Hai tỉnh sáp nhập thì 'điều chỉnh' quy hoạch theo bên nào?

Đây là vấn đề được Đại biểu Quốc hội nêu ra khi thảo luận về dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, tại Kỳ họp thứ 9.

Tầm nhìn mới nên cần tính toán lại

Nêu ý kiến thảo luận tại tổ, đại biểu Ngô Đông Hải – Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương bày tỏ băn khoăn về quy định điều khoản thi hành rằng: Việc điều chỉnh quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030 đã được cấp có thẩm quyền quyết định hoặc phê duyệt trước ngày luật này có hiệu lực thi hành để thực hiện nghị quyết mới của Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính thì phải tiến hành điều chỉnh.

Theo ông, quy hoạch cấp quốc gia phải điều chỉnh là đương nhiên nhưng bắt đầu từ quy hoạch cấp vùng, đặc biệt là quy hoạch cấp tỉnh mà dùng từ “điều chỉnh” thì phải cân nhắc.

Bởi lẽ, trước đây theo nguyên tắc quy hoạch chia thành 6 vùng, giờ sắp xếp cấp tỉnh, thay đổi nhiều về địa giới hành chính và cấp chính quyền thì nay quy hoạch theo 6 vùng cũng phải tính toán lại.

Tương tự là quy hoạch cấp tỉnh, ngay với tỉnh không sáp nhập đã có nhiều thay đổi, còn với tỉnh sáp nhập thì quy hoạch được duyệt trước đây mặc nhiên không còn hiệu lực.

Đại biểu Quốc hội Ngô Đông Hải thảo luận tại tổ về Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch. Ảnh: Quốc hội

Đại biểu Quốc hội Ngô Đông Hải thảo luận tại tổ về Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch. Ảnh: Quốc hội

Cho rằng nội dung các quy hoạch trước đây có thể dùng được phần nào đó nhưng ông Ngô Đông Hải lưu ý ngay từ nguyên tắc, lý giải, các phương án, tính toán cân đối đều không còn giá trị nữa. Nên quy định “điều chỉnh” quy hoạch là không phù hợp.

“2 tỉnh sáp nhập với nhau thì điều chỉnh quy hoạch nào? Không thể điều chỉnh cả hai. Nếu nói “điều chỉnh” thì có nghĩa quy hoạch đó còn hiệu lực? Đề nghị dự thảo quy định cho phù hợp để từ đó thể chế hóa quy định, quy trình, cách thức tiến hành xây dựng quy hoạch về sau, còn quy định thế này về sau không có cơ sở thực hiện”, ông Ngô Đông Hải nêu ý kiến.

Cho rằng nên cho phép tiếp tục nội dung quy hoạch còn hợp lý ở quy hoạch đã được phê duyệt, nhưng vị đại biểu Quốc hội này nhấn mạnh việc xây dựng quy hoạch mới phải thực hiện chứ không phải “điều chỉnh”, vì tư duy mới, tầm nhìn mới, mục tiêu mới, nhiệm vụ mới, như Tổng Bí thư Tô Lâm nói hai tỉnh sáp nhập vào nhau để tạo dư địa và tiềm năng mới.

"Giờ đã khác xa rồi"

Đồng quan điểm, đại biểu Lại Văn Hoàn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình cho rằng mục đích sửa luật lần này trước hết phục vụ tổ chức mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, sắp xếp đơn vị hành chính, nên dù quy hoạch cấp tỉnh trước đây làm rất kỹ, song “giờ 2 tỉnh nhập vào rõ ràng khác, đi rất xa rồi”.

Cũng theo vị đại biểu Quốc hội này, dự thảo luật quy định chung cho điều chỉnh quy hoạch 2021-2030, chưa có quy định riêng biệt quy trình điều chỉnh các quy hoạch theo tính chất quy mô, không gian lãnh thổ; quy hoạch bị thay đổi khi thực hiện sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính.

“Đề nghị cần có quy định, tất nhiên định hướng thôi, như trước mắt làm cái gì? Ví dụ 2 tỉnh hay 3 tỉnh giờ sáp nhập cần một tuyến giao thông kết nối các trung tâm nhưng cái này trước đây chưa đưa vào danh mục dự án thì giờ phải có cái mới, cần quy định thì các tỉnh mới triển khai được” – ông Lại Văn Hoàn nêu vấn đề.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình cũng cho biết dự thảo nêu kinh phí cho hoạt động quy hoạch sử dụng nguồn vốn đầu tư công. Ông đề xuất nên kết hợp cả nguồn đầu tư công và nguồn xã hội hóa, nhất là với quy hoạch đô thị nông thôn nếu xã hội hóa thì ngoài huy động nguồn lực vào quy hoạch còn đẩy nhanh được tiến độ quy hoạch.

Cho rằng, thực hiện chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính, xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, trong đó không tổ chức cấp huyện sẽ tác động đến hệ thống quy hoạch, có ý kiến đại biểu đề nghị cần phải nghiên cứu hệ thống quy hoạch theo hướng tiếp cận theo vùng động lực, hành lang kinh tế, không gian chức năng liên kết, thay vì địa giới hành chính như hiện nay.

Đại biểu Nguyễn Văn Quảng – Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho biết, một trong những vấn đề hiện nay các địa phương đều quan tâm, đó là khi sáp nhập các tỉnh lại thì câu chuyện về sử dụng quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt và thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch.

“Ví dụ như Quảng Nam, Đà Nẵng sẽ hợp nhất thành thành phố Đà Nẵng thì câu chuyện về các quy hoạch mà đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, thì chúng ta tiếp tục triển khai như thế nào? rồi nếu trong quá trình đó có những vấn đề phát sinh cần phải điều chỉnh, bổ sung thì chúng ta sẽ phải xử lý ra sao? Những vấn đề đấy tôi cho rằng cần phải được xem xét”, ông Nguyễn Văn Quảng nói.

Ngọc Thành/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/hai-tinh-sap-nhap-thi-dieu-chinh-quy-hoach-theo-ben-nao-post1198470.vov