Hạn chế 'lọt lưới' các dự án FDI chất lượng thấp

Viện Nghiên cứu Đầu tư quốc tế (ISC) vừa đề xuất 2 bộ tiêu chí về thẩm định đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư dự án FDI và giám sát, đánh giá hiệu quả đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh. Đây là bộ tiêu chí đầy đủ về đánh giá hiệu quả FDI, làm căn cứ cho việc giám sát, đánh giá hiệu quả thu hút và sử dụng FDI trong cả nước. Báo Nhân Dân phỏng vấn Tiến sĩ Ngô Công Thành, Phó Chủ tịch Viện ISC về vấn đề này.

Tiến sĩ Ngô Công Thành, Phó Chủ tịch Viện Nghiên cứu Đầu tư quốc tế.

Tiến sĩ Ngô Công Thành, Phó Chủ tịch Viện Nghiên cứu Đầu tư quốc tế.

Bộ tiêu chí đầy đủ đánh giá hiệu quả FDI

Phóng viên: Thưa ông, vì sao ISC nghiên cứu đề xuất 2 bộ tiêu chí về thẩm định đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư nước ngoài (FDI) và giám sát, đánh giá hiệu quả FDI trên địa bàn tỉnh tại thời điểm này?

Tiến sĩ Ngô Công Thành: Thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có các điều khoản quy định về điều kiện, tiêu chí lựa chọn dự án FDI nhằm tạo hành lang pháp lý để các địa phương chủ động xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư trước khi quyết định cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho nhà đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, các tiêu chí quy định về lựa chọn dự án FDI phân tán ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau nên khi áp dụng vào thực tế có thể dẫn đến sai sót, lọt lưới các dự án không mong muốn.

Các báo cáo về FDI hiện nay chủ yếu đánh giá FDI dựa trên các chỉ tiêu kết quả thu hút và sử dụng FDI cũng như đóng góp của khu vực FDI cho nền kinh tế nhưng chưa có bộ tiêu chí đầy đủ đánh giá hiệu quả FDI thống nhất ở các cấp, các ngành, các địa phương làm căn cứ cho việc giám sát, đánh giá hiệu quả thu hút và sử dụng FDI trên phạm vi quốc gia cũng như trong từng địa phương.

Xuất phát từ nhu cầu thực tế của các địa phương, ISC với sự hỗ trợ tài chính của Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT) đã nghiên cứu xây dựng hai bộ tiêu chí về FDI nêu trên, nhằm hỗ trợ lãnh đạo và chính quyền cấp tỉnh trong việc thẩm định lựa chọn dự án FDI và giám sát, đánh giá chất lượng, hiệu quả FDI trên địa bàn.

Phóng viên: Các bộ tiêu chí này sẽ được ứng dụng trong thực tế như thế nào, thưa ông?

Tiến sĩ Ngô Công Thành: Khi nghiên cứu xây dựng 2 bộ tiêu chí, các chuyên gia ISC đã xác định rõ đối tượng chính cần phục vụ là Thường trực tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh; Lãnh đạo các cơ quan chức năng của tỉnh có liên quan trực tiếp đến quản lý đầu tư nước ngoài như Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Khoa học Công nghệ, Sở Xây dựng, Sở Tài chính, Sở Lao động Thương binh và Xã hội; Ban Quản lý khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghệ cao của tỉnh.

Đây là các đối tượng thường xuyên thay đổi do luân chuyển, bổ nhiệm theo nhiệm kỳ, khó có thể nắm bắt được đầy đủ các quy định pháp luật liên quan đến FDI.

Cơ sở chính trị và pháp lý để xác định các tiêu chí là Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị khóa XII về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030; Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 27/4/2020 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 50-NQ/TW; các quy định pháp luật hiện hành về đầu tư, đất đai, tài chính, bảo vệ môi trường, khoa học-công nghệ, an ninh quốc phòng, quy hoạch, thống kê…

ISC không đề xuất bất cứ tiêu chí nào ngoài quy định của pháp luật hiện hành liên quan đến FDI.

Tiến sĩ Ngô Công Thành

Bộ tiêu chí thẩm định Đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư dự án FDI sẽ hỗ trợ Thường trực tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh và các cơ quan chức năng cấp tỉnh thực thi dễ dàng hơn nhiệm vụ rà soát, xử lý lựa chọn dự án đầu tư, rút ngắn thời gian thẩm định và trả lời nhà đầu tư nước ngoài khi xem xét hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư.

Bộ tiêu chí giám sát, đánh giá hiệu quả FDI trên địa bàn cấp tỉnh cung cấp công cụ hữu hiệu để Tỉnh ủy và chính quyền tỉnh giám sát, đánh giá đúng vị trí, vai trò và đóng góp của khu vực FDI đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương cũng như kết quả đạt được các mục tiêu đã đặt ra trong việc hợp tác đầu tư với nước ngoài.

Ngoài ra, các nhà đầu tư nước ngoài đang tìm kiếm cơ hội đầu tư và triển khai dự án đầu tư tại Việt Nam cũng có thể sử dụng các tiêu chí này để chuẩn bị hồ sơ trình cấp có thẩm quyền đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án của mình và chuẩn bị văn bản báo cáo các cơ quan chức năng tình hình thực hiện dự án đầu tư theo đúng quy định.

Định lượng để xếp hạng các địa phương trong thu hút FDI

Phóng viên: Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Quyết định ban hành Bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Liệu có sự mâu thuẫn giữa các tiêu chí do ISC đề xuất với Bộ tiêu chí mà Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành?

Tiến sĩ Ngô Công Thành: ISC không phải là cơ quan quản lý nhà nước nên Bộ tiêu chí mà ISC công bố không mang tính chất văn bản quy phạm pháp luật hay văn bản chỉ đạo điều hành mà chỉ là tài liệu tham khảo trong quá trình quản lý, chỉ đạo điều hành hoạt động hợp tác đầu tư với nước ngoài của Thường vụ Tỉnh ủy/Thành ủy và Thường trực Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh và lãnh đạo các cơ quan chức năng của tỉnh.

Mục đích nghiên cứu Bộ tiêu chí này là cung cấp công cụ phân tích, đánh giá chất lượng, hiệu quả đầu tư trực tiếp nước ngoài trên địa bàn tỉnh định kỳ hàng năm để nhận diện các bất cập, hạn chế của dòng vốn FDI vào địa phương. Trên cơ sở đó có chính sách, giải pháp xử lý kịp thời, góp phần phát triển kinh tế-xã hội bền vững của từng địa phương và cả nước.

Mục đích trước mắt là phục vụ công tác sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 50-NQ/TW ngày 20 tháng 8 năm 2019 của Bộ Chính trị khóa XII ở từng địa phương và trong cả nước.

Bộ tiêu chí giám sát, đánh giá chất lượng, hiệu quả FDI trên địa bàn tỉnh gồm 36 tiêu chí, chia thành 7 nhóm. Bao gồm nhóm tiêu chí về thu hút FDI; tiêu chí về sử dụng FDI; hiệu quả kinh tế của khu vực FDI; hiệu quả xã hội của khu vực FDI; bảo vệ môi trường; tiêu chí về công nghệ và quản lý; bảo đảm an ninh.

Trong quá trình nghiên cứu xây dựng Bộ tiêu chí, chúng tôi đã trao đổi, xin ý kiến của các chuyên gia có liên quan ở Bộ Kế hoạch và Đầu tư để bảo đảm các tiêu chí do ISC đề xuất không mâu thuẫn với Bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả đầu tư nước ngoài do Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự thảo.

Ngoài ra, do tính chất đối tượng sử dụng, chúng tôi cũng đề xuất bổ sung một số tiêu chí mà Nghị quyết số 50-NQ/TW yêu cầu liên quan đến phát triển tổ chức đảng và tổ chức công đoàn trong doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Phóng viên: Nhóm nghiên cứu đánh giá thế nào về tính khả thi của các Bộ tiêu chí này, thưa ông?

Tiến sĩ Ngô Công Thành: Các tiêu chí được xác định trên cơ sở tuân thủ quy định của Luật Đầu tư và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, xuất phát từ nhu cầu thực tế, kết hợp với tham vấn chuyên gia.

Để xây dựng hai bộ tiêu chí nói trên, ISC đã tổ chức đoàn công tác đến làm việc với các cơ quan chức năng các tỉnh Vĩnh Phúc, Hải Dương, Tuyên Quang, Nghệ An, Hà Tĩnh và xin ý kiến góp ý của nhiều tỉnh, thành phố khác. ISC cũng đã tổ chức 3 hội thảo tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh xin ý kiến chuyên gia các bộ, ngành và các địa phương trong cả nước.

Các tiêu chí ISC đưa ra có tính khả thi cao, dễ thực hiện, có thể định lượng để xếp hạng các địa phương khi đánh giá hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài.

Theo ý kiến của đại diện các cơ quan chức năng ở các tỉnh, tài liệu hướng dẫn áp dụng hai bộ tiêu chí về FDI do ISC nghiên cứu đề xuất là tài liệu tham khảo hết sức hữu ích đối với cơ quan Tỉnh ủy/ Thành ủy và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong quá trình chỉ đạo, điều hành các hoạt động hợp tác đầu tư với nước ngoài tại địa phương. Đây cũng là tài liệu có giá trị trong việc hỗ trợ các cơ quan chức năng cấp tỉnh khi thực thi nhiệm vụ.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/han-che-lot-luoi-cac-du-an-fdi-chat-luong-thap-post811793.html