Hai vợ chồng là Nghệ sĩ Nhân dân
Những năm 80 của thế kỷ trước, Nhà hát Lam Sơn đêm nào cũng sáng đèn lung linh. Người ta nô nức đến đặt mua vé xem Đoàn chèo Thanh Hóa diễn vở Đồng tiền Vạn Lịch. Kịch bản hay đã đành, nhưng người ta nô nức đến rạp còn để chiêm ngưỡng đôi trai thanh, gái lịch trên sân khấu.
Khi màn nhung mở ra, nàng Mai do diễn viên Thanh Tâm thủ vai lộng lẫy trên sân khấu, nàng xinh đẹp quý phái, thon thả như một nàng tiên. Nàng cười, bao nhiêu chàng trai thót tim. Khi nàng cất lên tiếng hát, cả khán phòng im phăng phắc; Hải Thọ vào vai Vạn Lịch, cũng làm cho sân khấu thăng hoa khởi sắc. Đôi trai tài gái sắc Hải Thọ, Thanh Tâm đã làm mưa làm gió trên sân khấu và khán giả thì mang “bão lòng” vào những giấc mơ. Nàng Mai và Vạn Lịch do Thanh Tâm và Hải Thọ diễn xuất có nhiều trường đoạn lấy đi bao nước mắt của khán giả, nhất là trường đoạn nàng Mai bị chồng đuổi ra khỏi nhà và trường đoạn Vạn Lịch đi ăn xin gặp lại nàng Mai.
Hải Thọ quê gốc Hoằng Hóa, nhưng lại được cha mẹ sinh ra ở đất chè xanh Sánh Lược nổi tiếng một thời. Bát nước chè Sánh Lược khi ấy được gọi là bát nước chè cắm tăm, xanh vàng màu ngọc, thơm mùi hương gừng, sóng sánh, uống vào mát tận tâm can. Hải Thọ lớn lên ở đó, anh uống nước chè Lược, tắm nước sông Chu, ngao du vùng Lam Kinh cổ kính để ngấm vào người những làn điệu dân ca. Mười lăm tuổi, Thọ được người chị gái dẫn sang Tứ Trụ dự tuyển vào học khóa kịch hát dân tộc của Trường Văn hóa Nghệ thuật tỉnh. Sau 2 năm tu nghiệp, Thọ về Đoàn chèo Thanh Hóa làm diễn viên. Trong sự nghiệp của mình, Hải Thọ đóng rất nhiều vai diễn nổi tiếng: thằng Mục trong “Hương thiên lý”, hoàng tử trong “Tấm Cám”, vua trong Phương Hoa, Vạn Lịch trong “Đồng tiền Vạn Lịch”. Đặc biệt vở “Chuyện lạ thành Nukha”, Thọ đóng 4 vai diễn: Người lái buôn, hoàng thân, thầy dòng, quan tòa A Zét-đắc. Bốn vai diễn đó đều đạt xuất sắc, được lãnh đạo tỉnh khen thưởng và quyết định tăng lương đột xuất cho anh.
Thọ là một diễn viên hết sức thông minh và có trí nhớ tuyệt vời. Anh chỉ đứng ở cánh gà xem các diễn viên biểu diễn vài lần là nhớ hết kịch bản. Cho nên khi cần nhắc vở là có Hải Thọ; khi diễn viên ốm đau hoặc có việc đột xuất không lên sân khấu được lại có Hải Thọ thay thế. Hải Thọ như một con dao phay. Anh đóng các vai chính diện, phản diện, đóng hài, đóng hề đều xuất sắc. Cái duyên chèo nó cột chặt đời Thọ vào sân khấu như một định mệnh. Từ diễn viên xuất sắc, anh được cử đi học đạo diễn. Trong lĩnh vực đạo diễn, Hải Thọ cũng là người thông minh, sáng dạ, tài năng ở lớp “Biên kịch và đạo diễn kịch hát dân tộc”. Thọ được thầy Trần Bảng, Giáo sư - NSND - Chủ nhiệm lớp hướng dẫn bồi đắp những kỹ năng sáng tạo nghệ thuật và gìn giữ phát huy truyền thống chèo rất cặn kẽ. Sau 4 năm (1992 - 1996), Thọ trở thành một đạo diễn tài năng. “Kỹ nữ Ái Châu” là bài tốt nghiệp của Hải Thọ và cũng là vở diễn tham gia hội diễn miền duyên hải tại Nam Định đoạt Huy chương Vàng. Anh đạo diễn các vở tiếp theo như: “Súy Vân giả dại”, “Cà phê chín đỏ” đều đoạt Huy chương Vàng trong các hội diễn toàn quốc.
Hải Thọ nói: "Là một đạo diễn luôn luôn phải sáng tạo, luôn luôn tìm cái mới, nhưng nghệ thuật truyền thống bao giờ cũng phải gìn giữ truyền thống, không vì đổi mới mà làm mất đi truyền thống, lạc hướng truyền thống. Truyền thống là giá trị nghệ thuật của cha ông, của bản địa, của một vùng miền văn hóa". Còn một chút gượng gạo, khiên cưỡng thì vở diễn hỏng, người xem sẽ bỏ sân khấu mà ra đi. Hải Thọ “thấm” điều đó nên anh đã làm cho khán giả đau cái đau nhân thế, thương mà chảy dài nước mắt vì những thân phận kiếp người oan khiên, yếu thế. Rót vào tai người xem những bài học ở đời, mà người xem không biết rằng mình đang bị thôi miên. Nghệ thuật sân khấu hay nghệ thuật văn chương cần tinh tế như vậy mới đứng được giữa đời.
Hải Thọ là một đạo diễn nổi tiếng trong làng chèo cả nước, do đó nhiều tỉnh, thành mời anh đạo diễn các vở chèo để “mang chiêng đi đánh nước người” trong các kỳ hội diễn toàn quốc và phục vụ Nhân dân như: Bắc Giang, Hưng Yên, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Ca kịch Huế, Nhà hát Chèo Quân đội. Gần đây nhất là vở diễn “Đất liền và biển cả” tại Liên hoan chèo toàn quốc năm 2022 tại Hà Nam. Vở diễn đạt giải xuất sắc.
Năm 1990, Trương Hải Thọ được đề bạt Phó trưởng đoàn chèo. Năm 1997, Trưởng đoàn chèo, đến năm 2001 anh được đề bạt Giám đốc Nhà hát truyền thống tỉnh Thanh Hóa cho đến khi về hưu. Anh đã đưa Đoàn chèo Thanh Hóa đi biểu diễn khắp nơi trong cả nước. Đặc biệt, vở “Thằng ngố đi đòi nợ Phật” (Khuyến thiện trừ ác) được Bộ Công an mời biểu diễn ở nhiều trại giam. Nhiều lãnh đạo trại giam đã nói: “Đoàn chèo Thanh Hóa biểu diễn cho phạm nhân nghe một đêm mà hiệu quả bằng chúng tôi thuyết phục, giảng dạy cho họ cả năm”. Đó là thành công của đoàn, thành công của người đứng đầu là Trương Hải Thọ. Anh tâm huyết với nghề, tâm huyết với bạn diễn. Anh đào tạo các diễn viên trưởng thành, những diễn viên nòng cốt đạt các danh hiệu NSND như: Hàn Hải, Thanh Tâm; Nghệ sĩ Ưu tú như Thu Hài, Thương Hiền, Khánh Vinh, Quốc Dũng, Quốc Chiến...
NSND Hàn Hải, Giám đốc Nhà hát nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa, nói: “Đối với tôi và thế hệ nghệ sĩ của tôi, anh Hải Thọ vừa là người anh, người lãnh đạo, vừa là người thầy. Chúng tôi được như ngày nay một phần lớn là do sự dìu dắt, chỉ dẫn, giúp đỡ của anh Thọ”.
Hải Thọ và Thanh Tâm gặp nhau ở sân khấu chèo. Hai người là diễn viên chính, là diễn viên tài năng và thường đóng chung một cặp. Vở diễn Đồng tiền Vạn Lịch là một cặp diễn xuất sắc nhất, ấn tượng nhất khi Thanh Tâm vào vai Mai (vợ Vạn Lịch); Hải Thọ vào vai Vạn Lịch (chồng Mai). Hai nhân vật này đã làm khán giả hết nước mắt. Vở diễn kéo dài bảy đêm liền mà vẫn chưa thỏa mãn người xem. Có khán giả mua vé xem ba đêm liên tục. Vở diễn được ba Huy chương Vàng. Hải Thọ và Thanh Tâm đều được Huy chương Vàng trong hội diễn.
Ánh đèn sân khấu đã gắn kết hai người, Hải Thọ và Thanh Tâm đã kết hôn, rồi sinh đôi hai cậu con trai kháu khỉnh. Nhưng “Cơm áo không đùa với diễn viên”. Cuộc sống vô cùng khó khăn, người diễn viên tài năng Hải Thọ phải lăn lộn với cuộc sống vô cùng cực nhọc. Từ 2 giờ sáng, anh đã phải đi mua rau ở các chợ miền xuôi đưa lên miền ngược bán, để có tiền mua cho hai con hộp sữa. Buôn bán, nuôi lợn, nuôi gà, làm thêm đủ mọi việc để cân đối cuộc sống gia đình. Nhiều khi muốn buông bỏ sân khấu, nhưng càng muốn buông bỏ, sân khấu càng níu giữ, càng cột chặt. Rồi những ngày khó khăn gian khổ ấy cũng qua đi. Thanh Tâm trở lại với ánh đèn sân khấu như một định mệnh. Thanh Tâm có tài, có sắc đẹp, có một người chồng tài năng nâng đỡ, có một môi trường tốt, nên chị luôn là diễn viên xuất sắc. Những vai diễn: Tấm trong vở Tấm Cám; Súy Vân trong vở Súy Vân giả dại; Ỷ Lan trong Nhiếp chính Ỷ Lan; Grusa trong vở Chuyện lạ thành NuKha; Mai trong vở Đồng tiền Vạn Lịch; Mỹ Kim trong vở Cà phê chín đỏ; Hoàng thái hậu trong vở Gươm báu truyền ngôi... Thanh Tâm đều đạt Huy chương Vàng. Do đó năm 2009, Thanh Tâm đã được xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú và năm 2015, chị được Chủ tịch nước trao danh hiệu NSND. Năm 2019 Trương Hải Thọ được nhận danh hiệu NSND. Trên mảnh đất này, rất hiếm cặp vợ chồng nào đều đạt các danh hiệu cao quý ấy.
NSND Hải Thọ cũng đã được tặng Huân chương Lao động hạng Ba, nhiều bằng khen của các cấp, các ngành và Thủ tướng Chính phủ.