Hàn Quốc: Ngân hàng lưu động phát huy hiệu quả

Các ngân hàng ở Hàn Quốc đang sử dụng xe buýt và xe tải nhỏ làm chi nhánh lưu động để đáp ứng nhu cầu về dịch vụ ngân hàng trực tiếp khi số lượng chi nhánh ngoại tuyến bị cắt giảm do chi phí cao.

Chi nhánh ngân hàng lưu động của Hana Bank. Ảnh: Hana Bank

Chi nhánh ngân hàng lưu động của Hana Bank. Ảnh: Hana Bank

Ngày 12/2, giới chức trong ngành Hàn Quốc cho biết, ngân hàng nước này đang sử dụng các phương tiện như xe buýt và xe tải nhỏ làm chi nhánh lưu động để đáp ứng nhu cầu về dịch vụ ngân hàng trực tiếp sau khi số lượng chi nhánh ngân hàng ngoại tuyến được cắt giảm do chi phí thuê tăng cao và lượng khách hàng giảm.

Các chi nhánh di động này được trang bị máy ATM và các tiện nghi khác được thiết kế để cải thiện khả năng tiếp cận tài chính cho những khách hàng dễ bị tổn thương, bao gồm cả người lớn tuổi. Họ chủ yếu đến các cơ sở phúc lợi và các khu vực khác có nhiều người cao tuổi.

Ngân hàng KB Kookmin điều hành tổng cộng 8 chi nhánh lưu động, sử dụng 2 xe buýt và 6 xe tải nhỏ. Trong số đó, có 2 xe được chỉ định phục vụ người cao tuổi trong bối cảnh số hóa nhanh chóng. Những chiếc xe tải này thường xuyên đến các trung tâm phúc lợi để cung cấp các dịch vụ tài chính phù hợp với khách hàng cao tuổi. Một viên chức của Ngân hàng Kookmin cho biết: “Chúng tôi bắt đầu dịch vụ vào năm 2022 tại 5 quận của Seoul có dân số cao tuổi, bao gồm Quận Jungnang và mở rộng ra 5 quận ở Incheon vào năm ngoái. Việc mở rộng thêm đang được xem xét dựa trên kết quả thực tiễn”.

Ngân hàng Hana điều hành 6 chi nhánh lưu động, bao gồm một xe buýt chở 45 hành khách. Mỗi xe được phân bổ đến một khu vực được chỉ định để tăng cường sự tiện lợi cho khách hàng, trong đó có một xe chuyên phục vụ cho người lao động nước ngoài.

Một quan chức của Ngân hàng Hana cho biết: "Năm nay, chúng tôi có kế hoạch vận hành một chi nhánh di động mới tập trung vào tiếp thị lương hưu, đi đến những khu vực có khả năng tiếp cận tài chính hạn chế để cung cấp dịch vụ quản lý sản phẩm và tư vấn lương hưu cho những người tham gia lương hưu".

Vị quan chức này lưu ý rằng Ngân hàng Hana cũng có kế hoạch thay thế các phương tiện cũ bằng xe buýt điện chạy bằng hydro, trở thành ngân hàng đầu tiên trong lĩnh vực tài chính trong nước thực hiện như vậy, nhằm góp phần thúc đẩy việc áp dụng các phương tiện thân thiện với môi trường.

Về phần mình, Shinhan Bank vận hành 3 loại xe như vậy - một xe tải lớn, một xe buýt lớn và một xe buýt nhỏ. Woori Bank vận hành 4 xe, bao gồm một xe tải 17 tấn.

Trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán vào tháng trước, các ngân hàng lớn đã vận hành các chi nhánh lưu động tại các trạm dừng chân trên đường cao tốc, cung cấp các dịch vụ như đổi tiền mới (một phong tục phổ biến của người Hàn Quốc là đổi tiền cũ lấy tiền mới để làm quà tặng cho người thân trong gia đình), chuyển tiền và sử dụng ATM, nhằm tạo sự thuận tiện cho du khách đến thăm gia đình và người thân.

Shinhan Bank đã thành lập một chi nhánh lưu động tại Khu dịch vụ Hwaseong ở tỉnh Gyeonggi. Woori Bank đã vận hành một chi nhánh tại Khu dịch vụ Manghyang ở Cheonan, tỉnh Nam Chungcheong. Hana Bank đã có chi nhánh riêng tại khu vực nghỉ ngơi tại một quảng trường ở Seoul vào ngày 24 và 25/1. Ngân hàng Kookmin đã vận hành chi nhánh của mình tại Khu dịch vụ Giheung ở Yongin, Tỉnh Gyeonggi, vào ngày 24/1 từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều.

Một viên chức từ một trong những ngân hàng lớn cho biết: “Các chi nhánh di động mang lại lợi thế là cung cấp dịch vụ ngân hàng cho những cá nhân không được phục vụ đầy đủ với những thách thức về khả năng di chuyển. Tuy nhiên, những chi nhánh như vậy có những hạn chế, vì chúng không thể cung cấp đầy đủ các dịch vụ có sẵn tại các chi nhánh ngân hàng truyền thống. Do bản chất của chúng, các dịch vụ tư vấn tài chính chuyên biệt và dịch vụ cho vay rất khó cung cấp”.

Khi công bố kế hoạch hoạt động đến năm 2025, Cơ quan Giám sát Tài chính Hàn Quốc (FSS) cho biết, họ sẽ khuyến khích các ngân hàng tăng cường việc sử dụng các chi nhánh di động.

Các ngân hàng cam kết sẽ xem xét các kế hoạch hoạt động chi nhánh lưu động hàng năm và triển khai chúng theo quý như một phần trong nỗ lực tăng cường hỗ trợ cho những khách hàng dễ bị tổn thương, làm dấy lên kỳ vọng rằng số lượng và phạm vi dịch vụ các chi nhánh ngân hàng như vậy sẽ được mở rộng dần dần.

Trần Quang (P/v TTXVN tại Hàn Quốc)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/han-quoc-ngan-hang-luu-dong-phat-huy-hieu-qua/362935.html