Hàn Quốc quan tâm cải thiện chất lượng cuộc sống cho người cao tuổi

Trong xã hội hiện đại, 'chết trong cô độc' được xem là điều vô cùng đáng sợ. Dù là thanh niên độc thân hay người già neo đơn, viễn cảnh bản thân qua đời mà không ai biết thực sự đáng buồn.

Người cao tuổi tại Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN

Người cao tuổi tại Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, thống kê của Viện Y tế và Xã hội Hàn Quốc (KIHASA) cho thấy có 2,1 triệu người trong số 9,5 triệu người từ 65 tuổi trở lên ở nước này sống một mình. Cuộc sống tách biệt với xã hội, không nhận được sự quan tâm và chế độ ăn uống không đảm bảo đang có nguy cơ khiến nhiều người cao tuổi qua đời trong cô độc.

"Chết trong cô độc" được xác định là trường hợp một người qua đời một mình sau khi mất liên lạc với bạn bè hoặc gia đình và thi thể của người đó không được phát hiện trong ít nhất 3 ngày. Báo cáo do KIHASA công bố gần đây chỉ ra rằng dường như có sự liên quan chặt chẽ giữa những trường hợp "chết trong cô độc" và thói quen ăn uống ở người cao tuổi.

Theo báo cáo, trong số các nhóm có nguy cơ cao qua đời trong cô đơn, 63,4% chỉ ăn một bữa mỗi ngày, trong khi tỷ lệ này là 19,3% đối với nhóm có nguy cơ trung bình và 6,2% đối với nhóm có nguy cơ thấp. Sự suy giảm các mối quan hệ xã hội, sự biến mất của các phong tục tập quán như ăn cùng nhau hoặc chia sẻ thức ăn với hàng xóm khiến người cao tuổi cảm thấy cô đơn và bị cô lập.

Chính phủ Hàn Quốc đã nhận thức rõ vấn đề này. Tổng thống Yoon Suk Yeol cam kết sẽ mở rộng các trung tâm được chính phủ tài trợ dành cho người cao tuổi, nơi họ có thể tăng cường các hoạt động cộng đồng như tham gia các bữa ăn chung để tạo cơ hội giao lưu và kết nối. Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc (MOHW) đã công bố kế hoạch tăng dần số ngày phục vụ bữa ăn tại 58.000 trung tâm dành cho người cao tuổi, từ 3 - 4 ngày/tuần lên 5 ngày/tuần.

Giới chức trong các lĩnh vực y tế, phúc lợi và bình đẳng giới tại Cơ quan Nghiên cứu của Quốc hội Hàn Quốc đã nhấn mạnh những lợi ích về thể chất và tinh thần của các bữa ăn dinh dưỡng ở tuổi già. Họ cho rằng điều cần thiết là tận dụng nhiều cơ sở hạ tầng khác nhau như trung tâm cộng đồng hoặc nhà hàng địa phương và phát triển các dịch vụ cụ thể theo khu vực như ăn uống cộng đồng, cung cấp nguyên liệu thực phẩm và hỗ trợ mua sắm hàng tạp hóa. Điều này sẽ giúp người cao tuổi dễ dàng tìm kiếm những cách thức khác nhau để cùng nhau ăn uống và tương tác với mọi người dựa trên nhu cầu và hoàn cảnh của họ.

Việc đảm bảo người cao tuổi có thể duy trì sức khỏe thể chất và tinh thần không chỉ giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của họ mà còn giảm chi phí chăm sóc y tế nói chung trong xã hội. Một bữa ăn ngon có thể có ý nghĩa rất lớn, đặc biệt là đối với người cao tuổi.

Trần Quang (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/han-quoc-quan-tam-cai-thien-chat-luong-cuoc-song-cho-nguoi-cao-tuoi-20240808150032372.htm