Hạn chế mức tăng giá xăng dầu trong nước

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái yêu cầu Bộ Công Thương chủ động điều hành để đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong nước không bị gián đoạn, theo dõi sát diễn biến giá thế giới, hạn chế mức tăng giá xăng dầu trong nước.

Ngày 22/6, Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 179/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá tại cuộc họp ngày 13/6/2022 về điều hành giá một số nhóm mặt hàng, trong đó có mặt hàng xăng dầu.

Kết luận nêu, đối với các hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá trước mắt cần tính toán kỹ phương án, đánh giá tác động đến mặt bằng giá, mục tiêu kiểm soát lạm phát để có phương án điều hành cụ thể để báo cáo Ban Chỉ đạo điều hành giá, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Bộ Công Thương chủ động điều hành để đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong nước không bị gián đoạn trên cơ sở đánh giá khả năng cung cấp từ nguồn sản xuất trong nước và nguồn nhập khẩu; theo dõi sát diễn biến giá thế giới để có phương án điều hành giá xăng dầu trong nước phù hợp, sử dụng linh hoạt Quỹ Bình ổn giá xăng dầu để hạn chế mức tăng giá xăng dầu trong nước trong các kỳ điều hành có biến động lớn. Ủy ban Quản lý vốn nhà nước chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) sớm có báo cáo về kế hoạch cung ứng xăng dầu của Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn chuyển Bộ Công Thương làm căn cứ xây dựng phương án bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho Quý III và cuối năm 2022.

Bộ Giao thông vận tải tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về việc kê khai, niêm yết giá và việc bán vé đúng giá niêm yết đối với các đơn vị kinh doanh vận tải; rà soát việc tăng giá phải phù hợp với diễn biến và cơ cấu của chi phí xăng dầu trong chi phí vận tải.

Giá xăng dầu tăng đang kéo giá tiêu dùng tăng nhanh

Trước đó, ngày 21/6, Liên Bộ Tài chính – Công Thương đã điều chỉnh giá xăng dầu. Hiện mỗi lít xăng RON 95-III tăng lên mức cao nhất lịch sử, là 32.870 đồng. Sau 16 đợt điều chỉnh, trong đó 13 lần tăng giá, hiện mỗi lít xăng RON 95-III đã đắt thêm hơn 9.000 đồng, còn E5 RON 92 là 8.150 đồng so với hồi đầu năm nay.

Đánh giá về Quỹ Bình ổn giá và vai trò của Bộ Công Thương trong thời gian qua, ông Phạm Thế Anh, kinh tế trưởng của VESS (Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam) cho hay: "Theo đánh giá của tôi trong giai đoạn vừa qua, quỹ này chưa thực hiện tốt việc ổn định giá xăng, trong khi điều đó phụ thuộc nhiều vào dự báo giá xăng dầu thế giới. Việc trích quỹ chưa có sự nhịp nhàng, khi giá xăng thấp thì xả quỹ, còn lúc giá xăng dầu lên cao lại trích quỹ. Người quản lý quỹ không dự báo được tốt vấn đề này đôi khi dẫn đến nghịch lý như đã nêu, càng làm bất ổn giá xăng chứ không tạo ra sự bình ổn. Do đó, công tác dự báo giá xăng dầu thế giới kém thì không nên duy trì quỹ bình ổn”.

Rất nhiều chuyên gia, học giả khác cũng nhấn mạnh: Giải pháp cần nhất hiện nay để chặn đà tăng giá xăng dầu hiện nay là: giảm thuế BVMT, giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu, thuế VAT.

N.Thủy

Tin liên quan Giải pháp nào kìm giá xăng dầu?
Giá xăng tiếp tục tăng gần 500 đồng/lít
Giải pháp nào kìm giá xăng dầu?
Bộ Tài chính trình phương án giảm thuế hạ nhiệt giá xăng dầu
Bộ Tài chính đề xuất giảm kịch khung thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoitv.vn/han-che-muc-tang-gia-xang-dau-trong-nuoc-d201115.html