Hán Sở tranh hùng: Bỏ lỡ nhân vật này Hạng Vũ mất cơ hội thống nhất Trung Hoa
Tây Sở Bá Vương Hạng Vũ dù được đánh giá cao hơn hẳn Lưu Bang về tài năng cũng như nhân cách, thế nhưng việc không trọng dụng Hàn Tín khiến Hạng Vũ đã thất bại dưới tay Hán Cao Tổ.
Trong lịch sử Trung Hoa, võ tướng tài ba quả là nhiều không đếm xuể. Nhưng nhân vật được đánh giá là danh tướng "thiên cổ vô nhị" lại chỉ có duy nhất một người. Đó chính là Tây Sở Bá Vương Hạng Vũ.
Hạng Vũ được mệnh danh là danh tướng bậc nhất trong lịch sử Trung Quốc. Năm 25 tuổi, ông thống lĩnh quân lính chống nhà Tần. Năm 26 tuổi, ông đã xưng danh Tây Sở Bá Vương, tự mình phân định thiên hạ. Chiến công hiển hách và nổi tiếng nhất của Hạng Vũ chính là lật đổ nhà Tần.
Nhắc tới tên tuổi của Tây Sở Bá Vương, hậu thế giờ đây vẫn thường truyền tai nhau nhiều giai thoại về cuộc chiến nổi tiếng và quan trọng nhất cuộc đời ông. Đó chính là chiến tranh Hán – Sở tranh hùng, cũng là ván cờ quân sự quyết định sự thành bại của Hạng Vũ trước đối thủ Lưu Bang.
Mặc dù được đánh giá cao hơn hẳn Lưu Bang về tài năng cũng như nhân cách, thế nhưng việc Hạng Vũ đã thất bại dưới tay Hán Cao Tổ và bỏ mạng bên dòng sông Ô Giang vẫn là một sự thật lịch sử không thể thay đổi. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng nếu Tây Sở Bá Vương Hạng Vũ trọng dụng Hàn Tín thì có lẽ lịch sử đã đi theo một chiều khác.
Những năm cuối của triều đại nhà Tần, thiên hạ đại loạn, các lộ quần hùng đua nhau quật khởi, Hàn Tín gia nhập vào quân đội Hạng Lương khởi nghĩa. Sau khi Hạng Lương chết, Hàn Tín quy thuận Hạng Vũ, vì là người có võ công tinh nghệ cho nên được đảm nhiệm vị trí Kích Lang Trung.
Trước khi tham gia vào quân đội, Hàn Tín từng phải chịu nhục chui háng đây là câu chuyện nói lên tâm đại nhẫn của bậc đại trí mà không phải người bình thường nào cũng làm được.
Thời ấy, gia cảnh bần cùng, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc nhưng chí hướng của Hàn Tín đặt ở nơi cao xa, ông rất giỏi võ và thường đeo bên mình một thanh bảo kiếm.
Trong thành Hoài Âm có một kẻ vô lại là con trai của một người đồ tể, kẻ vô lại này rất ngang ngược, thường hay bắt nạt người khác. Một lần vì muốn hạ nhục Hàn Tín nên hắn ta đã ở nơi đông người mà chặn đường ông.
Kẻ vô lại nói: “Ngươi khoác kiếm làm gì? Ngươi dám sát nhân không? Ngươi dám sát nhân thì chặt đầu của ta xem. Nếu ngươi không dám sát nhân thì ngươi chui háng ta mà đi”.
Đối mặt với sự khiêu khích đột nhiên xảy đến này, Hàn Tín không hề sợ hãi mà nhìn thẳng vào kẻ vô lại thật lâu. Hàn Tín biết mình có thể hạ gục tên vô lại nhưng cũng biết mình sẽ phải trả giá bằng mạng sống nếu giết hắn. Vì vậy cuối cùng thay vì chứng tỏ tài nghệ của mình, ông quyết định chui háng tên vô lại bất chấp mọi người xung quanh cười nhạo.
Sau này, Hàn Tín thường dùng sự việc này để nhắc nhở mình, làm động lực thực hiện hoài bão. Nói lên tâm đại nhẫn của bậc đại trí. Đó là một tính cách quan trọng của bậc trượng phu nếu muốn dựng nghiệp lớn trong đời.
Ở trong quân của Hạng Vũ, Hàn Tín có nhiều cơ hội được tiếp cận và nhiều lần tiến cử mưu lược của mình cho Hạng Vũ, tuy nhiên Hạng Vũ lại không nhìn ra tài năng của ông, nên cũng không trọng dụng. Nhà Tần sụp đổ, Hạng Vũ đứng đầu chư hầu, phân phong cho các tướng và vua chư hầu. Lưu Bang bị Hạng Vũ tranh công vào Quan Trung, đẩy vào đất Thục xa xôi hiểm trở, phong làm Hán Vương.
Hàn Tín cho rằng dẫu có ở lại bên Hạng Vũ thì cũng chẳng có tiền đồ, nên khi Lưu Bang tiến vào đất Thục, Hàn Tín đã rời quân Sở sang đầu quân cho Lưu Bang dưới sự tiến cử của Trương Lương.
Tiếc thay, sang đầu quân cho Lưu Bang, Hàn Tín vẫn không được trọng dụng nên chỉ giữ chức quan nhỏ trông coi lương thảo. Sau này Hàn Tín gặp Tiêu Hà, là người thân tín của Lưu Bang. Chỉ sau vài lần gặp mặt nói chuyện, Tiêu Hà đã phát hiện sở học kỳ tài của Hàn Tín, biết rằng tài năng của ông khó ai sánh được.
Hàn Tín cứ tưởng Lưu Bang sẽ trọng dụng nhưng sau rất nhiều ngày tại Hán Trung, vẫn không có người để mắt đến, ông đành ôm nỗi thất vọng rời đi. Tiêu Hà ý thức được rằng, nhà Hán không thể để mất một kỳ tài như vậy. Vì thế khi nghe tin Hàn Tín bỏ doanh trại mà đi, Tiêu Hà bất kể đêm hôm phi ngựa đuổi theo, đây cũng là khởi nguồn của điển tích “Tiêu Hà dưới trăng truy đuổi Hàn Tín”. Vì cấp bách nên Tiêu Hà không kịp bẩm báo Lưu Bang mà vội vàng lấy ngựa đi gấp trong đêm, khiến Lưu Bang hiểu nhầm Tiêu Hà bỏ trốn.
Đương thời, vì hoàn cảnh khó khăn, cuộc sống binh lính khổ cực nên rất nhiều binh sĩ đều đào ngũ. Lưu Bang thấy Tiêu Hà không từ mà biệt nên giật mình thất sắc, cho rằng đến người thân cận với mình như Tiêu Hà cũng bỏ đi thì biết phải làm sao? Nhưng sau đó Tiêu Hà đã đem Hàn Tín trở lại doanh trại và nói với Lưu Bang: “Nếu như ngài chỉ làm một Hán Trung vương, vậy thì tại hạ đem Hàn Tín về là việc dư thừa. Nhưng nếu như ngài muốn xưng bá thiên hạ, vậy Hàn Tín chính là một bậc tướng tài không thể không có”.
Lưu Bang nghe theo kiến nghị của Tiêu Hà, nhờ đó Hàn Tín nắm quyền thống soái quân đội Lưu Bang - ở đây không thể không khen ngợi sự thông minh, khéo léo và con mắt nhìn người của Tiêu Hà. Cũng kể từ đó, lịch sử đã viết nên truyền kỳ về một Hàn Tín đánh đâu thắng đó, uy danh thiên cổ, giúp nhà Hán giành lấy giang sơn.
Hàn Tín (231 - 196 TCN), là một trong những vị tướng lỗi lạc của Trung Quốc, người đã có công lớn trong việc thiết lập triều đại nhà Hán. Ông được người đời công nhận là một chiến lược gia quân sự tài ba, bất khả chiến bại, được xem là một trong “tam kiệt” của nhà Hán cùng với Tiêu Hà và Trương Lương. Hàn Tín có công rất lớn giúp Hán Cao Tổ Lưu Bang đánh bại Hạng Vũ lập nên nhà Hán kéo dài 400 năm.