Hạn chế tình trạng doanh nghiệp 'ma', tạo môi trường kinh doanh lành mạnh

Về quy định xử lý hành vi kê khai khống vốn điều lệ, theo ĐB Thạch Phước Bình, việc này là cần thiết, góp phần hạn chế tình trạng doanh nghiệp 'ma', tạo môi trường kinh doanh lành mạnh.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TPHCM) phát biểu tại thảo luận tổ. Ảnh: QUANG PHÚC

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TPHCM) phát biểu tại thảo luận tổ. Ảnh: QUANG PHÚC

Chiều 10-5, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp.

Tại đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM, đại biểu (ĐB) Trần Hoàng Ngân cho rằng, dự thảo luật đã thể hiện chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng thẩm quyền nhiều hơn cho địa phương; cắt giảm thủ tục hành chính cho doanh nghiệp khi đăng ký kinh doanh. ĐB Trần Hoàng Ngân bình luận, môi trường phát triển doanh nghiệp sẽ “sạch sẽ” hơn.

Dự luật bổ sung quy định về chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp. Các quy định tăng giám sát, kiểm tra đăng ký kinh doanh của UBND cấp tỉnh, chế tài xử lý với doanh nghiệp không góp đủ vốn điều lệ cam kết, vốn ảo, khai khống... cũng được bổ sung tại dự luật.

Điều này nhằm tăng minh bạch trong hoạt động doanh nghiệp. Cơ quan quản lý Nhà nước cũng tăng trách nhiệm quản lý hậu kiểm trước tình trạng doanh nghiệp ma, vốn ảo, hoặc núp bóng góp vốn, mua cổ phần chi phối thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

ĐB Trần Hoàng Ngân cho rằng, việc này cũng hoàn thiện quy định về chủ sở hữu hưởng lợi là cấp bách, để Việt Nam đáp ứng yêu cầu thực hiện cam kết quốc tế về phòng chống rửa tiền, trong bối cảnh Việt Nam đã bị đưa vào "danh sách xám" của FATF (Nhóm châu Á - Thái Bình Dương về chống rửa tiền) từ tháng 6-2023.

 Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM thảo luận tại tổ, chiều 10-5. Ảnh QUANG PHÚC

Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM thảo luận tại tổ, chiều 10-5. Ảnh QUANG PHÚC

ĐB Thạch Phước Bình (Trà Vinh) cũng cho rằng, việc bổ sung quy định về chủ sở hữu hưởng lợi là phù hợp với thông lệ quốc tế, góp phần minh bạch hóa thông tin doanh nghiệp, phục vụ phòng chống rửa tiền, tài trợ khủng bố. Tuy nhiên, ông Bình đề nghị khái niệm này cần được giải thích chi tiết về điều kiện xác định, ví dụ như nắm giữ bao nhiêu phần trăm cổ phần, quyền chi phối ra sao… Bên cạnh đó, cần bổ sung rõ nghĩa vụ cập nhật, báo cáo của doanh nghiệp khi có thay đổi chủ sở hữu hưởng lợi và quy định cụ thể về chế tài trong trường hợp vi phạm.

Về quy định xử lý hành vi kê khai khống vốn điều lệ, theo ĐB Thạch Phước Bình, việc này là cần thiết, góp phần hạn chế tình trạng doanh nghiệp “ma”, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh. Tuy nhiên, cần hướng dẫn rõ tiêu chí xác định "khống", đặc biệt đối với các loại hình doanh nghiệp góp vốn bằng tài sản vô hình hoặc góp vốn (tiền mặt, tài sản, quyền tài sản) theo lộ trình.

ĐB Bình dẫn báo cáo của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) năm 2020, có tới 30% doanh nghiệp kê khai vốn điều lệ từ 10 tỷ đồng trở lên nhưng không có khả năng tài chính thực sự, gây rủi ro cho đối tác và ngân hàng khi ký kết hợp đồng, mở tín dụng. Song song đó, cần làm rõ cơ quan có thẩm quyền xác minh hành vi này và quy trình xử lý vi phạm, đảm bảo tính minh bạch và công bằng.

 Đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh). Ảnh: QUANG PHÚC

Đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh). Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Trần Anh Tuấn (TPHCM) cũng đề nghị cần quy định rõ để hạn chế tình trạng doanh nghiệp ma, tăng vốn ảo. Ông nhận xét, sửa luật lần này đã chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm nhiều nội dung. Điều chỉnh này là rất tiến bộ, đơn cử thể hiện qua việc phân cấp lớn cho Hội đồng thành viên, giao cho cơ quan đại diện chủ sở hữu xử lý một số các vấn đề liên quan tới doanh nghiệp nhà nước cũng như các doanh nghiệp cổ phần. Điều này đáp ứng được yêu cầu về huy động nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển.

Một nội dung mới tại dự thảo luật này là quy định đối tượng được thành lập doanh nghiệp bao gồm viên chức làm việc tại cơ sở giáo dục đại học công lập được góp vốn, tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp do cơ sở giáo dục đó thành lập hoặc tham gia thành lập để thương mại hóa kết quả nghiên cứu do cơ sở đó tạo ra.

Theo ĐB Thạch Phước Bình, quy định này là phù hợp với chủ trương phát triển kinh tế tri thức và khuyến khích đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, cần giới hạn rõ các lĩnh vực được phép, thời gian tham gia, trách nhiệm báo cáo và cơ chế phòng ngừa xung đột lợi ích giữa công việc công và hoạt động kinh doanh. Bởi, theo phản ánh của Ủy ban Pháp luật Quốc hội (2022), có hiện tượng một số viên chức dùng danh nghĩa người thân để đứng tên doanh nghiệp, từ đó gây khó khăn trong quản lý và dễ dẫn đến vi phạm nguyên tắc liêm chính công vụ. Đồng thời, cần có quy định rõ về xử lý vi phạm trong trường hợp lạm dụng chức vụ quyền hạn để phục vụ lợi ích cá nhân.

PHAN THẢO

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/han-che-tinh-trang-doanh-nghiep-ma-tao-moi-truong-kinh-doanh-lanh-manh-post794649.html