Hạn mức tiêu thụ nhiên liệu khiến nhiều mẫu ô tô phải khai tử

Các hiệp hội sản xuất ô tô trong và ngoài nước cho rằng mục tiêu giảm CAFC xuống 4,83 lít/100km vào năm 2030 là quá nghiêm ngặt, gây ảnh hưởng rất lớn đến ngành công nghiệp ô tô và đề xuất mục tiêu, lộ trình hài hòa hơn.

Dự thảo về mức tiêu thụ nhiên liệu trung bình (CAFC) cho xe ô tô sản xuất lắp ráp và nhập khẩu mới đang khiến nhiều hãng xe "đau đầu".

Các hiệp hội sản xuất ô tô trong và ngoài nước cho rằng mục tiêu giảm CAFC xuống 4,83 lít/100km vào năm 2030 là quá nghiêm ngặt, gây ảnh hưởng rất lớn đến ngành công nghiệp ô tô và đề xuất mục tiêu, lộ trình hài hòa hơn.

Nhiều mẫu xe xăng phải dừng bán nếu thực hiện theo tiêu chuẩn tại dự thảo.

Nhiều mẫu xe xăng phải dừng bán nếu thực hiện theo tiêu chuẩn tại dự thảo.

Tới 97% các mẫu xe chạy xăng phải dừng bán

Việt Nam đang hướng tới mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, và một trong những giải pháp quan trọng là siết chặt quy định về mức tiêu thụ nhiên liệu của xe ô tô con. Theo dự thảo Tiêu chuẩn kỹ thuật Quốc gia mới, các hãng sản xuất lắp ráp và nhập khẩu ô tô sẽ phải tuân thủ hạn mức tiêu thụ nhiên liệu trung bình của toàn bộ các mẫu xe bán ra (gọi tắt là CAFC). Mục tiêu đầy tham vọng là đến năm 2030, mức tiêu thụ nhiên liệu trung bình quốc gia của đoàn xe ô tô con phải đạt 4,83 lít/100km.

Tuy nhiên, mục tiêu này đang gây quan ngại lớn từ các nhà sản xuất. Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho rằng, đây là mức "quá nghiêm ngặt", có thể gây tác động "rất lớn và làm thay đổi gần như toàn bộ hiện trạng ngành công nghiệp ô tô Việt Nam".

Theo nghiên cứu của VAMA, với mục tiêu 4,83 lít/100km vào năm 2030, hầu hết các mẫu xe chạy xăng truyền thống (ICE) và thậm chí cả một số xe hybrid (lai xăng điện) đang có mặt trên thị trường Việt Nam sẽ không đạt được hạn mức này. Cụ thể, 96% xe chạy xăng truyền thống và 14% xe hybrid hiện tại sẽ không đạt chuẩn.

Bên cạnh đó, xét trong giai đoạn 2026-2030, hầu hết các thành viên VAMA đều không đáp ứng được mục tiêu tiêu thụ nhiên liệu trung bình chung toàn doanh nghiệp ngay trong năm đầu và trong cả giai đoạn áp dụng quy định mặc dù đã xét đến những nỗ lực chủ động trong việc chuyển đổi công nghệ sản phẩm của doanh nghiệp.

Để đáp ứng mục tiêu về hạn mức nhiên liệu 4,83 lít/100km, các hãng xe sẽ phải ngừng bán tới 97% các mẫu xe chạy xăng truyền thống hiện hành.

Hoặc, nếu muốn giữ nguyên sản lượng bán hàng, các doanh nghiệp phải tăng đột biến sản lượng xe điện hóa (xe hybrid, xe hybrid sạc điện, xe điện hoàn toàn) lên tới khoảng 868% trong một thời gian rất ngắn (khoảng 5 năm).

VAMA cho rằng, việc thay đổi quá nhanh này là không khả thi trong bối cảnh hạ tầng trạm sạc và mạng lưới điện còn hạn chế, cùng với việc người tiêu dùng chưa hoàn toàn quen thuộc với xe điện. Điều này sẽ tác động nặng nề đến ngành công nghiệp ô tô, công ăn việc làm của người lao động, người tiêu dùng và cả nguồn thu ngân sách nhà nước.

VAMA đề xuất lộ trình và mức tiêu thụ nhiên liệu mục tiêu để thực hiện.

VAMA đề xuất lộ trình và mức tiêu thụ nhiên liệu mục tiêu để thực hiện.

Đề xuất "hài hòa" hơn để hạn chế sự tác động đến ngành công nghiệp ô tô và xã hội nhưng vẫn đạt mục tiêu giảm phát thải CO2

Trước những thách thức trên, VAMA đã đưa ra đề xuất một lộ trình thực hiện linh hoạt hơn, với mục tiêu mức tiêu thụ nhiên liệu trung bình sẽ đạt 6 lít/100km vào năm 2030.

Theo VAMA, với lộ trình này Việt Nam vẫn có thể đạt được mục tiêu giảm 15,66 triệu tấn khí thải CO2 vào năm 2030 như cam kết tại NDC 2022. Bên cạnh đó, kịch bản này sẽ hạn chế tác động đến thị trường so với kịch bản 4,83 lít/100km.

Nếu áp dụng lộ trình này, các hãng xe vẫn cần nỗ lực lớn trong việc chuyển đổi cơ cấu sản phẩm (giảm khoảng 34% sản lượng xe chạy xăng và tăng ít nhất 366% xe điện hóa), nhưng sẽ khả thi hơn.

Không chỉ VAMA, các hiệp hội và cơ quan quản lý từ Hoa Kỳ và Nhật Bản cũng đã gửi góp ý tương tự. Đại diện cho các quốc gia này đều cho rằng mục tiêu hiện tại là quá nghiêm ngặt và đề nghị kéo dài thời gian điều chỉnh, chuyển tiếp để các nhà sản xuất có thêm thời gian thích ứng.

Cụ thể, Hiệp hội đại lý ô tô Mỹ (AAPC) đề xuất, Việt Nam nên giữ mục tiêu 6 lít/100km vào năm 2030 và xem xét áp dụng mức 4,83 lít/100km vào năm 2035.

Về phạm vi áp dụng, đại diện Hoa Kỳ cũng kiến nghị cần các quy định chi tiết hơn đối với phạm vi áp dụng của dự thảo, vì một số loại xe chở khách công suất lớn như xe bán tải chạy dầu diesel hay các xe dẫn động 4 bánh sẽ khó đáp ứng được các tiêu chuẩn này.

Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản (JAMA) cũng đồng tình với đề xuất 6 lít/100km của VAMA. JAMA cũng đề nghị gia hạn thời gian điều chỉnh sản lượng từ 3 năm lên 5 năm, bởi việc phát triển xe điện và xe tiết kiệm nhiên liệu mới cần khoảng 5 năm.

Trao đổi với Báo Xây dựng, đại diện cơ quan soạn thảo (Bộ Xây dựng) cho biết, đã tiếp nhận tất cả các ý kiến góp ý và sẽ xem xét, nghiên cứu để tiếp thu và báo cáo cấp có thẩm quyền.

VAMA đề xuất mức tiêu thụ nhiên liệu mục tiêu cần đạt qua từng năm là 6,7 lít/100km vào năm 2027, năm 2028 là 6,5 lít/100km, năm 2029 còn 6,3 lít/100km và đến 2030 đạt 6 lít/100km. Với lộ trình này, Việt Nam có thể đạt được mục tiêu giảm phát thải của Biện pháp E17 như đã cam kết trong NDC 2022 và giảm tác động đáng kể đối với thị trường so với kịch bản 4,83 lít/100km như dự thảo.

Cẩm Tú

Nguồn Xe Giao Thông: https://xe.baoxaydung.vn/han-muc-tieu-thu-nhien-lieu-khien-nhieu-mau-o-to-phai-khai-tu-192250728083712855.htm