Bán tín chỉ carbon trong sản xuất nông nghiệp: Những tín hiệu đầu tiên

Đã có một số nông dân tại Việt Nam nhận được 'tiền tươi' từ việc trồng lúa giảm phát thải. Số tiền này tuy ít ỏi và được trả với danh nghĩa 'tiền thưởng', nhưng do doanh nghiệp kinh doanh tín chỉ carbon thực hiện, đã cho thấy tín hiệu thị trường mua bán tín chỉ carbon trong nông nghiệp đã bắt đầu…

Trồng lúa giảm phát thải.

Trồng lúa giảm phát thải.

Vừa qua tại huyện châu Thành, tỉnh An Giang, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh An Giang phối hợp với Công ty Cổ phần Netzero Carbon và Công ty Cổ phần Công nghệ Nano BSB (BSB Nanotech) tổ chức tổng kết mô hình canh tác lúa bền vững, giảm phát thải (mô hình BNS) tại Hợp tác xã Vĩnh Bình.

Tại đây, 4 nông dân tham gia mô hình với diện tích canh tác 8,49 ha trong vụ lúa thu đông 2024 đã nhận tổng số tiền thưởng 14,3 triệu đồng cho việc giảm được lượng phát thải khí nhà kính trong trồng lúa.

NHỮNG NÔNG DÂN TRỒNG LÚA ĐẦU TIÊN ĐƯỢC NHẬN TIỀN GIẢM PHÁT THẢI

Chị Phạm Thị Như, cán bộ kỹ thuật Trạm Khuyến nông huyện Châu Thành, tỉnh An Giang, chia sẻ: "Nông dân đã nhận được những đồng tiền thưởng từ Công ty Netzero Carbon, đây cũng là tín hiệu để để nhân rộng mô hình canh tác lúa giảm phát thải ra những địa phương khác trong thời gian tới".

Theo ghi nhận, vụ lúa thu đông năm 2024, hầu hết các ruộng lúa tại An Giang khi áp dụng mô hình BNS, đã giảm giá thành sản xuất 496 - 1.159 đồng/kg so với trước đây; lợi nhuận cao hơn so với ruộng đối chứng từ 2,3-9,4 triệu đồng/ha. Đáng chú ý, lượng giảm phát thải khí nhà kính toàn mô hình tại Hợp tác xã Vĩnh Bình được Công ty cổ phần Netzero Carbon tính toán đạt 29,03 tấn Co2e. Ngoài ra, mô hình giúp nông dân thay đổi tập quán đốt rơm rạ, thay thế bằng việc xử lý các chế phẩm sinh học để phân hủy rơm rạ, thành phân hữu cơ trả lại nguồn dinh dưỡng cho đất.

Ông Nguyễn Văn Tắc, Giám đốc Hợp tác xã Vĩnh Bình, cho hay sản xuất theo quy trình này giảm được 50% lượng giống, giảm hơn 50% lượng phân bón. Qua đó, giảm được khoảng 30% chi phí, ngược lại, năng suất tăng 20% so với sản xuất truyền thống.

Trước đó, vào quý 3/2024, Đắk Lắk là tỉnh đầu tiên ở nước ta có nông dân bán được lượng giảm phát thải carbon từ lúa với giá 20 USD/tấn giảm CO2. Bằng cách triển khai thí điểm mô hình trồng lúa giảm phát thải, một nhóm nông dân đã bán thành công cho một doanh nghiệp trong nước lượng giảm phát thải carbon gần 17 tấn, thu về 8,3 triệu đồng.

Mô hình thí điểm được triển khai trong vụ đông xuân 2023 - 2024 trên diện tích 4,2 ha tại xã Bình Hòa (huyện Krông Ana). Bên mua là Công ty cổ phần Net Zero Carbon, cũng là đơn vị phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk triển khai mô hình.

"Mô hình trồng lúa phát thải thấp tại xã Bình Hòa, huyện Krông Ana đã đạt năng suất trung bình gần 11,7 tấn/ha, tăng hơn 0,93 tấn/ha so với mô hình đối chứng; chi phí đầu tư giảm được 2,9 triệu đồng/ha (giảm 9,44%) so với đối chứng. Lợi nhuận ròng của mô hình đạt gần 94,8 triệu đồng/ha, tăng trên 15,5 triệu đồng so với mô hình đối chứng (tương đương 19,55%).

Ông Trần Minh Tiến, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Net Zero Carbon

Đặc biệt, bằng cách tưới ngập khô xen kẽ, giảm phân bón, giảm giống…, mô hình giúp giảm phát thải gần 4 tấn khí nhà kính mỗi ha, tổng lượng giảm phát thải của 4,2 ha mô hình là 16,91 tấn CO2. Ông Trần Minh Tiến, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Net Zero Carbon, cho biết lượng giảm phát thải này chưa tính là tín chỉ carbon. Doanh nghiệp mới chỉ ra được báo cáo giảm phát thải nhưng vẫn tiến hành chi trả cho bà con, để khuyến khích người nông dân tham gia vào mô hình trồng lúa giảm phát thải.

“Mức giá 20 USD trên mỗi tấn khí nhà kính giảm phát thải được tính dựa trên công sức của bà con nông dân là chính. Tuy nhiên, trong thời gian tới, doanh nghiệp sẽ ký hợp đồng ràng buộc với hợp tác xã và nông dân. Để tham gia chương trình, người nông dân phải duy trì ít nhất 5 năm, sẽ được cấp tín chỉ carbon và số tiền chi trả sẽ dựa trên số tín chỉ được cấp”, ông Tiến nói.

Ông Tiến cho biết thêm Công ty cổ phần Net Zero Carbon hoạt động trong lĩnh vực tư vấn mua bán tín chỉ carbon, làm cầu nối để mua, bán tín chỉ giữa các bên có nhu cầu. Hiện Công ty đang hợp tác với các Tổ chức được chứng nhận được công nhận trên toàn cầu để xác minh tín chỉ carbon để đảm bảo rằng các tín chỉ được mua bán có chất lượng cao nhất.

LASUCO TRIỂN KHAI BÁN TÍN CHỈ GIẢM PHÁT THẢI

Mía đường cũng được dự báo là ngành đi đầu trong nông nghiệp sẽ bán được tín chỉ carbon. Lễ ký kết triển khai dự án giảm phát thải carbon tại vùng nguyên liệu mía Lam Sơn giữa Công ty Cổ phần Mía đường Lam Sơn (Lasuco) và hai đối tác Nhật Bản là Công ty Idemitsu Kosan và Công ty Sagri đã diễn ra vào cuối năm 2024,

Theo ông Egashira Hideaki, Tổng Giám Đốc công ty TNHH Idemitsu Việt Nam (thuộc Idemitsu Kosan), đây là dự án đầu tiên tại Việt Nam tạo ra tín chỉ carbon từ việc cải thiện quản lý đất nông nghiệp mà Công ty Idemitsu Kosan lần đầu tiên tham gia đầu tư.

Một cánh đồng mía trong vùng nguyên liệu của Lasuco

Một cánh đồng mía trong vùng nguyên liệu của Lasuco

Trong lĩnh vực trồng mía, việc sử dụng phân bón tổng hợp làm gia tăng phát thải N2O - loại khí nhà kính có tác động mạnh gấp 300 lần CO2. Bên cạnh đó, phương thức đốt đồng mía sau thu hoạch cũng tạo ra một lượng lớn CO2, gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng.

Để khắc phục tình trạng này, Lasuco triển khai mô hình sử dụng phân bón hữu cơ và vi sinh kết hợp với kỹ thuật canh tác cải tiến nhằm giảm lượng N2O phát thải mà vẫn đảm bảo năng suất cây trồng. Lasuco đang thúc đẩy các phương pháp thu gom và tái sử dụng bã mía, lá mía làm nguyên liệu sản xuất năng lượng sinh khối hoặc phân bón hữu cơ, thay vì đốt bỏ gây ô nhiễm môi trường.

"Lasuco hiện đang hợp tác với hơn 130.000 hộ nông dân tại 11 huyện phía Tây tỉnh Thanh Hóa. Toàn bộ lợi nhuận từ bán tín chỉ carbon sẽ chi trả cho nông dân, giúp họ không chỉ nâng cao năng suất cây mía mà còn cải thiện đáng kể đời sống kinh tế”, ông Phương khẳng định.

Ông Lê Văn Phương, Tổng Giám đốc Lasuco.

Ông Lê Văn Phương, Tổng Giám đốc Lasuco cho hay trong năm 2025, với sự đầu tư của Công ty Idemitsu Kosan, dự án sẽ tiến hành thử nghiệm trên diện tích 500 ha đất nông nghiệp do các nông dân có hợp đồng với Lasuco vận hành, để thực hành mô hình nông nghiệp tái tạo môi trường. Trong quá trình thực hiện, dự án sẽ dùng công nghệ phân tích vệ tinh của Công ty Sagri để giám sát tình trạng đất và sự phát triển của cây mía, từ đó tối ưu hóa lượng phân bón,

Dự án dự kiến sẽ chính thức hoạt động thương mại từ năm 2026 với quy mô diện tích được mở rộng lên 8.000 ha. Đồng thời, các tín chỉ carbon được tạo ra sẽ được đăng ký theo phương pháp "Cải thiện quản lý đất nông nghiệp" (VM0042) của tổ chức Verra - cơ quan chứng nhận tín chỉ carbon tự nguyện lớn nhất thế giới.

"Theo tính toán, số lượng carbon Lasuco có thể thu được khi mở rộng 8.000ha có thể lên tới 480.000 tấn, tương ứng với 480.000 USD (tính theo giá 1 tín chỉ carbon thấp nhất là 1 USD) tương đường, khoảng 12 tỷ đồng, bằng 10% lợi nhuận của Lasuco hàng năm", ông Lê Văn Phương chia sẻ.

Dự án tín chỉ carbon tại vùng nguyên liệu mía Lam Sơn nếu thực hiện thành công là bước tiến quan trọng trong việc kết nối nông nghiệp với mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính. Đây không chỉ là cơ hội kinh tế cho nông dân mà còn góp phần đưa Việt Nam trở thành điểm sáng trong thị trường carbon toàn cầu.

Chương Phượng

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/ban-tin-chi-carbon-trong-san-xuat-nong-nghiep-nhung-tin-hieu-dau-tien.htm