Hạn chế tối đa việc giao cấp này, cấp kia hướng dẫn chi tiết

Chiều 12.4, tiếp tục phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 4.2023, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Viễn thông (sửa đổi).

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Làm rõ hơn việc mở rộng phạm vi điều chỉnh

Tờ trình dự án Luật Viễn thông (sửa đổi) do Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long trình bày. Trong đó nêu rõ, việc xây dựng dự án Luật nhằm thể chế hóa đầy đủ, đúng chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước trong hoạt động viễn thông, phát triển hạ tầng viễn thông và các hạ tầng khác tạo nền tảng cho phát triển kinh tế số, xã hội số. Huy động các thành phần kinh tế có đủ năng lực tham gia xây dựng phát triển hạ tầng viễn thông và các hạ tầng khác phục vụ cho chuyển đổi số quốc gia tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết 52-NQ/TW ngày 27.9.2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đặc biệt là Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 17.11.2022 của Ban chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII…

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long trình bày báo cáo. Ảnh: Hồ Long

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long trình bày báo cáo. Ảnh: Hồ Long

Với 10 chương, 73 Điều, dự thảo Luật tập trung khắc phục những bất cập về hình thức cấp giấy phép, điều kiện cấp phép theo hướng phân loại giấy phép, hình thức cấp phép và các điều kiện phù hợp với yêu cầu quản lý, đơn giản hóa thủ tục hành chính; giải quyết vấn đề về đấu giá quyền sử dụng kho số viễn thông, tài nguyên Internet; xử lý trường hợp thu hồi giấy phép do không nộp đủ phí quyền hoạt động viễn thông theo hướng quy định rõ thế nào là không nộp đầy đủ phí quyền hoạt động viễn thông…

Trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tán thành với sự cần thiết phải sửa đổi Luật Viễn thông hiện hành. Các nội dung của dự thảo Luật cơ bản phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.

Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cũng tán thành với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật đối với dịch vụ trung tâm dữ liệu; điện toán đám mây và dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị, cần cân nhắc thêm về việc mở rộng phạm vi điều chỉnh và các quy định có liên quan trong dự thảo Luật đối với những nội dung mở rộng này, tránh sự trùng lặp, chồng chéo; nghiên cứu thiết kế quy định trong dự thảo Luật đối với 3 loại dịch vụ mới này theo hướng mở, mang tính nguyên tắc để thể hiện quan điểm của Nhà nước về việc khuyến khích đổi mới sáng tạo.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy phát biểu

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy phát biểu

Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm lập pháp về vấn đề này trên thế giới, nhất là các quốc gia có các đặc điểm tương đồng với Việt Nam; đồng thời, phân tích, làm rõ hơn, thuyết phục hơn về việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự án Luật.

Khắc phục hạn chế, thúc đẩy phát triển hạ tầng số

Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với việc sửa đổi toàn diện Luật Viễn thông nhằm kịp thời khắc phục những vấn đề vướng mắc về thể chế, lỗ hổng chính sách, bất cập trong các quy định của Luật năm 2009 và các quy định pháp luật có liên quan đến hoạt động viễn thông đang làm hạn chế quá trình phát triển, bổ sung quy định đối với các nội dung mới, phù hợp với xu thế phát triển viễn thông, xu thế hội tụ, hình thành hạ tầng số, hạ tầng của nền kinh tế số.

Nhiều Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng tán thành với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự án Luật để phù hợp với xu hướng phát triển của viễn thông trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ.

Các đại biểu tại phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Các đại biểu tại phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Nhấn mạnh đây là dự án Luật quan trọng để thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và về chuyển đổi số quốc gia, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu để quán triệt đầy đủ tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết của Trung ương, cố gắng luật hóa tối đa những quy định đã được thực tiễn kiểm nghiệm tính đúng đắn, phù hợp và có kế thừa các quy định của luật hiện hành.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý, với những vấn đề mới phát sinh cần chọn lọc để đưa vào luật, hạn chế tối đa việc giao cấp này, cấp kia hướng dẫn chi tiết. Trường hợp bắt buộc phải có hướng dẫn chi tiết thì cũng phải có dự thảo văn bản hướng dẫn sớm trình Quốc hội cho ý kiến để khi luật được thông qua, có hiệu lực thì áp dụng được ngay.

Tại Khoản 2, Điều 3 dự thảo Luật quy định hoạt động viễn thông bao gồm đầu tư, kinh doanh dịch vụ viễn thông cơ bản, dịch vụ viễn thông, giá trị gia tăng, người, hàng hóa viễn thông, hoạt động viễn thông công ích, kết nối và chia sẻ cơ sở hạ tầng viễn thông, xây dựng công trình viễn thông.

Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, các chính sách cũng như nội dung trong dự thảo Luật vẫn chủ yếu điều chỉnh về hoạt động kinh doanh viễn thông như Luật hiện hành. Do đó, cần nghiên cứu thấu đáo hơn quy định về hoạt động viễn thông bao gồm cả quyền tham gia hoạt động viễn thông, quyền được đảm bảo an toàn viễn thông cho cả bên cung cấp dịch vụ và bên sử dụng dịch vụ, vấn đề cạnh tranh bình đẳng trong hoạt động viễn thông, tạo thuận lợi thương mại và giảm chi phí tuân thủ pháp luật cho doanh nghiệp, cho người sử dụng dịch vụ.

Thành Trung

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thoi-su-quoc-hoi/han-che-toi-da-viec-giao-cap-nay-cap-kia-huong-dan-chi-tiet-i323600/