Hai vợ chồng trẻ hôn mê sâu do ăn nấm rừng
Hai vợ chồng trẻ ở tỉnh Lai Châu đang trong tình trạng nguy kịch sau khi ăn nấm rừng hái trong tự nhiên.

Người chồng đang được điều trị tích cực. Ảnh: BVCC
Theo lời người nhà, cặp đôi lên rừng hái nấm về ăn. Loại nấm này có màu trắng, đầu hình tròn, thân dài. Khoảng 12 giờ sau khi ăn, cả hai xuất hiện các triệu chứng tiêu hóa như đau bụng, tiêu chảy và nôn ói dữ dội. Cả hai nhanh chóng được đưa tới Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu cấp cứu trong tình trạng sức khỏe suy kiệt.
Tại đây, người chồng 21 tuổi được chẩn đoán ngộ độc nấm, suy gan cấp và rối loạn đông máu nặng. Người vợ 18 tuổi bị tổn thương gan, thận cấp, rối loạn đông máu và toan chuyển hóa. Dù được điều trị tích cực, tình trạng của cả hai không cải thiện, trở nên kích thích, vật vã và rơi vào trạng thái nguy kịch nên được chuyển gấp xuống Trung tâm Chống độc – Bệnh viện Bạch Mai.
Bác sĩ Nguyễn Mạnh Chiến, Trung tâm Chống độc cho biết, tại thời điểm nhập viện, cả hai đều hôn mê sâu, xét nghiệm cho thấy tổn thương gan, thận, tim nghiêm trọng, rối loạn đông máu nặng và viêm đường tiêu hóa – những dấu hiệu đặc trưng của ngộ độc nấm gây suy đa cơ quan. Các bác sĩ đang áp dụng các biện pháp điều trị cao cấp như thay huyết tương, lọc máu liên tục và sử dụng thuốc giải độc. Tuy nhiên, chức năng gan của bệnh nhân vẫn bị tổn thương nặng, tiên lượng xấu.
Theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc – Bệnh viện Bạch Mai, loại nấm mà hai bệnh nhân đã ăn thuộc nhóm nấm gây ngộ độc muộn, cụ thể là loài chứa độc tố amatoxin – chất cực độc có thể gây tử vong. Nhóm nấm này biểu hiện triệu chứng muộn, thường sau hơn 6 giờ kể từ khi ăn, gây tổn thương gan, thận, tim và các cơ quan nội tạng khác.
Ngộ độc do nấm chứa amatoxin thường diễn tiến qua ba giai đoạn. Giai đoạn đầu là các triệu chứng tiêu hóa cấp tính như buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy xuất hiện muộn sau khi ăn, khiến người bệnh và thậm chí cả bác sĩ dễ chủ quan. Giai đoạn thứ hai, khi các biểu hiện tiêu hóa dịu đi, gan bắt đầu tổn thương âm thầm. Đến giai đoạn ba, người bệnh có thể rơi vào hôn mê gan, suy thận, rối loạn đông máu nghiêm trọng và tử vong. Tỷ lệ tử vong do loại nấm này tại Việt Nam ước tính khoảng 50%, bao gồm cả các trường hợp tử vong tại nhà hoặc tại tuyến y tế cơ sở.
TS.BS Nguyễn Trung Nguyên cảnh báo, khi các triệu chứng ngộ độc xuất hiện sau hơn 6 giờ kể từ khi ăn, điều đó đồng nghĩa với việc độc tố đã thấm sâu vào cơ thể, các biện pháp cấp cứu thông thường như gây nôn hay rửa dạ dày sẽ không còn hiệu quả. Những trường hợp này cần được chuyển ngay đến các cơ sở y tế có chuyên môn cao về chống độc và hồi sức cấp cứu, vì điều trị rất phức tạp, tốn kém và đòi hỏi nhiều nguồn lực.
Trước tình trạng ngộ độc nấm vẫn diễn ra nhiều nơi trên cả nước, đặc biệt tại các vùng nông thôn, miền núi – nơi người dân có thói quen hái nấm rừng để ăn – các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân tuyệt đối không nên ăn các loại nấm hoang dại, dù trông có vẻ an toàn. Việc phân biệt nấm độc và nấm lành là cực kỳ khó khăn, kể cả với những người có kinh nghiệm, thậm chí là chuyên gia.