Hàn Quốc nỗ lực hạ 'cơn sốt' học thêm tốn kém hàng chục tỷ USD
Bộ Giáo dục Hàn Quốc sẽ loại bỏ các câu hỏi hóc búa trong kỳ thi tuyển sinh đại học - những câu hỏi không thể trả lời chỉ bằng kiến thức trong trường học khiến các học sinh buộc phải đi học thêm.
Chính phủ Hàn Quốc mới đây đã công bố một kế hoạch nhằm hạn chế "vấn nạn" học thêm khiến các gia đình tại Xứ sở Kim chi tốn kém hàng chục tỷ USD mỗi năm.
Để hạn chế tình trạng này, Bộ Giáo dục Hàn Quốc cho biết họ quyết định sẽ loại bỏ các câu hỏi siêu khó trong kỳ thi tuyển sinh đại học ở nước này.
Trước đó, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã lên tiếng về việc đề thi tuyển sinh đại học ở nước này bao gồm nhiều câu hỏi nằm ngoài chương trình giảng dạy ở các trường công lập, thậm chí một số câu được liệt vào dạng "hóc búa."
Bộ Giáo dục Hàn Quốc tuyên bố sẽ đảm bảo tính công bằng cho kỳ thi tuyển sinh đại học. Để đạt được mục tiêu này, Hàn Quốc sẽ thiết lập một ủy ban độc lập để lọc ra những “câu hỏi hóc búa,” đánh giá mức độ công bằng của bài kiểm tra.
Những giáo viên tham gia ra đề thi cũng sẽ bị cấm bán bộ câu hỏi, cung cấp các bài giảng hoặc tư vấn thông tin liên quan đến kỳ thi đại học trong khoảng thời gian nhất định.
Ngoài ra, Bộ Giáo dục Hàn Quốc cũng sẽ kiểm soát hệ thống giáo dục tư nhân, tăng cường giám sát hành vi quảng cáo phóng đại, sai sự thật.
Đề thi đại học tại Hàn Quốc hàng năm thường có những câu hỏi siêu khó nhằm chọn ra những học sinh xuất sắc nhất. Các câu hỏi này không thể trả lời chỉ bằng kiến thức trong chương trình giảng dạy tại các trường công lập. Chính vì vậy, phụ huynh và học sinh đã đổ xô đến các trung tâm dạy thêm, còn gọi là Hagwons, bất chấp học phí rất cao.
Theo thống kê, năm 2022, các gia đình ở Hàn Quốc đã chi hơn 20 tỷ USD cho giáo dục tư nhân. Con số này đồng nghĩa với việc trung bình hàng tháng, phụ huynh sẽ chi 320 USD cho mỗi học sinh.
Đáng chú ý, cứ 10 học sinh thì có 8 em học thêm ở các cơ sở giáo dục tư nhân, tham gia vào các trường luyện thi trên khắp đất nước.
Để các con có thể thi đỗ đại học trong và ngoài nước, các bậc phụ huynh Hàn Quốc không tiếc đầu tư cho con học thêm. Tuy nhiên, việc người dân quá tốn kém cho các lớp học thêm, ở các cơ sở giáo dục do tư nhân quản lý, điều hành - được cho là một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ sinh giảm ở quốc gia này.
Hằng năm, có hơn 500.000 học sinh Hàn Quốc tham gia kỳ thi Suneung với thời gian kéo dài đến 9 giờ. Đây là kỳ thi quan trọng, quyết định việc học đại học, nghề nghiệp và thậm chí cả tương lai hôn nhân của học sinh.
Trong hệ thống giáo dục mang nặng tính cạnh tranh của Hàn Quốc, áp lực thành tích đang đè lên vai học sinh. Quốc gia này cũng có số lượng thanh thiếu niên trầm cảm và tỷ lệ tự tử thuộc hàng cao nhất trên thế giới.
Trong lịch sử, Hàn Quốc từng nhiều lần cấm tổ chức học thêm. Năm 1980, cựu Tổng thống Chun Doo-hwan đã ra lệnh cấm tổ chức dạy thêm ngoài giờ học. Mục tiêu của ông là xây dựng môi trường giáo dục công bằng, giảm áp lực tài chính của phụ huynh.
Ý tưởng bình đẳng giáo dục nhận được sự hưởng ứng từ đông đảo người dân cả nước. Cùng năm, chính phủ triển khai ý tưởng đồng phục trong trường học để xóa bỏ sự phân biệt.
Lệnh cấm kéo dài khoảng 10 năm, đến khi sinh viên đại học được phép làm thêm gia sư. Chính phủ cũng cấp phép cho một số tổ chức giáo dục tư nhân. Nhưng việc dạy thêm vẫn được coi là vi phạm pháp luật.
Trong những năm 1990, chính phủ thường xuyên kiểm tra, xử lý nặng giáo viên cố ý dạy thêm, thậm chí một số người đã phải ngồi tù.
Tuy nhiên, kế hoạch của chính phủ không thành công vì tầng lớp giàu có liên tục tìm cách lách luật. Năm 1998, hiệu trưởng Trường Đại học Quốc gia Seoul, cơ sở giáo dục đại học hàng đầu cả nước, bị buộc từ chức vì mở lớp dạy thêm cho con gái.
Đến đầu những năm 2000, tòa án Hàn Quốc đã dỡ bỏ lệnh cấm dạy thêm sau khi phán quyết rằng lệnh này vi phạm quyền giáo dục cá nhân.
Dù vậy, chính phủ không cho phép các trung tâm dạy thêm thu học phí quá cao. Khoảng 10 năm trước, cựu Tổng thống Lee Myung-bak ra quy định các trung tâm dạy thêm không được mở cửa sau 10 giờ tối để học sinh được ngủ đủ giấc.
Tuy nhiên, các chuyên gia giáo dục tại Hàn Quốc thừa nhận lệnh cấm dạy thêm không phải cách giải quyết tốt nhất cho tình trạng này. Người dân Hàn Quốc đã, đang và sẽ tiếp tục bỏ ra các khoản tiền lớn cho việc học tập của con cái./.