Hạn chế sự cố y khoa trong thẩm mỹ, cách nào?
Mỹ là một trong những quốc gia có ngành công nghiệp thẩm mỹ phát triển mạnh nhất thế giới, tuy nhiên cũng ghi nhận nhiều sự cố y khoa trong lĩnh vực này.
Theo Hội Phẫu thuật Thẩm mỹ Hoa Kỳ (ASAPS), các nguyên nhân phổ biến bao gồm: Thiếu đào tạo đúng cách; một số bác sỹ không có chứng chỉ chuyên môn cần thiết lại thực hiện các ca phẫu thuật phức tạp; Sử dụng các sản phẩm không an toàn như tiêm filler hoặc botox không rõ nguồn gốc dẫn đến nhiễm trùng, dị ứng hoặc hoại tử;
Thiếu quy trình kiểm soát chặt chẽ của cơ quan quản lý như một số cơ sở hành nghề trái phép hoặc không đủ tiêu chuẩn vệ sinh.
Brazil là một trong những quốc gia hàng đầu về phẫu thuật thẩm mỹ, nhưng cũng đối mặt với nhiều sự cố y khoa nghiêm trọng. Các vấn đề chính bao gồm ngành nghề trái phép, các cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ không đảm bảo chất lượng.
Hàn Quốc được xem là thủ phủ cung ứng dịch vụ thẩm mỹ của Châu Á, nhưng cũng có nhiều vấn đề liên quan đến sai phạm y khoa: Các bác sĩ nước ngoài không có chứng chỉ y khoa tại Hàn Quốc thực hiện phẫu thuật trái phép;
Nhiều khách du lịch thẩm mỹ từ các nước khác đến Hàn Quốc và gặp các biến chứng hậu phẫu, khó khăn trong việc điều trị do không thể tiếp cận chăm sóc y tế sau khi trở về nước.
Thái Lan cũng là quốc gia khá nổi tiếng với ngành du lịch thẩm mỹ nhưng cũng ghi nhận nhiều vụ việc sai phạm, đặc biệt liên quan đến khách nước ngoài, do: Thiếu chuẩn mực an toàn: Một số phòng khám hoạt động trái phép, không đáp ứng tiêu chuẩn y tế quốc tế, gây ra nhiều ca biến chứng;
Sự cố với khách du lịch y tế: Khách nước ngoài gặp khó khăn khi đối mặt với biến chứng sau phẫu thuật và khó khăn trong việc theo dõi và điều trị.
Các nước Châu Âu như Anh, Pháp, và Đức, việc phẫu thuật thẩm mỹ cũng không tránh khỏi các sai phạm và sự cố y khoa do: Thiếu kiểm soát chặt chẽ, một số nước Châu Âu ghi nhận việc thiếu giám sát trong ngành thẩm mỹ, nhiều bác sĩ không đủ tiêu chuẩn hành nghề;
Sự cố y khoa do các chất liệu thẩm mỹ không đạt tiêu chuẩn như nhiều trường hợp xảy ra liên quan đến việc sử dụng các chất độn không đạt tiêu chuẩn hoặc không rõ nguồn gốc.
Trước thực trạng này, nhiều quốc gia đã và đang tăng cường các biện pháp quản lý và giám sát chặt chẽ hơn nhằm hạn chế các sai phạm và sự cố y khoa trong lĩnh vực thẩm mỹ, bao gồm các nhóm hoạt động chính như siết chặt quy định hành nghề thẩm mỹ: Áp dụng các quy định nghiêm ngặt hơn về chứng chỉ hành nghề về thẩm mỹ và tiêu chuẩn thẩm định cho phép một cơ sở y tế cung ứng dịch vụ thẩm mỹ;
Nâng cao nhận thức của khách hàng: người có nhu cầu các dịch vụ thẩm mỹ được khuyến khích tìm hiểu kỹ về cơ sở và bác sĩ thực hiện trước khi đưa ra quyết định;
Quản lý chặt các sản phẩm dùng trong thẩm mỹ: Các sản phẩm như filler, botox phải được kiểm định chất lượng và nguồn gốc rõ ràng trước khi sử dụng.
Tại Việt Nam, trước những sai phạm và sự cố y khoa liên quan đến thẩm mỹ, ngành Y tế TP.HCM đã xác định rõ 5 nhóm giải pháp.
Trước hết, siết chặt đảm bảo tuân thủ nghiêm những quy định trong hành nghề thẩm mỹ, cả về giấy phép hành nghề chuyên khoa thẩm mỹ và thẩm định cho phép một cơ sở y tế cung ứng dịch vụ thẩm mỹ;
Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, tiếp tục công khai minh bạch thông tin các cơ sở thẩm mỹ vi phạm pháp luật nhằm nâng cao nhận thức của người dân khi có nhu cầu sử dụng các dịch vụ thẩm mỹ;
Chuẩn hóa các hướng dẫn chuyên môn, quy trình kỹ thuật của chuyên khoa thẩm mỹ, trong khi chờ Bộ Y tế tiếp tục ban hành các hướng dẫn quy trình kỹ thuật, Sở Y tế sẽ huy động các chuyên gia đầu ngành có liên quan thống nhất và biên soạn hướng dẫn, phổ biến, tập huấn, giám sát, kiểm tra sự tuân thủ của tất cả phòng khám thẩm mỹ trên địa bàn;
Kiến nghị Bộ Y tế bổ sung những quy định pháp luật trong việc kiểm soát chặt các sản phẩm được sử dụng trong lĩnh vực thẩm mỹ (bao gồm thuốc, vật tư, thiết bị y tế);
Tạo lập dữ liệu số trong công tác quản lý thuộc lĩnh vực thẩm mỹ, triển khai hồ sơ bệnh án điện tử tại tất cả bệnh viện chuyên khoa thẩm mỹ, bệnh viện đa khoa có khoa phẫu thuật thẩm mỹ hoặc thẩm mỹ nội khoa và các phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ, tạo dựng cơ sở dữ liệu trong công tác quản lý hành nghề thẩm mỹ trên địa bàn Thành phố.
Riêng đối với hoạt động “thẩm mỹ chui”, Thanh tra Sở Y tế xác định rõ các nhóm giải pháp cần tập trung thực hiện như cần khuyến khích người dân cùng giám sát và báo cáo đến cơ quan quản lý nhà nước khi phát hiện các cá nhân, tổ chức hoạt động cung cấp dịch vụ thẩm mỹ không phép, hoạt động "trá hình" để ngăn chặn và xử lý theo quy định thông qua phần mềm “Y tế trực tuyến” hoặc qua các số diện thoại đường dây nóng của Sở Y tế (0967.771.010) và Thanh tra Sở Y tế (0989.401.155).
Báo cáo nhanh khi tiếp nhận các trường hợp nghi ngờ biến chứng liên quan đến thẩm mỹ: đề nghị các bệnh viện Bộ, ngành, bệnh viện trực thuộc Sở Y tế, Trung tâm Cấp cứu 115 chủ động liên hệ Tổ công tác đặc biệt của Sở Y tế (thông qua Thanh tra Sở) để kịp thời kích hoạt quy trình phản ứng nhanh.
Phối hợp với Sở Lao động Thương binh và Xã hội trong công tác thẩm định, giám sát hoạt động quản lý đào tạo, dạy nghề, theo Quy chế phối hợp mà 2 Sở đã ký kết.
Tiếp tục tăng cường công tác phối hợp với các Sở, ngành, các địa phương trong công tác quản lý nhà nước đối với các cơ sở hoạt động trong lĩnh vực thẩm mỹ không phép, nhờ đó tạo được “mạng lưới” hiệu quả để có thể kịp thời xử lý triệt để các vi phạm hành nghề lĩnh vực này.
Xử lý các vụ việc trọng tâm, trọng điểm: đối với các trường hợp cố tình vi phạm lặp đi lặp lại, Sở Y tế sẽ chuyển vụ việc đến Công an TP.HCM để xử lý theo thẩm quyền.
Đồng thời tiếp tục phát huy hiệu quả hoạt động của Tổ công tác đặc biệt của Sở Y tế trong việc chủ động phát hiện và xử lý nghiêm các quảng cáo trái phép trong lĩnh vực thẩm mỹ.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/han-che-su-co-y-khoa-trong-tham-my-cach-nao-d223189.html