Hàn Quốc: Hành vi bắt nạt học đường bị lưu vào hồ sơ tuyển sinh đại học
Chính phủ Hàn Quốc và Ủy ban Phòng chống bạo lực học đường đã thông qua một loạt kế hoạch toàn diện để giải quyết vấn nạn bạo lực học đường.
Triển khai các biện pháp nghiêm ngặt hơn để chống bạo lực học đường
Yonhap News đưa tin, tại cuộc họp vào ngày 12/4, Chính phủ Hàn Quốc và Ủy ban Phòng chống bạo lực học đường đã quyết định học sinh có tiền sử bắt nạt bạn ở trường học sẽ bị lưu hành vi này vào hồ sơ tuyển sinh đại học chính quy.
Từ tháng 2/2023, Bộ Giáo dục Hàn Quốc đã yêu cầu tất cả các trường lưu giữ hồ sơ bắt nạt trong 2 năm sau khi thủ phạm tốt nghiệp để tăng cường an toàn trong lớp học. Trước đây, hồ sơ học sinh bị bắt nạt có thể được xóa sau khi tốt nghiệp.
Tuy nhiên, theo quyết định mới của Chính phủ Hàn Quốc, các trường sẽ lưu giữ hồ sơ của những kẻ bắt nạt học đường trong thời gian kéo dài 4 năm sau khi những kẻ phạm tội tốt nghiệp, cho phép các trường đại học xem xét hồ sơ bắt nạt trong quá trình tuyển sinh.
Học sinh có hồ sơ phạm tội bắt nạt học đường sẽ không thể che giấu quá khứ bạo lực của mình và phải đối mặt với các hình phạt trong quá trình tuyển sinh đại học. Để xóa hồ sơ tội ác, yêu cầu bắt buộc là phải có sự đồng ý của nạn nhân.
Theo kế hoạch, một số trường đại học Hàn Quốc sẽ áp dụng các biện pháp mới bắt đầu từ năm học tới.
Bảo vệ nạn nhân của bạo lực học đường
Theo Korea Times, tại cuộc họp, Chính phủ Hàn Quốc cũng thống nhất các biện pháp tăng cường bảo vệ nạn nhân học đường. Những học sinh bị bắt nạt sẽ được đảm bảo an toàn trong lớp học bằng cách ngay lập tức được tách khỏi thủ phạm trong thời gian 7 ngày.
Trước đây, trong các vụ bạo lực học đường đã được xác định, nạn nhân và thủ phạm chỉ bị cách ly trong 3 ngày. Điều này bị chỉ trích là không hiệu quả, đặc biệt nếu thời gian cách ly bắt đầu vào thứ Sáu và kết thúc vào cuối tuần.
Ngoài ra, hiệu trưởng nhà trường có thể đình chỉ học sinh bắt nạt hoặc tách thủ phạm ra khỏi nạn nhân bằng cách chuyển chúng sang một lớp khác theo yêu cầu của nạn nhân.
Bên cạnh đó, các nạn nhân bạo lực học đường cũng sẽ được bảo vệ và chăm sóc tốt hơn trong quá trình phục hồi, ổn định tâm lý, cuộc sống với sự giúp đỡ của các trung tâm hỗ trợ và phòng chống bạo lực học đường (bao gồm các cảnh sát trường học, chuyên gia pháp lý và chuyên gia tư vấn tâm lý).
Những biện pháp mạnh mẽ nhằm ngăn chặn bạo lực học đường tại Hàn Quốc được thúc đẩy sau vụ việc Giám đốc Cơ quan Điều tra quốc gia Hàn Quốc Chung Sun Sin phải xin từ chức ngay sau khi được bổ nhiệm vào tháng 2/2023 vì con trai ông (hiện đang theo học tại Đại học Quốc gia Seoul) vướng cáo buộc bắt nạt bạn bè ở trường trung học vào năm 2017.
Vấn đề nghiêm trọng hơn là sau khi con trai bị Ủy ban Phòng chống bạo lực học đường buộc tội và yêu cầu chuyển đến một ngôi trường khác, ông Chung đã từ chối thừa nhận hành vi sai trái của con mình, sau đó kháng cáo và khởi kiện lên Tòa án Tối cao. Tuy nhiên, ông đã thua kiện.
Sau khi ông Chung từ chức, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã yêu cầu Bộ giáo dục xử lý triệt để nạn bạo lực học đường. Ông nói: “Bạo lực học đường nên bị xóa sổ khỏi tất cả các trường học”.
Bạo lực học đường là vấn nạn nhức nhối, được quan tâm rộng rãi ở Hàn Quốc hiện nay. tại Hàn Quốc. Năm 2022, nước này ghi nhận 62.052 vụ bạo lực học đường, tăng 68,8% so với con số 42.706 của năm 2019.