Việc cho ngừng hoạt động một chủng loại máy bay chiến đấu luôn là "cuộc chiến khốc liệt" giữa Không quân Mỹ và Quốc hội, vốn bao gồm nhiều nghị sĩ luôn chỉ trích những ý tưởng như vậy.
Gần đây, Lầu Năm Góc đã đưa ra một phiên bản thỏa hiệp của Dự luật chính sách quốc phòng trị giá 874,2 tỷ USD nhằm đệ trình Quốc hội.
Vào năm tới, Không quân Mỹ (USAF) cuối cùng có thể thực hiện kế hoạch cho nghỉ hưu một số máy bay chiến đấu khác nhau, nhưng đồng thời cũng tồn tại những quan điểm mà đề xuất sẽ một lần nữa không thể được thông qua.
Như tờ Defense News đưa tin, USAF đã giành được quyền loại bỏ thêm 42 máy bay tấn công A-10 của mình, phải nhắc lại rằng lực lượng này đã đấu tranh từ lâu về vấn đề trên với Quốc hội Mỹ.
Cuối cùng Không quân Mỹ đã được phép "chào tạm biệt" 21 máy bay, chiếc cường kích A-10 đầu tiên thuộc nhóm này đã được đưa đến "nghĩa địa" vào tháng 4 năm nay.
Nhìn chung, Quân đội Mỹ có kế hoạch loại bỏ tất cả các máy bay tấn công A-10 của mình trong vòng 5 - 6 năm tới - tức là vào năm 2028 - 2029. Tuy nhiên, ngay cả 63 máy bay (21 + 42) đã được công bố cũng sẽ không thể về đích đúng hạn.
Bởi vì trước tiên Không quân phải giải thích trước Quốc hội về cách họ sẽ thực hiện vai trò yểm trợ hỏa lực trên không trực tiếp và các nhiệm vụ khác mà không cần sử dụng máy bay A-10.
Theo kế hoạch đã thống nhất, phi đội máy bay tấn công A-10 của Mỹ sẽ giảm xuống còn 218 chiếc, trong khi phi đội tiêm kích F-15C/D cũng được cắt bỏ thêm 57 phi cơ (xuống còn 92 chiếc), điều này cũng khiến cho Không quân Mỹ phải nỗ lực lấp lỗ hổng.
Nếu vấn đề với A-10 đã tạm giải quyết xong thì Không quân Mỹ chưa thể vượt qua Quốc hội về vấn đề ngừng hoạt động cùng lúc 32 tiêm kích F-22 phiên bản Block 20, và đây là năm thứ hai liên tiếp các nghị sĩ từ chối giải quyết vấn đề này.
Tình huống với những chiếc F-22 hóa ra như sau - Không quân Mỹ tuyên bố rằng tất cả 32 máy bay không còn đủ khả năng hoạt động, chúng chỉ phù hợp để huấn luyện, tốt hơn là nên loại bỏ và chuyển tiền cho dự án tiêm kích NGAD thế hệ thứ sáu.
Mặc dù vậy cũng có ý kiến trái ngược ở đây, xoay quanh việc sử dụng những chiếc F-22 này để huấn luyện, khi cho rằng đây không phải là một kịch bản tối ưu.
Bởi vì nếu chúng bị loại bỏ thì các tiêm kích khác từ phi đội F-22 làm nhiệm vụ trực chiến vốn có quy mô không quá lớn sẽ phải đưa tới trường huấn luyện nhằm đào tạo phi công, trong khi Raptor có những tính năng mà F-35 chưa sẵn sàng thay thế.
Quay trở lại với những chiếc cường kích A-10, ngoài nhận định chúng sẽ được đưa tới "nghĩa địa máy bay" là căn cứ Davis-Monthan tại sa mạc Arizona thì còn một đích đến đầy tiềm năng khác.
Những chiến đấu cơ này rất có thể sẽ được Mỹ mang đi viện trợ cho đồng minh nhằm tránh chi phí bảo quản khá tốn kém, đồng thời còn "ghi sổ nợ" được cho đối tác.
Đích đến của cường kích A-10 sau khi loại biên không còn nơi nào phù hợp hơn Ukraine, khi chính quyền Kyiv từ lâu đã yêu cầu chiếc chiến đấu cơ này nhằm thay thế phi đội Su-25 đã bị tổn thất nặng nề.