiệu quả công nghệ số, dữ liệu số, gắn với đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trong các lĩnh vực hoạt động ngân hàng, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, tích cực, lành mạnh, công bằng cho các tổ chức tín dụng.

Bên cạnh đó, tại Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 20/1/2025 về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm 2025 và Chỉ thị số 02/CT-NHNN ngày 20/1/2025 về việc đẩy mạnh chuyển đổi số và đảm bảo an ninh, an toàn thông tin trong hoạt động ngân hàng, Thống đốc NHNN đã chỉ đạo các đơn vị thuộc NHNN tập trung cải cách mạnh mẽ quy định, thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương hành chính. Thực hiện có hiệu quả Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng và Chiến lược phát triển công nghệ thông tin ngành ngân hàng năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Minh Ngọc

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/dot-pha-cai-cach-hanh-chinh-de-xay-dung-nhnn-tinh-gon-hieu-luc-hieu-qua-162390.html