Hàn Quốc đứng trước rào cản trong hồi phục kinh tế

Nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á đang phải đứng trước nhiều rào cản khi phải đối mặt với việc đồng won giảm mạnh so với đồng USD, và áp lực lạm phát. Việc đồng won 'chạm đáy' là một trong những rào cản lớn cho sự phục hồi kinh tế của Hàn Quốc, cũng như làm trầm trọng thêm thâm hụt thương mại và các rủi ro khác liên quan tới tăng trưởng chậm lại.

Đồng won “chạm đáy” kỷ lục trong vòng 13 năm

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc đồng nội tệ của Hàn Quốc trượt xuống mức có thể gây hại nhiều hơn là có lợi cho toàn bộ nền kinh tế, đồng thời thúc giục các nhà chức trách xoa dịu thị trường ngoại hối. Đồng won của Hàn Quốc đã kéo dài chuỗi giảm giá so với đồng USD trong nhiều tháng và đóng cửa ở mức 1.345,5 won đổi lấy 1 USD vào hôm 23.8 vừa qua. Đây được đánh dấu mức thấp nhất kể từ ngày 28.4.2009 với giá trị quy đổi 1.356,8 won đổi lấy 1 USD, và thậm chí đồng won được dự báo còn có thể giảm xuống mức 1.400 won đổi lấy 1 USD. Thực tế là mức quy đổi này mới chỉ xảy ra ở Hàn Quốc hai lần, đó là trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 - 1998 và trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 - 2009.

Nguồn: The Korea Times

Nguồn: The Korea Times

Chuyên gia kinh tế Park Sang-hyun của công ty Hi Investment & Securities cho biết, sự mất giá của các đồng tiền tệ trên khắp thế giới có thể ảnh hưởng nhiều hơn nữa đến nền kinh tế vốn phụ thuộc vào thương mại của xứ sở kim chi. Các đồng tiền bị ảnh hưởng khác, trong đó có đồng euro, cũng đã suy yếu trong bối cảnh nguồn cung khí đốt do cuộc xung đột kéo dài ở Ukraine, cũng như lo ngại ngày càng tăng về một cuộc suy thoái kinh tế có thể tái diễn. Trong khi đó, giá trị của đồng nhân dân tệ - Trung Quốc tăng trưởng chậm hơn dự kiến và tình trạng đóng cửa vì đại dịch ở các thành phố lớn cũng đang làm dấy lên lo ngại về nguy cơ đối với kinh tế Trung Quốc.

Làm chậm đà tăng trưởng toàn cầu

Tình hình kinh tế toàn cầu ảm đạm sẽ làm giảm sức mua đối với sản phẩm của các nhà xuất khẩu Hàn Quốc. Một số chuyên gia kinh tế nhận định rằng, Hàn Quốc sẽ không được hưởng lợi nhiều từ việc đồng nội tệ suy yếu, vốn thường giúp tăng cường khả năng cạnh tranh của các nhà xuất khẩu. Thêm vào đó, sự giảm giá gần đây của đồng won đang góp phần làm tăng giá nhập khẩu, và nguy cơ làm trầm trọng thêm tình trạng lạm phát. Lợi ích từ việc đồng won của Hàn Quốc mất giá đối với một số ngành nhất định sẽ không kéo dài khi nền kinh tế toàn cầu đang tăng trưởng chậm lại.

Các công ty đóng tàu là một trong những doanh nghiệp được dự đoán sẽ thu về lợi nhuận khổng lồ trong quý III.2022 khi thực hiện các hợp đồng mua bán bằng đồng USD. Trong khi, các hãng hàng không và nhà sản xuất thép đang phải trả nhiều USD hơn để mua dầu và các nguyên liệu thô khác cần thiết cho việc duy trì hoạt động. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2008, Hàn Quốc ghi nhận thâm hụt thương mại trong tháng thứ tư liên tiếp vào tháng 7.2022, với mức thâm hụt là 4,67 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc tăng 9,4% so với cùng kỳ năm 2021, lên 60,7 tỷ USD trong tháng 7, đánh dấu mức cao nhất kể từ khi Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc bắt đầu tổng hợp dữ liệu vào năm 1956. Tuy nhiên, nhập khẩu của Hàn Quốc cũng tăng 21,8% so với cùng kỳ năm 2021, lên 65,37 tỷ USD, do giá năng lượng cao.

Bên cạnh đó, giá nhập khẩu tăng cao có thể khiến lạm phát kéo dài hơn dự kiến và cuối cùng cản trở tăng trưởng mục tiêu. Bộ Kinh tế và Tài chính (MOEF) và Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK) dự báo lạm phát sẽ đạt đỉnh vào khoảng tháng 10.2022 sau khi chạm mức cao nhất của gần 24 năm là 6,3% vào tháng 7 vừa qua. Giá tiêu dùng tại Hàn Quốc đã tăng 6% hoặc cao hơn trong hai tháng liên tiếp, cũng là lần đầu tiên sau gần 24 năm.

Việc tỷ giá hối đoái giữa hai đồng tiền won và USD được các chuyên gia kinh tế đánh gia rằng có thể có ảnh hưởng tiêu cực hơn là tích cực đến nền kinh tế Hàn Quốc. Hơn nữa, điều tồi tệ nhất vẫn chưa đến và Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hiện vẫn hướng tới việc tiếp tục tăng lãi suất chuẩn sau khi thực hiện lần tăng thứ hai liên tiếp trong tháng 7 vừa qua. Lập trường của Fed có thể mở rộng khoảng cách lãi suất giữa Mỹ và Hàn Quốc đồng thời góp phần đẩy mạnh dòng vốn nước ngoài với sự ưa thích ngày càng tăng của các nhà đầu tư đối với tài sản trú ẩn an toàn. Lãi suất cơ bản tại Mỹ hiện cao hơn 25 điểm cơ bản so với lãi suất cơ bản tại Hàn Quốc.

Đứng trước áp lực kìm hãm lạm phát

Viện Phát triển Hàn Quốc (KDI) nhận định, nền kinh tế xứ kim chi đối mặt nguy cơ suy yếu ngày càng tăng do lạm phát cao và tình hình kinh tế bên ngoài xấu đi, trong khi chi tiêu tiêu dùng và đầu tư doanh nghiệp suy giảm cản đà tăng trưởng Hàn Quốc. Thâm hụt thương mại gia tăng cũng là một nguyên nhân khiến các nhà hoạch định chính sách nước này lo ngại. Xuất khẩu của Hàn Quốc đã chậm lại trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái. Hơn nữa, áp lực lạm phát tăng cao do tình hình bên ngoài xấu đi và có những lo ngại về suy giảm kinh tế do tâm lý tiêu cực của người tiêu dùng và doanh nghiệp, cùng với tăng trưởng xuất khẩu có thể giảm đe dọa làm mất đà tăng trưởng của nền kinh tế Hàn Quốc.

Trước những chỉ số không khả quan của nền kinh tế, Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BOK) dự kiến tiến hành cuộc họp ấn định lãi suất với nhiều dự đoán BOK tiếp tục tăng lãi suất cơ bản thêm 0,25%. Tháng trước, BOK đã tăng lãi suất thêm 0,5%, mức tăng lớn nhất từ trước đến nay để kiềm chế lạm phát. Đây cũng là lần tăng lãi suất thứ 6 của BOK kể từ tháng 8.2021. BOK khẳng định sự cần thiết phải sớm tăng lãi suất lên mức trung tính, mức lãi suất về lý thuyết không có tác dụng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và cũng không gây giảm tốc nền kinh tế, để kiềm chế lạm phát tăng nhanh. Theo các chuyên gia, việc tăng mạnh lãi suất có thể tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế nhưng đây cũng là điều không thể tránh khỏi để đưa các điều kiện kinh tế vĩ mô trung và dài hạn về mức ổn định.

Trong nỗ lực kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, Chính phủ Hàn Quốc đang thực hiện chính sách “thắt lưng buộc bụng” với dự kiến sẽ cắt giảm chi ngân sách vào năm tới. Theo Bộ Tài chính Hàn Quốc, ngân sách năm 2023 sẽ thấp hơn mức 679,5 nghìn tỷ won (520 tỷ USD) của năm nay. Chính phủ cũng đã thành lập ủy ban đặc biệt phụ trách ổn định sinh kế của người dân, với kế hoạch xử lý nhiều dự luật về bất động sản, thuế và các vấn đề khác. Để giảm bớt gánh nặng chi trả hóa đơn năng lượng cho người dân, chính phủ tiếp tục giảm thuế nhiên liệu, theo đó nâng mức cắt giảm thuế đối với tiêu thụ nhiên liệu lên mức giới hạn hợp pháp là 37% từ mức 30% hiện nay. Chính phủ Hàn Quốc cũng quyết định hạ hạn ngạch thuế quan đối với bảy loại nguyên liệu thực phẩm, bao gồm thịt lợn và dầu ăn xuống 0% cho đến cuối năm nay, một trong những biện pháp bình ổn giá hiện hành.

Bên cạnh đó, Chính phủ Hàn Quốc khẳng định, việc khôi phục động lực kinh tế nếu chỉ ngăn chặn lạm phát là không đủ, mà cần tập trung vào việc phục hồi xuất khẩu và tăng cường đầu tư, mở rộng sản xuất để đối phó những bất ổn kinh tế. Các bộ, ngành hỗ trợ toàn diện về tài chính, hậu cần và tiếp thị đã được chỉ đạo để duy trì động lực tăng trưởng của xuất khẩu, trong khi Bộ Tài chính dự kiến đưa ra định hướng tổng thể của chính sách kinh tế và phối hợp thiết lập các kế hoạch ứng phó bằng cách sử dụng các công cụ ngân sách và hệ thống thuế để điều tiết. Hơn nữa, Chính phủ Hàn Quốc cam kết quản lý các rủi ro liên quan đến ngoại hối để bảo đảm không làm tổn hại đến sự lành mạnh tài chính của đất nước, đồng thời cảnh báo rằng sẽ theo dõi chặt chẽ xem liệu có tình trạng đầu cơ trên thị trường tiền tệ trong bối cảnh đồng nội tệ suy yếu mạnh hay không. Việc cảnh báo là điều ít nhất mà chính phủ có thể làm để ngăn chặn đà suy yếu của đồng won.

Như Ý

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/han-quoc-dung-truoc-rao-can-trong-hoi-phuc-kinh-te-i299128/