Hạn hán 'đã đi vào lịch sử'

Ngày 13/10, một báo cáo của World Weather Attribution - tổ chức hợp tác quốc tế chuyên nghiên cứu về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu cho biết, cho tới thời điểm này có thể khẳng định hạn hán năm 2022 đã 'đi vào lịch sử'. Hạn hán đã làm khô cạn các con sông lớn gây ra tình trạng khan hiếm nước ở châu Âu. Nó tấn công miền Tây và Đông Bắc nước Mỹ, còn Trung Quốc đã phải trải qua mùa hè khô hạn nhất trong vòng 60 năm.

Nhiều quốc gia châu Á phải đương đầu với nạn hạn hán.

Nhiều quốc gia châu Á phải đương đầu với nạn hạn hán.

Các nhà nghiên cứu của World Weather Attribution cho biết, nếu không có sự nóng lên toàn cầu do biến đổi khí hậu, thì mức độ hạn hán như vậy sẽ chỉ xuất hiện 400 năm một lần. “Nếu tình hình không được cải thiện, nhiều khả năng nó sẽ lặp lại 20 năm một lần” - ông Maarten van Aalst, người tham gia nhóm nghiên cứu cho biết. Còn ông Dominik Schumacher (nhà khoa học khí hậu tại Trường Đại học ETH Zurich, Thụy Sĩ) cho rằng, nếu nhiệt độ toàn cầu tăng thêm 0,8 độ C, tình trạng hạn hán như năm 2022 sẽ xảy ra 10 năm một lần ở Tây Trung Âu và Bắc bán cầu.

Mùa hè năm nay, nông dân nhiều nước châu Âu cũng như châu Á đã mất trắng mùa vụ bởi hạn hán. Thay vì những cánh đồng vàng óng, nắng nóng và khô cạn đã biến chúng thành màu vàng úa. Ông Hu Bao-lin, nông dân ở tỉnh Giang Tây (Trung Quốc) cho biết, do thiếu nước nên những quả bưởi non không thể phát triển, chỉ bằng 1/3 kích thước thông thường, còn cây bưởi ngày càng héo dần. Những cánh đồng trồng vừng và hạt cải để ép dầu ở tỉnh Giang Tây cũng chung cảnh ngộ. Cây khô héo do nắng gắt liên tục hơn 70 ngày.

Trung tâm Khí hậu Quốc gia Trung Quốc cho biết, đợt hạn hán tàn khốc do nắng nóng kỷ lục năm 2022 đã lan ra gần một nửa đất nước, tới cả cao nguyên Tây Tạng vốn lạnh giá. Còn Bộ Nông nghiệp nước này cho biết có thời gian nhiệt độ cao liên tục dài, vượt qua kỷ lục được ghi nhận cách đây hơn 60 năm. Khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất là lưu vực sông Dương Tử, trải dài từ duyên hải Thượng Hải đến tỉnh Tứ Xuyên (vùng Tây Nam Trung Quốc). Đây là khu vực sinh sống của hơn 370 triệu người và có một số trung tâm sản xuất, bao gồm siêu đô thị Trùng Khánh.

Tại châu Âu, “mùa hạn hán” năm nay đã khiến 17% diện tích châu lục phải đặt trong tình trạng báo động đỏ, tức là ở mức độ thiếu nước trầm trọng. Schneider - nông dân ở thành phố Gruendau (Đức), cho biết: “Không đủ mưa nên bắp ngô năm nay rất nhỏ. Chúng tôi mất tới 50% sản lượng thu hoạch”.

Tình trạng hạn hán thể hiện rất rõ ở Italy, Đông Nam và Tây Bắc nước Pháp, miền Đông nước Đức, miền Nam Na Uy và các vùng rộng lớn khác của khu vực Balkan. Thực tế cho thấy sản lượng ngũ cốc, ngô, đậu nành và hạt hướng dương của EU năm nay thấp hơn 12% so với mức trung bình 5 năm qua.

World Weather Attribution dẫn phân tích từ Trung tâm Nghiên cứu chung của Liên minh Châu Âu (EU), thì châu lục này đã phải chịu đựng đợt hạn hán tồi tệ nhất trong vòng 500 năm. Khô nóng dẫn đến cháy rừng, làm giảm năng suất cây trồng và giảm sản lượng điện. Theo Đài quan sát hạn hán châu Âu (EDO), mùa hè khủng khiếp đã khiến 47% diện tích đất thiếu độ ẩm, thảm thực vật khô héo.

Trong khi đó, Ủy viên Đổi mới châu Âu Mariya Gabriel cho biết sự kết hợp giữa hạn hán nghiêm trọng và các đợt nắng nóng đã tạo ra căng thẳng chưa từng có đối với mực nước trong toàn khối EU. Khu vực Tây Âu - Địa Trung Hải sẽ vẫn khô hơn so với điều kiện bình thường cho đến tháng 11.

Nguyên nhân của đợt hạn hán lịch sử này được cho là do khí hậu toàn cầu ấm lên.

Cuối tháng 9 vừa qua, phát biểu tại New York (Mỹ), Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới “hành động ngay bây giờ để ngăn chặn thảm họa khí hậu”. Ông Guterres nêu rõ: “Cứu thế hệ hiện tại và thế hệ tương lai là trách nhiệm chung. Chúng ta cần đưa ra một lời cảnh báo nghiêm khắc để khơi dậy cảm giác cấp bách về tình trạng nghiêm trọng của quá trình biến đổi khí hậu”. Tổng Thư ký Liên hợp quốc dẫn một nghiên cứu, cho rằng thế giới đang trên con đường thảm khốc với mức ấm lên 2,7 độ C. Để hạn chế nhiệt độ tăng lên 1,5 độ C thì cần giảm 45% lượng khí thải vào năm 2030 và trung hòa carbon vào giữa thế kỷ này. Tuy nhiên, cam kết của các quốc gia cho đến nay cho thấy mức phát thải khí nhà kính vào năm 2030 sẽ tăng 16% so với mức năm 2010. Như vậy, kết quả hạn chế sự ấm lên của trái đất có vẻ như đang ngày càng lùi xa.

BẢO THƯ

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/han-han-da-di-vao-lich-su-5699495.html