Hàng chục ngàn cửa hàng bán lẻ tại Đức trên bờ vực phá sản
DW ngày 3/10 đưa tin, Hiệp hội Bán lẻ Đức (HDE) cho biết, khoảng 16.000 cửa hàng bán lẻ tại nước này đang trên bờ vực phá sản do chi phí năng lượng tăng phi mã. HDE đồng thời cảnh báo xu hướng tiêu cực ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng năng lượng có thể sẽ tiếp tục kéo dài sang năm 2023.
Theo thư kiến nghị của HDE gửi Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck, việc giá năng lượng ở Đức tăng phi mã, trung bình 147% kể từ đầu năm 2022 đang khiến các nhà bán lẻ gần như không thể kiếm được lợi nhuận.
HDE nêu rõ, với tình hình hiện tại, nếu kinh doanh quần áo, lợi nhuận hoạt động tính theo phần trăm doanh thu là 2,1%, đối với giày dép và thực phẩm hiện lần lượt ở mức -1,2% và 2 - 4%. Trong khi đó, tỷ trọng chi phí điện trong sản lượng bán hàng của các nhà bán lẻ đã đạt trung bình gần 3% và dự kiến con số này sẽ tăng lên 5% vào năm 2023.
Thực tế này cộng với việc sức mua của các hộ gia đình giảm sút và lạm phát tăng kỷ lục, đang khiến khoảng 16.000 cửa hàng bán lẻ đứng trước nguy cơ phá sản. HDE kêu gọi chính phủ Đức can thiệp bằng cách tạm thời hạn chế thuế quan và cắt giảm thuế điện xuống mức tối thiểu.
Hồi tháng 8 vừa qua, Phó Thủ tướng Habeck cũng thừa nhận rằng mô hình kinh tế của nước này trong nhiều năm qua đã phụ thuộc nhiều vào nguồn năng lượng giá rẻ nhập từ Nga và mô hình này sẽ trở thành "dĩ vãng" sau khi Moscow mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Theo Cơ quan Kiểm kê Kho trữ Khí đốt châu Âu (AGSI), tính đến hết ngày 20/9, các kho dự trữ khí đốt ở Đức đã được lấp đầy hơn 90%. Hiện chính phủ Đức đang lên kế hoạch tiếp tục bổ sung tới 95% công suất các kho chứa vào tháng 11, đủ để Đức vượt qua mùa Đông mà không cần nhập khẩu khí đốt của Nga.
Ngoài việc mùa khí đốt tự nhiên thông qua các đường ống từ Na Uy, Hà Lan, Bỉ, Đức mới đây đã ký hợp đồng mua khí đốt hóa lỏng (LNG) dài hạn từ Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE).