25 năm Di sản Văn hóa thế giới Hội An

Đô thị cổ Hội An được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới vào ngày 4/12/1999. Sau 25 năm được vinh danh, chính quyền và người dân Hội An không chỉ giữ được một bảo tàng sống của kiến trúc và lối sống đô thị biểu tượng cho sự giao thoa văn hóa Đông - Tây độc đáo, mà còn phát huy tốt những giá trị ấy vì mục tiêu bảo tồn và phát triển bền vững di sản này.

Từ một thương cảng quốc tế sầm uất 400 năm trước, Hội An hiện còn giữ được 27 di tích cấp quốc gia, 49 di tích cấp tỉnh và hơn 1.330 di tích nằm trong danh mục bảo vệ của thành phố. Tất cả tạo nên một không gian kiến trúc độc đáo, giao thoa giữa phong cách Việt-Hoa-Nhật và phương Tây. Từ năm 2008 đến nay, có hơn 400 di tích tại phố cổ Hội An đã được tu bổ với kinh phí trên 150 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước và sự đóng góp của cộng đồng. Trong đó, đã hoàn thành việc hạ giải trùng tu di tích mang tính biểu tượng của Hội An là chùa Cầu.

Ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, cho biết: “Trùng tu di tích chùa Cầu là phần khó khăn nhất của việc trùng tu quần thể kiến trúc đô thị cổ Hội An vì đây là giá trị di tích đặc biệt, cũng là nơi mà du khách tới tham quan nhiều nhất. Tuy nhiên, với kết quả ngày hôm nay thì có thể yên tâm vì đã trả lại cho di sản 1 công trình vừa vững chắc vừa giữ được những yếu tố gốc, đồng thời qua những ý kiến góp ý của các chuyên gia, người dân, cũng giúp chúng ta có nhiều kinh nghiệm hơn và thận trọng hơn trong việc đánh giá, tổ chức trùng tu”.

Không chỉ giữ được những kiến trúc cổ kính, việc trở thành Di sản văn hóa Thế giới cũng đã tạo điều kiện để Hội An bảo tồn, nuôi dưỡng những không gian văn hóa đặc sắc, từ những làng nghề nổi danh hàng trăm năm như gốm Thanh Hà, mộc Kim Bồng, rau Trà Quế cho tới những phong tục tập quán, tín ngưỡng và nghệ thuật dân gian đặc sắc như Lễ hội Nguyên tiêu, hô hát bài chòi, Tết Trung thu… và đưa những di sản phi vật thể này trở thành sản phẩm du lịch văn hóa hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế.

Nghệ nhân mặt nạ Bùi Quý Phong chia sẻ: “Tôi thầm cám ơn ông cha đã xây dựng nên một Hội An lung linh, lung linh từ thời là thị xã, bây giờ là thành phố, lung linh qua lòng của con người. Thông qua các hoạt động mọi người gần gũi, hiểu rõ nhau hơn, tạo thành một quần thể di tích với nhiều hoạt động, xứng đáng được tôn vinh và gìn giữ để con cháu mai sau lại tiếp tục thừa hưởng những gì chúng ta đang làm hôm”.

Hội An được xem là hình mẫu trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản nhờ sự đồng thuận và chung tay của cộng đồng người dân, doanh nghiệp và chính quyền thành phố, với những sáng kiến nổi bật như phố không động cơ, giảm rác thải nhựa, các tour du lịch sinh thái du khách tham gia bảo vệ môi trường. Đặc biệt, việc được gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO trong lĩnh vực thủ công và văn nghệ dân gian cũng tạo điều kiện để Hội An tiếp tục theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững.

Ông Nguyễn Văn Lanh - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An, cho biết: “Chính những sáng tạo của tiền nhân trong quá khứ là mạch nguồn, là dòng chảy, là tiền đề cho thế hệ đương đại tiếp tục kế thừa, sáng tạo trên nền tảng văn hóa và tài nguyên sinh thái để làm sao những giá trị di sản văn hóa ấy được bảo tồn tốt hơn”.

Theo “Đề án bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Văn hóa thế giới Đô thị cổ Hội An đến năm 2030, định hướng đến năm 2035”, sẽ có 100% di tích xuống cấp được tu bổ, tất cả di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được lập hồ sơ khoa học, vùng bảo vệ di sản được mở rộng, bảo đảm tính toàn vẹn và giá trị nổi bật toàn cầu của đô thị cổ, để đưa Hội An trở thành trung tâm du lịch văn hóa - sinh thái hàng đầu khu vực.

Huyền Chi

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/25-nam-di-san-van-hoa-the-gioi-hoi-an-282822.htm