Hai xúc cảm trong một câu chuyện
Tôi đọc những bài báo, bản tin đồng nghiệp của tôi viết những ngày qua liên quan đến câu chuyện nhà xe bỏ rơi khách giữa đường mà xen lẫn nhiều cảm xúc: Có vui, có giận! Giận vì cách đối xử vô cảm của nhân viên nhà xe trong khi những hành khách đang trong hoàn cảnh khốn khó trăm bề. Vui vì những hành khách đáng thương ấy nhận được sự yêu thương, chở che bởi những cán bô chiến sĩ Công an, cụ thể là Công an tỉnh Quảng Ngãi khi hay biết sự việc.
Câu chuyện xảy ra tối 6-6, khi Công an xã Nghĩa Điền, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi tiếp nhận thông tin có người đàn ông lớn tuổi đứng dưới mưa gần cầu Xóm Xiết, thôn Điền Chánh, Nghĩa Điền, huyện Tư Nghĩa. Công an xã ngay lập tức đưa người đàn ông (sau này xác định là ông Phạm Hữu Bình, 1964, trú ở huyện Nghi lộc, Nghệ An) về thăm hỏi, mới biết: Ông Bình rời quê nhà vào Gia Lai để làm thuê. Nhưng mới được 4 ngày thì gia đình ở quê có việc đột xuất, nên ông lật đật đón xe khách về lại Nghệ An.
Trên đường về đến đường dẫn cao tốc Quảng Ngãi - Đà Nẵng (huyện Tư Nghĩa), nhà xe đuổi ông Bình xuống không cho đi tiếp vì ông thiếu dăm bảy chục ngàn, mặc cho ông Bình nhiều lần ngỏ lời xin cứu giúp để được về quê lo việc gia đình. Nhận tin báo của Công an xã Nghĩa Điền, với tinh thần “lúc dân cần CSGT có, lúc dân khó có CSGT”, lãnh đạo Phòng CSGT Công an tỉnh Quảng Ngãi đã cử CBCS đang làm nhiệm vụ trên tuyến kịp thời đến cùng với Công an xã Nghĩa Điền thăm hỏi, động viên và hỗ trợ cho ông Bình 2 triệu đồng, đồng thời đón xe khách và lo tiền xe để đưa ông Bình về đến Nghệ An an toàn.
Cũng tại tỉnh Quảng Ngãi cách đây không lâu xảy ra câu chuyện tương tự: Nhà xe bỏ rơi hành khách dọc đường. Khoảng 19 giờ15 ngày 26-5, Công an thị trấn Sông Vệ (huyện Tư Nghĩa) nhận được tin báo từ người dân có gia đình anh Lê Kim Khải (38 tuổi) cùng vợ là chị Phạm Ngọc Bích (28 tuổi, đang mang thai gần 9 tháng) và con gái 4 tuổi đang đi bộ trên Quốc lộ 1A. Theo chia sẻ của anh Khải, vợ chồng anh chị dẫn theo con gái 4 tuổi từ miền Tây ra Đà Nẵng làm ăn từ nhiều tháng trước. Do thai nhi lớn dần và sắp đến ngày sinh, nên vợ chồng anh chị quyết định đưa cả gia đình về quê để sinh nở. Đến ngày 26-5, cả gia đình anh Khải đón xe khách từ Đà Nẵng vào Cần Thơ. Khi xe đi đến khu vực ngã ba chợ Tre (thuộc xã Nghĩa Phương, huyện Tư Nghĩa), thấy chị Bích có biểu hiện mệt mỏi, khó chịu nên nhà xe yêu cầu cả gia đình xuống xe vì sợ chị Bích sinh con trên xe. Sau đó, Công an thị trấn Sông Vệ, cán bộ Phòng CSGT tỉnh Quảng Ngãi đã có mặt hỗ trợ gia đình chị Bích 2 triệu đồng và mua vé xe, đưa gia đình anh Khải lên xe khác để về Cần Thơ an toàn.
Chắc chắn rằng, mỗi chúng ta ai nghe và đọc được câu chuyện ấy đều rất giận vì cách đối xử vô cảm của nhân viên nhà xe với những hành khách đáng thương như ông Bình, gia đình anh Khải, chị Bích. Nếu những nhân viên không có tình người ấy hiểu và đặt được bản thân mình vào hoàn cảnh của ông Bình, gia đình anh Khải, chị Bích, có lẽ đã không xảy ra câu chuyện đẩy đuổi, bỏ rơi khách vì dăm bảy mươi ngàn; vì sợ người phụ nữ sinh con trên ô-tô. Nhưng rất buồn, sự việc đã xảy ra!
Đất mẹ Việt Nam cũng như muôn triệu người dân con cháu Lạc Hồng bao đời nay lúc nào cũng thể hiện rõ tinh thần “người trong một nước phải thương nhau cùng”, nên luôn gắn kết, đùm bọc, chở che, giúp đỡ lẫn nhau, tạo thành một khối sức mạnh đoàn kết không gì lay chuyển được.
Sự sẻ chia, đùm bọc nhau của con người Việt luôn mang lại nhiều điều kỳ diệu cho cuộc sống. Bởi nếu ví cuộc đời này là một bản trường ca bất tận, thì có lẽ sự sẻ chia chính là nốt trầm xao xuyến, cảm động trong bản nhạc đầy sâu lắng ấy. Nó chứa đựng giá trị nhân sinh sâu sắc và cách ứng xử của con người trong cuộc sống. Ai cũng hiểu rất rõ, mỗi ngày sống là một ngày trải nghiệm, được chia sẻ, được yêu thương những người xung quanh mình chính là điều hạnh phúc nhất. Tôi rất tâm đắc với câu danh ngôn “Yêu thương cho đi là yêu thương có thể giữ được mãi mãi”. Và những ông Bình, gia đình anh Khải, chị Bích gặp được, đón nhận những nghĩa cử vì nhân dân phục vụ của cán bộ chiến sĩ Công an tỉnh Quảng Ngãi như trên, tôi lại một lần nữa cảm nhận sâu sắc hơn ý nghĩa mà thông điệp ấy mang lại. Còn với những nhân viên nhà xe vô cảm, liệu sau cách xử sự với những con người đáng thương như ông Bình, gia đình anh Khải, chị Bích, họ có cắn rứt lương tâm?
Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/hai-xuc-cam-trong-mot-cau-chuyen-post278712.html