Hạn chế trong quy hoạch chủ yếu do những bất cập liên quan văn bản hướng dẫn thi hành

Những tồn tại, hạn chế trong việc triển khai lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh chủ yếu do những bất cập liên quan đến nội dung các văn bản hướng dẫn thi hành và các văn bản chỉ đạo, điều hành và các quy định pháp luật có liên quan…

Tiếp tục Chương trình Phiên họp thứ 8, sáng ngày 17/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo kết quả bước đầu về việc triển khai chuyên đề giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành”.

Báo cáo tóm tắt tình hình triển khai Chuyên đề giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát Vũ Hồng Thanh cho biết, đến ngày 15/1/2022, đã nhận đủ báo cáo của Chính phủ và các Bộ, tuy nhiên tiến độ gửi báo cáo của các địa phương vẫn còn chậm, có báo cáo gửi đến Đoàn giám sát được ký ban hành không đúng thẩm quyền; một số báo cáo còn thiếu nội dung, không đúng theo yêu cầu tại Đề cương.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát trình bày Báo cáo kết quả bước đầu về việc triển khai Chuyên đề giám sát.

Bước đầu tổng hợp báo cáo, đến nay hệ thống pháp luật về công tác quy hoạch sau khi Luật Quy hoạch được ban hành cơ bản đã được ban hành đầy đủ. Cụ thể: Đã sửa đổi, bổ sung 66 luật và 7 pháp lệnh để bảo đảm bảo đồng bộ và có hiệu lực đồng thời với Luật Quy hoạch kể từ ngày 1/1/2019; các quy định được giao hướng dẫn chi tiết tại Luật Quy hoạch, các luật, pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều liên quan đến quy hoạch cơ bản đã được ban hành đầy đủ.

Việc Ban hành Nghị định hướng dẫn chi tiết thi hành Luật Quy hoạch (Nghị định 37/2019/NĐ-CP ngày 7/5/2019) chậm 14 tháng so với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật dẫn đến việc ban hành các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành có liên quan khác cũng không bảo đảm tiến độ và làm ảnh hưởng rất nhiều tới tiến độ lập quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch.

Bên cạnh đó, về nội dung, có một số văn bản quy phạm pháp luật còn bất cập như: Các quy định về trình tự lập phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai đến đơn vị hành chính cấp huyện trong quy hoạch tỉnh quy định tại Nghị định số 148/2020/NĐ-CP mâu thuẫn với quy định tại khoản 4 Điều 16 Luật Quy hoạch, tạo thêm thủ tục trình tự không cần thiết trong quá trình lập quy hoạch tỉnh…

Về lập, thẩm định và quyết định, phê duyệt các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nêu rõ, những kết quả trong quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, Quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn. Trong đó, thời điểm hiện nay, trong các quy hoạch cấp quốc gia mới có quy hoạch sử dụng đất quốc gia và 4/38 quy hoạch ngành quốc gia được phê duyệt (14/38 quy hoạch ngành quốc gia đã lập xong, lấy ý kiến, trình thẩm định, trong đó có 3 quy hoạch đã được tổ chức thẩm định xong; 1 quy hoạch đang trình thẩm định). Trách nhiệm chính là của Chính phủ, các bộ, ngành liên quan; chỉ có Bộ Giao thông và Vận tải là đã được phê duyệt 4/5 quy hoạch ngành quốc gia thuộc lĩnh vực của Bộ. Tất cả các quy hoạch đều được phê duyệt chậm hơn thời hạn ngày 31/12/2020 theo yêu cầu tại Nghị quyết 11/NQ-CP;…

Báo cáo kết quả bước đầu của Đoàn Giám sát cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế trong việc triển khai lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh. Theo đó, những tồn tại, hạn chế trong việc triển khai lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh chủ yếu do những bất cập liên quan đến nội dung các văn bản hướng dẫn thi hành và các văn bản chỉ đạo, điều hành và các quy định pháp luật có liên quan…

Về Kế hoạch hoạt động của Đoàn giám sát trong thời gian tới, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, Phó trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát cho biết, Đoàn sẽ làm việc với một số Bộ liên quan (Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Công Thương, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) tại Nhà Quốc hội; tổ chức các buổi làm việc với một số địa phương; với Lãnh đạo Chính phủ và tổ chức tọa đàm cho ý kiến về Báo cáo kết quả giám sát.

N.H

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/han-che-trong-quy-hoach-chu-yeu-do-nhung-bat-cap-lien-quan-van-ban-huong-dan-thi-hanh-post181802.html