Hàn Quốc 'đón đầu' cuộc đua không gian và tên lửa
Theo Thời báo châu Á (Asia Times), Hàn Quốc hiện đang đặt mục tiêu phát triển vũ khí và tên lửa phóng từ tàu ngầm nhằm đối phó với thách thức gia tăng từ Triều Tiên.
Hàn Quốc thử nghiệm tên lửa tự sản xuất
Trang Asia Times dẫn tin, Hàn Quốc ngày 21/10 đã thử nghiệm phóng tên lửa vào không gian. Đây là loại tên lửa do nước này sản xuất và tiến hành thử nghiệm sau khi Triều Tiên liên tục phóng thử tên lửa trong hai tháng qua. Tên lửa NURI ba tầng với quốc kỳ Hàn Quốc trên vỏ, mang theo một vệ tinh giả nặng 1,5 tấn, rời bệ phóng số 2 tại Trung tâm Vũ trụ Naro ở tỉnh Jeolla Nam. Đây là loại tên lửa "cây nhà lá vườn" sử dụng công nghệ Hàn Quốc. Theo các báo cáo trong nước, Hàn Quốc dự kiến sẽ có thêm 4 lần phóng thử tên lửa cho đến năm 2027.
Trước đó, Hàn Quốc cũng đã thực hiện các vụ phóng thử tên lửa vào quỹ đạo năm 2009 và 2010. Đến năm 2013, nước này tiếp tục phóng tên lửa sử dụng công nghệ Nga. Vì vậy, sự kiện vào ngày hôm qua (21/10) đánh dấu cột mốc quốc gia quan trọng khi Hàn Quốc trở thành quốc gia thứ 7 tham gia cuộc đua không gian. Tuy nhiên, điều đáng nói Hàn Quốc lại đi sau Triều Tiên trong gần một thập kỷ bởi Bình Nhưỡng đã đưa vệ tinh đầu tiên lên quỹ đạo từ năm 2012. Bình Nhưỡng từ lâu đã sử dụng công nghệ lưỡng dụng trong chương trình tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM).
"Chúng tôi đã phát triển hệ thống tác chiến mạng dựa trên trí tuệ nhân tạo, vệ tinh do thám và công nghệ liên quan đến thuốc phóng dạng rắn để nâng các phương tiện phóng vệ tinh vào không gian", Tổng thống Moon Jae-in cho biết trong bài phát biểu vào ngày 1/10.
Điều này cho thấy Seoul đang phá bỏ bức tường lửa và sử dụng công nghệ tương tự để gia tăng sức mạnh cho các chương trình tên lửa trong cuộc chạy đua vũ khí xuyên bán đảo Triều Tiên. Việc sở hữu tên lửa đẩy sẽ là chìa khóa cho các kế hoạch xây dựng hệ thống định vị và do thám dựa trên vệ tinh, mạng lưới thông tin liên lạc 6G và thậm chí cả tàu thăm dò Mặt Trăng của Hàn Quốc trong tương lai.
Hướng tới tự chủ chiến lược
Theo Asia Times, kết quả hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Tổng thống Mỹ Joe Biden ở Washington vào tháng 5 năm nay có thể là tiền đề để Washington nới lỏng hạn chế đối với việc phát triển tên lửa của Hàn Quốc. Và chính động thái nới lỏng này đã mang đến bất ngờ cho thế giới sau hoạt động phóng thử tên lửa tự sản xuất của Hàn Quốc.
Vào tháng Chín, Seoul đã thử nghiệm thành công tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm hay còn gọi là SLBM – loại vũ khí có chi phí cao và đầy tham vọng.
"Chúng tôi tự nhận thấy đất nước đang trong cuộc chạy đua tên lửa. Triều Tiên bắt đầu đã triển khai tên lửa từ lâu và chúng tôi mong muốn nỗ lực này của chúng tôi có thể tự vệ trước mối đe dọa", ông Chun In-bum – một vị tướng Hàn Quốc đã về hưu cho biết.
Tuy nhiên, tên lửa ICBM của Hàn Quốc vẫn chưa thể đủ khả năng để đối phó với công nghệ tên lửa tiên tiến của Triều Tiên. Vì vậy, Hàn Quốc đã lên kế hoạch trang bị hàng không mẫu hạm F35 và củng cố năng lực trên không kết hợp với thủy quân lục chiến.
Giới chuyên gia cho rằng, Hàn Quốc chắc chắn sẽ có chiến lược mới nhìn xa hơn, thể hiện tham vọng của một cường quốc tầm trung trong hoạt động quân sự vào thời gian tới.
Suốt thời gian qua, Triều Tiên liên tục tăng cường lực lượng tên lửa chiến thuật và nhấn mạnh quan điểm rõ ràng trong chiến lược tên lửa tham vọng, đặc biệt là tên lửa mang đầu đạn hạt nhân. Từ lâu, Bình Nhưỡng đã gia tăng chi tiêu quốc phòng thông qua việc thành lập đơn vị hoạt động đặc biệt và phát triển tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. Trong khi đó, mục tiêu chiến lược vũ khí của Hàn Quốc thì chưa thể hiện rõ ràng. Tổng thống Moon Jae-in luôn đặt ưu tiên xây dựng hòa bình với Triều Tiên và xem như là trọng tâm chiến lược của Hàn Quốc trong suốt 5 năm qua.
Nếu Hàn Quốc chuyển hướng từ công nghệ vũ trụ trong nước sang ICBM – vũ khí có tầm bắn hơn 8000 dặm thì rõ ràng nước này sẽ đánh dấu bước ngoặt thay đổi chiến lược quan trọng nhất từ trước đến nay.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in gần đây đã kêu gọi tăng cường phát triển loại tên lửa đạn đạo có khả năng được phóng từ tàu ngầm (SLBM) nhằm gia tăng năng lực đối phó với các "hoạt động khiêu khích của Triều Tiên". Trọng tâm trong định hướng phát triển vũ khí của Hàn Quốc là nâng cao khả năng chỉ huy, liên lạc và kiểm soát.
Ông Chun In-bum cho rằng, Hàn Quốc có lý do để tăng cường sức mạnh cho quân sự và mở rộng phạm vi hoạt động. Seoul đã bắt đầu chiến dịch tăng cường phát triển cả tài sản vũ khí như tên lửa đạn đạo tầm trung, SLBMs và tàu sân bay F35 với phạm vi hoạt động ngoài vùng ven biển của bán đảo.
"Việc tăng cường khả năng quân sự trong khu vực là điều đáng giá nhất trong mắt người dân Hàn Quốc vào thời điểm hiện tại", tướng Chun nhận định./.