Hàng giả bán 'đính kèm' hàng thật trên kênh thương mại truyền thống

Trên kênh thương mại truyền thống, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) được bán với thủ đoạn ngày càng tinh vi như: số lượng hàng hóa vi phạm không lớn hoặc bán 'đính kèm' với hàng 'chuẩn'.

Các lọ thuốc để đựng thuốc giả tại cơ sở thuộc huyện Chương Mỹ, Hà Nội

Các lọ thuốc để đựng thuốc giả tại cơ sở thuộc huyện Chương Mỹ, Hà Nội

Ban chỉ đạo 389 quốc gia cho biết, tại các trung tâm thương mại, chợ đầu mối, chợ truyền thống địa phương, hộ kinh doanh tạp hóa khu vực trung tâm tỉnh, thành phố, người tiêu dùng cũng không mấy khó khăn để tìm mua các loại hàng hóa có dấu hiệu giả nhãn hiệu, xâm phạm quyền SHTT.

“Chỉ khác, tại mỗi gian hàng, cửa hàng số lượng hàng hóa không lớn, hàng hóa có tính chất đại trà, mỗi loại, mỗi thương hiệu có một vài chiếc với mục đích bán kèm hàng chính ngạch đáp ứng một phần nhu cầu người tiêu dùng.

Dù vậy, vẫn có một số thương nhân vẫn nhập và tiêu thụ với số lượng lớn nhưng cất giấu nơi khác, không trưng bày để bán mà nhằm mục đích luân chuyển hàng hóa về các địa phương vùng sâu, vùng xa, nơi thương mại điện tử chưa đáp ứng được do hệ thống giao nhận, ship hàng còn hạn chế”- đại diện Ban chỉ đạo 389 quốc gia cho hay.

Về nhóm hàng thường bị làm giả bán trên kênh thương mại truyền thống, đại diện Ban chỉ đạo 389 quốc gia cho biết, đó là: Thời trang, phụ kiện thời trang, giầy dép, túi ví, mỹ phẩm.

Song đáng chú ý, vẫn không loại trừ các sản phẩm là thực phẩm chức năng, thuốc tân dược là nhóm hàng có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng là hàng giả nhưng chính chủ hàng cũng không biết.

Bên cạnh các mặt hàng gia dụng, thời trang, mỹ phẩm được người tiêu dùng ưa chuộng vì giá thành rẻ, mẫu mã bắt mắt, còn có nhóm hàng hóa chuyên ngành bị làm giả, xâm phạm quyền SHTT đang lưu thông trên thị trường như: vật liệu xây dựng (ngành thép, ngành tôn, ngành sơn), phụ tùng xe gắn máy các loại cũng lưu thông trong thị trường ngày một nhiều, nhóm hàng đồ uống có cồn, nước giải khát các loại cũng rất phổ biến.

Trong hoạt động thương mại truyền thống, ngoài việc trực tiếp kinh doanh, buôn bán, vận chuyển hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT ra, một số đối tượng vì lợi nhuận đã trực tiếp tổ chức sản xuất hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT sau đó đưa ra thị trường tiêu thụ.

Một số vụ việc điển hình trong khoảng 1 năm qua là: ngày 13-7-2023, Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an TPHCM) tạm giữ Quách Ngọc Giao cùng nhiều người khác để điều tra về hành vi sản xuất, mua bán tân dược giả.

Trong vụ việc này, các trinh sát đã thu giữ một thùng carton chứa 300 hộp thuốc Fugacar để giao cho Tăng Chí Đức (56 tuổi, trú tại quận 11, TP Hồ Chí Minh). Sau đó, đối tượng Giao thuê Tâm sản xuất tân dược giả nhãn hiệu Becozyme, Laroscorbine với giá 3.000 đồng/hộp. Ngoài ra, Tâm cũng là đầu mối tiêu thụ thuốc giả do Giao cung cấp.

Vụ việc cũng phát hiện các nhãn thuốc tân dược giả khác bị phát hiện thu giữ gồm; thuốc giả nhãn hiệu Enat, Tanganil 500mg, Asmacort, thuốc Terneurine H.5000, Voltaren.

Ngày 26-12-2023, Đội QLTT số 25, Cục QLTT TP Hà Nội phối hợp với Đội Cảnh sát kinh tế, Công an huyện Chương Mỹ bất ngờ kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh nằm trên địa bàn thôn Phượng Nghĩa, xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội. Cơ sở này là trang trại nuôi gà trước đây.

Tuy nhiên, thời điểm kiểm tra, địa điểm trên được sử dụng làm cơ sở sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm, thực phẩm chức năng với nhiều nhãn hiệu nổi tiếng, được ưa chuộng trên thị trường.

Kiểm tra tại hiện trường, lực lượng chức năng phát hiện một lượng lớn sản phẩm là mỹ phẩm dạng kem dưỡng, serum, mặt nạ dưỡng da, thực phẩm chức năng phục vụ nhu cầu làm đẹp, được dán nhãn, tem là thương hiệu nước ngoài xuất xứ Australia, Korea, các nhãn hiệu như: Ronas, Ultra-V, Vitamin E, Gamma, Royal retinol… có dấu hiệu giả mạo nguồn gốc, xuất xứ với khối lượng lên tới 40 tấn.

Theo Ban chỉ đạo 389 quốc gia, phương thức thủ đoạn sản xuất, buôn bán, vận chuyển hàng giả cũng ngày càng tinh vi. Để ngăn chặn hàng giả, hàng xâm phạm SHTT, bên cạnh việc tăng cường kiểm tra, xử lý của lực lượng chức năng, người dân cũng cần nâng cao nhận thức, chỉ tiêu thụ hàng chính hãng.

Cùng với đó, doanh nghiệp sản xuất trong nước cũng cần nâng cao chất lượng sản phẩm, đưa ra mức giá bán hợp lý và có cách tiếp cận người tiêu dùng phù hợp.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/hang-gia-ban-dinh-kem-hang-that-tren-kenh-thuong-mai-truyen-thong-post579897.antd