Hàn Quốc điều tra DeepSeek vì chuyển dữ liệu người dùng cho bên thứ ba

Cơ quan bảo vệ dữ liệu cá nhân Hàn Quốc (PIPC) vừa xác nhận rằng DeepSeek đã gửi dữ liệu người dùng cho bên thứ ba khi chưa được phép.

Biểu tượng mô hình trí tuệ nhân tạo Deepseek. Ảnh: REUTERS/TTXVN

Biểu tượng mô hình trí tuệ nhân tạo Deepseek. Ảnh: REUTERS/TTXVN

DeepSeek, một chatbot do một công ty khởi nghiệp trí tuệ nhân tạo (AI) có trụ sở tại Trung Quốc phát triển, đã gửi dữ liệu người dùng Hàn Quốc đến ByteDance, công ty mẹ của TikTok.

Thông tin này được công bố vào ngày 17/2, làm dấy lên lo ngại về an ninh dữ liệu và quyền riêng tư của người dùng.

Xác nhận của PIPC được đưa ra chỉ một ngày sau khi cơ quan này quyết định tạm thời đình chỉ các lượt tải mới của DeepSeek tại Hàn Quốc do những lo ngại về việc thu thập dữ liệu. Một quan chức của PIPC cho biết: "Chúng tôi đã xác nhận DeepSeek có liên lạc với ByteDance". Tuy nhiên, cơ quan này vẫn chưa xác định được cụ thể loại dữ liệu nào đã bị chuyển và phạm vi ảnh hưởng.

Theo luật Hàn Quốc, các công ty phải có sự đồng ý rõ ràng từ người dùng nếu muốn cung cấp thông tin cá nhân cho bên thứ ba. Hiện tại, PIPC đã gửi yêu cầu chính thức đến DeepSeek để làm rõ cách thức thu thập và quản lý dữ liệu của dịch vụ này. Đáp lại, DeepSeek đã bổ nhiệm đại diện tại Hàn Quốc và thừa nhận chưa tuân thủ đầy đủ các quy định bảo vệ dữ liệu địa phương, đồng thời cam kết hợp tác với cơ quan chức năng.

Bên cạnh vụ việc tại Hàn Quốc, DeepSeek cũng đang có bước chuyển mình mạnh mẽ trong hoạt động kinh doanh. Công ty khởi nghiệp AI này vừa cập nhật thông tin đăng ký doanh nghiệp, mở rộng sang lĩnh vực dịch vụ thông tin internet, báo hiệu một chiến lược mới nhằm thương mại hóa công nghệ AI của mình.

Trước đây, DeepSeek chủ yếu tập trung vào nghiên cứu và phát triển, nhưng theo chuyên gia phân tích Zhang Yi từ iiMedia, việc mở rộng lĩnh vực kinh doanh cho thấy công ty đang tìm cách kiếm lợi nhuận từ các mô hình ngôn ngữ lớn (LLMs) của mình.

DeepSeek vốn là công ty con của quỹ đầu tư High-Flyer và đã tạo được danh tiếng với các mô hình AI hiệu quả về chi phí nhưng có hiệu suất cao, như DeepSeek-V3 và DeepSeek-R1.

Các mô hình AI của DeepSeek đã nhanh chóng được nhiều công ty công nghệ lớn của Trung Quốc ứng dụng. Huawei, Oppo, Vivo, Lenovo và Honor đã tích hợp DeepSeek vào trợ lý ảo của họ, trong khi Tencent và Baidu sử dụng công nghệ này để nâng cấp các công cụ tìm kiếm.

Các hãng xe điện lớn như BYD, Geely, Great Wall Motor, Chery Automobile và SAIC Motor cũng đã tuyên bố sẽ sử dụng DeepSeek trong hệ thống điều khiển AI của họ.

Ngay cả các cơ quan chính phủ Trung Quốc cũng đang áp dụng DeepSeek để hỗ trợ giải thích chính sách và cung cấp dịch vụ công. Bên cạnh đó, DeepSeek vừa bổ nhiệm giám đốc tài chính mới là Wang Xianzu, một nhân sự từ quỹ đầu tư High-Flyer, cho thấy công ty tiếp tục tận dụng nguồn lực từ công ty mẹ để phát triển.

Dù đang trên đà mở rộng mạnh mẽ, DeepSeek vẫn phải đối mặt với các vấn đề pháp lý và bảo mật dữ liệu tại Hàn Quốc. Việc bị điều tra vì chuyển dữ liệu người dùng cho ByteDance có thể ảnh hưởng đến danh tiếng của công ty trên thị trường quốc tế. Các chuyên gia nhận định rằng, nếu không có biện pháp bảo vệ dữ liệu rõ ràng và tuân thủ chặt chẽ quy định bảo mật, DeepSeek có thể đối mặt với nguy cơ bị cấm hoặc hạn chế tại nhiều quốc gia khác.

PIPC hiện đang tiếp tục điều tra và có thể đưa ra các biện pháp xử lý đối với DeepSeek trong thời gian tới. Trong bối cảnh ngày càng có nhiều lo ngại về bảo mật dữ liệu và quyền riêng tư, vụ việc này có thể trở thành một bài học quan trọng cho các công ty công nghệ AI khi mở rộng ra thị trường toàn cầu.

Phúc Hưng/Báo Tin tức (Theo Yonhap/SCMP)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/han-quoc-dieu-tra-deepseek-vi-chuyen-du-lieu-nguoi-dung-cho-ben-thu-ba-20250218143415313.htm