Hạn chế doanh nghiệp tư nhân dễ nảy sinh 'sân trước, sân sau'
Ở một số lĩnh vực dù không có quy định cấm hoặc hạn chế doanh nghiệp tư nhân hoạt động, nhưng quá trình tham gia của các doanh nghiệp tư nhân rất khó khăn. Có tình trạng chỉ định ưu tiên cho một số doanh nghiệp. Điều này dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh và nguyên nhân nảy sinh ra các doanh nghiệp sân sau, sân trước.
Sáng 22/12, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội thảo công bố Báo cáo “Hành trình chuyển đổi: vai trò của doanh nghiệp tư nhân trong cung cấp dịch vụ công tại Việt Nam – dịch vụ đánh giá sự phù hợp”.
TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho biết, chủ trương cho phép tư nhân tham gia cung cấp dịch vụ công đã được đề ra từ những năm đầu của tiến trình Đổi mới và được đẩy mạnh trong thời gian gần đây. Đặc biệt, Nghị quyết 19 BCH TƯ khóa 12 nhấn mạnh mục tiêu xã hội hóa trên nhiều ngành, lĩnh vực như y tế, giáo dục, hạ tầng, văn hóa nghệ thuật, khoa học kỹ thuật…mở cửa cho doanh nghiệp tư nhân tham gia sâu rộng vào nền kinh tế.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch VCCI, những dịch vụ mà cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam nắm giữ còn rất nhiều. Nhìn ra thế giới, chúng ta thấy có nước cho phép tư nhân phóng tàu vũ trụ, sản xuất vũ khí, vận hành nhà tù, lưu trữ và xuất bản các văn bản pháp luật và án lệ… với nhiều tiềm năng. Do đó, Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh việc xã hội hóa, tư nhân hóa các dịch vụ công để tận dụng sự năng động, mạnh mẽ của khối tư nhân.
Ông Lộc cho rằng, trong bối cảnh hiện nay Nhà nước nên tạo cơ điều kiện để tư nhân phát triển, thay vì là người chèo đò cần chuyển thành người lái đò. Nhà nước chỉ nên đứng ra để đảm bảo năng lực của các doanh nghiệp, chống độc quyền, chống tình trạng “sân sau”, bảo đảm an toàn dịch vụ, thúc đẩy cạnh tranh… cũng như đưa ra các điều kiện, quy chuẩn, tiêu chuẩn để làm chuẩn mực cho tư nhân cung ứng dịch vụ công…
Lo ngại độc quyền, sân trước, sân sau
Tại hội thảo, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI đã công bố bản báo cáo “Hành trình chuyển đổi: Vai trò của doanh nghiệp tư nhân trong cung cấp dịch vụ công tại Việt Nam”.
Theo báo cáo, hiện Việt Nam có 20 ngành, lĩnh vực không cho phép tư nhân tham gia cung cấp hàng hóa, dịch vụ gồm: sản xuất/mua bán vật liệu nổ công nghiệp, sản xuất vàng miếng, phát hành xổ số kiến thiết, in đúc tiền, phát hành tem bưu chính Việt Nam, truyền tải và điều độ hệ thống điện quốc gia, xây dựng và vận hành thủy điện đa mục tiêu, vận hành hệ thống đèn biển và luồng hàng hải công cộng, vận hành hệ thống đài thông tin duyên hải, dịch vụ không lưu, khai thác hệ thống hạ tầng đường sắt do nhà nước đầu tư, cung ứng dịch vụ lâm nghiệp tại rừng đặc dụng, xuất bản…
Theo đại diện VCCI, về lý thuyết, các doanh nghiệp tư nhân được tham gia cung cấp tất cả những hàng hóa, dịch vụ không thuộc danh mục này và danh mục cấm kinh doanh. Tuy nhiên, trên thực tế, rất nhiều ngành, lĩnh vực hiện nay tư nhân vẫn không tham gia được.
Ở một số lĩnh vực dù không có quy định cấm hoặc hạn chế doanh nghiệp tư nhân hoạt động, nhưng quá trình tham gia của các doanh nghiệp tư nhân rất khó khăn. Hầu hết chỉ dành cho các doanh nghiệp nhà nước mà không qua đấu thầu, tính độc quyền nhà nước vẫn rất cao.
Ông Tuấn cũng dẫn ví dụ của ngành than. Hiện nay, lĩnh vực khai thác than không thuộc diện độc quyền nhà nước. Tuy nhiên, các mỏ than đá chỉ được cấp cho Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt nam (TKV) và Tổng công ty Đông Bắc - hai doanh nghiệp nhà nước, khai thác.
Hay, lĩnh vực hạ tầng sân bay, đường bộ, bến cảng, luồng tuyến đường thủy và hàng hải…điển hình như dịch vụ duy tu, bảo trì hệ thống đường sắt quốc gia, dự toán ngân sách giao cho Bộ Giao thông Vận tải và bộ này giao luôn cho Tổng công ty Đường sắt thực hiện nhiệm vụ, chứ không tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà thầu…
"Có tình trạng một số lĩnh vực chỉ có một hoặc một vài đơn vị cung cấp dịch vụ, hoặc chỉ định dành cho một số doanh nghiệp… Điều này dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh và nguyên nhân nảy sinh ra các doanh nghiệp sân sau, sân trước. Ngoài ra, việc các đơn vị sự nghiệp trực thuộc trực tiếp bộ quản lý ngành đang tồn tại phổ biến gây ra những xung đột lợi ích cho các cơ quan quản lý, bởi cơ quan này vừa đảm nhận chức năng quản lý vừa nhận được lợi ích từ phí dịch vụ kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa đó", Trưởng ban Pháp chế VCCI nhận định.
Nhóm nghiên cứu cho rằng, để khắc phục tình trạng này cần tiến tới công khai toàn bộ danh sách các đơn vị đánh giá sự phù hợp được chỉ định theo chỉ tiêu và lĩnh vực trong cùng một bảng dữ liệu. Chỉ cần nhìn vào bảng này là có thể nhanh chóng xác định được những chỉ tiêu, lĩnh vực nào chỉ có một hoặc một vài đơn vị cung cấp dịch vụ ở các miền khác nhau để thúc đẩy việc chỉ định thêm.
Ngoài ra, không được chỉ định các đơn vị trực thuộc cơ quan quản lý chuyên ngành. Trong trường hợp không có các đơn vị tư nhân đủ năng lực, nên chỉ định cho các đơn vị Nhà nước thuộc bộ hoặc địa phương khác.