Halal - Thị trường nhiều tiềm năng và cơ hội phát triển

Tại Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 3/2025 do Bộ Công Thương tổ chức sáng 4/4, ông Ramlan Bin Osman, Giám đốc Trung tâm Chứng nhận Halal quốc gia (HALCERT- thuộc Ủy ban Tiêu chuẩn Ðo lường Chất lượng quốc gia), Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, Việt Nam có cơ hội lớn để tham gia vào thị trường thực phẩm Halal toàn cầu, trị giá 2 nghìn tỷ USD nhưng vẫn chưa được đáp ứng đầy đủ, với chưa đến 10% nhu cầu được thỏa mãn.

Theo ông Ramlan Bin Osman, Việt Nam sở hữu nguồn nguyên liệu thô tiềm năng dồi dào cho ngành Halal, bao gồm cà phê, gạo, hải sản, sản phẩm nuôi trồng thủy sản, gia vị, các loại hạt, rau củ và trái cây, cho thấy khả năng lớn trong việc sản xuất các sản phẩm cuối cùng. Ngoài ra, Việt Nam cũng đã được công nhận là một trong những điểm đến du lịch quốc tế hàng đầu vào năm 2018. Điều này cho thấy tiềm năng phát triển mạnh mẽ của ngành dịch vụ lưu trú, bao gồm nhà hàng Halal và dịch vụ ăn uống.

Để khai thác tiềm năng to lớn và cơ hội phát triển của thị trường sản phẩm Halal, ông Ramlan Bin Osman cho rằng, khi Việt Nam tham gia vào thị trường Halal, sẽ tiếp cận và mở rộng được hơn nhiều sản phẩm, dịch vụ. Các doanh nghiệp cần tuân thủ các quy định, quy trình sản xuất Halal, kiểm soát và đảm bảo tuân thủ và bảo vệ toàn vẹn sản phẩm Halal của Việt Nam khi ra thị trường thế giới.

Ông Ramlan Bin Osman cho rằng, khi Việt Nam tham gia vào thị trường Halal, sẽ tiếp cận và mở rộng được hơn nhiều sản phẩm, dịch vụ.

Ông Ramlan Bin Osman cho rằng, khi Việt Nam tham gia vào thị trường Halal, sẽ tiếp cận và mở rộng được hơn nhiều sản phẩm, dịch vụ.

Đại diện Cục Chất lượng Chế biến và Phát triển Thị trường – Bộ Nông nghiệp và Môi trường chia sẻ về định hướng và các chính sách phát triển chuỗi cung ứng nông nghiệp thực phẩm Halal của Việt Nam, giúp các doanh nghiệp nắm bắt được chủ trương của nhà nước trong việc thúc đẩy ngành công nghiệp Halal.

Tại hội nghị các đại biểu và Thương vụ tập trung vào phân tích xu hướng tiêu dùng các sản phẩm Halal và những cơ hội xuất khẩu sang các thị trường trọng điểm và cập nhật những thay đổi chính sách và khuyến nghị đối với doanh nghiệp Việt Nam khi thâm nhập thị trường Halal toàn cầu. Các tham tán đã đưa ra những đánh giá chuyên sâu về xu hướng tiêu dùng tại thị trường sở tại, đồng thời chỉ ra những cơ hội xuất khẩu cụ thể cho các doanh nghiệp Việt Nam sang khu vực ASEAN, Trung Đông, Tây Nam Á và châu Phi.

Ông Lê Phú Cường, Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Malaysia cho biết, theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Malaysia trong tháng 2 năm 2025 đạt 2,1 tỷ USD. Malaysia đang nổi lên như một trong những thị trường tiềm năng cho hàng hóa Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực thực phẩm và đồ uống Halal – ngành hàng phục vụ cộng đồng Hồi giáo chiếm hơn 60% dân số nước này. Tuy nhiên, thực tế cho thấy hàng Việt vẫn đang gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận và khai thác thị trường này một cách hiệu quả.

Toàn cảnh hội nghị.

Toàn cảnh hội nghị.

Theo ông Lê Phú Cường, một trong những rào cản lớn đối với hàng Việt khi tiếp cận thị trường Halal chính là vấn đề chứng nhận Halal. Mặc dù đây không phải là yêu cầu bắt buộc đối với tất cả hàng nhập khẩu vào Malaysia, song lại là tiêu chí ưu tiên hàng đầu của hầu hết các nhà nhập khẩu, phân phối và bán lẻ nước sở tại. Việc chưa có chứng nhận Halal khiến nhiều sản phẩm Việt khó tìm được vị trí trong hệ thống bán lẻ tại Malaysia.

Không những vậy, quy trình xin cấp chứng nhận Halal tại thị trường Malaysia cũng được đánh giá là phức tạp và tốn kém. Các doanh nghiệp Việt, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, thường gặp khó khăn trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt cũng như chi phí liên quan đến việc xin chứng nhận. Điều này dẫn đến thực tế là số lượng sản phẩm có chứng chỉ Halal của Việt Nam còn rất hạn chế.

Ngoài rào cản kỹ thuật, hàng hóa Việt Nam còn phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt đến từ các nước trong khu vực đã ký kết hiệp định thương mại tự do với Malaysia như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia… Các quốc gia này có ưu thế về sản phẩm phong phú, mẫu mã đa dạng, hệ thống phân phối rộng khắp và đặc biệt là sự am hiểu sâu sắc thị trường tiêu dùng Hồi giáo.

Một thách thức khác mà nhiều doanh nghiệp Việt đang gặp phải là việc thiếu nghiên cứu và điều chỉnh sản phẩm phù hợp với thị hiếu, văn hóa tiêu dùng địa phương. Ví dụ, nhiều sản phẩm thực phẩm như bún, miến, mì… dù tương đồng với khẩu vị người Malaysia nhưng lại chưa được đặt tên theo cách người tiêu dùng dễ hiểu, chưa sử dụng ngôn ngữ bản địa trên bao bì nhãn mác. Điều này khiến cho sản phẩm Việt khó tiếp cận người tiêu dùng phổ thông, đặc biệt là trong các kênh bán lẻ hiện đại.

Trước thực trạng đó, Thương vụ Việt Nam tại Malaysia đã chủ động triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Trong đó, đáng chú ý là hoạt động kết nối doanh nghiệp nhập khẩu lớn như NSK Trade City, Mydin, Ecoshop, Berjaya Food, LS Sales and Marketing Sdn, Bhd, Tian An Sdn, Bhd, Daiana Sdn, Bhd, Singlong Sdn, Bhd, Oval Spring Sdn, Bhd… với các doanh nghiệp Việt Nam thông qua các hội chợ quốc tế lớn như Vietnam Foodexpo, Vietnam Expo, Sourcing Expo, MIHAS, FDM, MIFB, Selangor Summit…

Thương vụ cũng đã tổ chức làm việc trực tiếp giữa các nhà nhập khẩu Malaysia với các doanh nghiệp lớn của Việt Nam như Masan Consumer, TH Group, Vinamilk, T&T Group, Hương Sen Group…, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho hàng Việt mở rộng thị phần tại Malaysia.

Bên cạnh đó, Thương vụ cũng khuyến nghị doanh nghiệp Việt nên chủ động tìm hiểu các tiêu chuẩn chứng nhận Halal được công nhận tại Malaysia. Trong đó, chứng nhận Halal do Trung tâm chứng nhận Halal Việt Nam (HCA) cấp, hiện đã được cơ quan Hồi giáo Malaysia (JAKIM) công nhận. Ngoài HCA, còn có các tổ chức khác được công nhận và doanh nghiệp có thể lựa chọn để tối ưu chi phí, thời gian.

Để hàng Việt có thể trụ vững và mở rộng thị phần tại thị trường Halal, đại diện Thương vụ Malaysia khuyến nghị, doanh nghiệp cần xác định rõ chiến lược dài hạn, đầu tư nghiêm túc cho nghiên cứu thị trường, điều chỉnh sản phẩm phù hợp với văn hóa bản địa, đồng thời chú trọng xây dựng thương hiệu thông qua các kênh xúc tiến thương mại chuyên nghiệp.

Thị trường Halal toàn cầu được định giá hàng nghìn tỷ USD mỗi năm, trong đó riêng Malaysia là một trung tâm chế biến và phân phối quan trọng tại khu vực ASEAN. Đây chính là cơ hội vàng cho hàng Việt nếu biết cách vượt qua những rào cản kỹ thuật, cạnh tranh hiệu quả và đáp ứng đúng nhu cầu thị trường.

Với những tiềm năng và cơ hội rộng mở, thị trường Halal đang trở thành một hướng đi quan trọng cho doanh nghiệp Việt Nam trong chiến lược mở rộng xuất khẩu. Tuy nhiên, để tận dụng tối đa lợi thế này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính phủ, doanh nghiệp và các tổ chức chứng nhận nhằm xây dựng một hệ sinh thái Halal bài bản, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.

Lưu Hiệp

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/kinh-te/halal-thi-truong-nhieu-tiem-nang-va-co-hoi-phat-trien-i764097/