Ham muốn của con người biểu đạt điều gì?

Nếu xem xét cẩn thận những ham muốn trung bình mà ta có trong cuộc sống hàng ngày, ta sẽ thấy rằng chúng thường là phương tiện chứ không phải mục đích.

Nếu xem xét cẩn thận những ham muốn trung bình mà ta có trong cuộc sống hàng ngày, ta sẽ thấy rằng chúng có ít nhất một đặc điểm quan trọng, tức là chúng thường là phương tiện để đạt được mục đích chứ không phải chính là mục đích.

Ta muốn có tiền để có thể mua ô tô. Tiếp theo, ta muốn có ô tô vì hàng xóm có, và ta không muốn cảm thấy thua kém, để giữ được lòng tự trọng và để được người khác yêu mến, tôn trọng. Thông thường, khi một ham muốn có ý thức được phân tích, ta thấy rằng có thể đào sâu tiếp, để đi tới những mục tiêu cơ bản hơn của mình.

Nói cách khác, ở đây chúng ta gặp tình huống giống như vai trò của các triệu chứng trong tâm lý học. Các triệu chứng là rất quan trọng, nhưng tầm quan trọng không nằm nhiều ở bản thân chúng, mà ở chỗ rốt chuộc chúng có ý nghĩa gì, tức là mục tiêu hay tác động cuối cùng của chúng có thể là gì.

 Ảnh minh họa. Nguồn: Matheus Bertelli/Pexels.

Ảnh minh họa. Nguồn: Matheus Bertelli/Pexels.

Việc nghiên cứu bản thân các triệu chứng là không quan trọng, nhưng việc nghiên cứu ý nghĩa động của các triệu chứng lại quan trọng, vì nó mang lại hiệu quả, chẳng hạn như giúp thực hiện thành công liệu pháp tâm lý. Bản thân những ham muốn cụ thể lướt qua ý thức của chúng ta hàng chục lần trong ngày không quá quan trọng bằng việc chúng đại diện cho điều gì, dẫn đến đâu, rốt cuộc chúng có ý nghĩa gì khi phân tích sâu hơn.

Một đặc điểm của sự phân tích sâu hơn này là, cuối cùng nó sẽ luôn dẫn đến những mục tiêu hoặc nhu cầu nhất định mà chúng ta không thể đi tiếp. Nghĩa là, chúng ta đi đến những sự thỏa mãn nhu cầu nhất định mà dường như tự chúng là mục đích, và không cần bất kỳ sự xác minh hay chứng minh nào nữa.

Đặc tính riêng của những nhu cầu này ở những người trung bình là không thường được nhìn thấy trực tiếp, mà là một dạng nguồn gốc có tính khái niệm mà từ đó sinh ra vô số các nhu cầu cụ thể trong ý thức. Nói cách khác, việc nghiên cứu động lực phải là một phần của việc nghiên cứu các mục tiêu, ham muốn hoặc nhu cầu tối thượng của con người.

Những điều này dẫn đến một sự cần thiết khác đối với lý thuyết động lực đúng đắn. Vì những mục tiêu này thường không được nhìn thấy trực tiếp trong ý thức, nên chúng ta ngay lập tức buộc phải giải quyết toàn bộ vấn đề của động lực vô thức.

Việc chỉ nghiên cứu về đời sống động lực có ý thức, cho dù cẩn thận đến đâu, thường sẽ bỏ qua nhiều điều có tầm quan trọng ngang bằng hay thậm chí quan trọng hơn những gì có thể nhìn thấy được ở tầng ý thức.

Phân tâm học thường cho thấy mối quan hệ giữa một ham muốn có ý thức và mục đích vô thức tối thượng đằng sau nó là rất không trực tiếp. Thật vậy, mối quan hệ thực sự có thể là một mối quan hệ tiêu cực, giống như trong sự hình thành phản ứng. Như vậy, chúng ta có thể khẳng định rằng lý thuyết động lực đúng đắn không thể bỏ qua đời sống vô thức.

Abraham H. Maslow/Bách Việt - NXB Dân Trí

Nguồn Znews: https://znews.vn/ham-muon-cua-con-nguoi-bieu-dat-dieu-gi-post1473700.html