Hàng giá rẻ Trung Quốc tràn ngập thế giới, căng thẳng thương mại tăng cao
Do cung lớn hơn cầu trong nước, Trung Quốc buộc phải xuất khẩu hàng hóa có giá thành rẻ ra nước ngoài dẫn đến căng thẳng với các đối tác thương mại thế giới.
Các nhà máy Trung Quốc được cho là đang sản xuất nhiều thép, ô tô và tấm pin mặt trời hơn mức nền kinh tế vốn đang chậm lại của nước này có thể sử dụng. Điều đó buộc các mặt hàng giá rẻ "Made in China" (Sản xuất tại Trung Quốc) cần phải xuất khẩu sang thị trường nước ngoài.
Theo CNN, tình trạng dư cung hàng hóa Trung Quốc trong các ngành công nghiệp chủ chốt cũng dẫn đến căng thẳng giữa nhà sản xuất lớn nhất thế giới và các đối tác thương mại lớn, bao gồm Mỹ và Liên minh châu Âu (EU). Thặng dư thương mại hàng hóa toàn cầu của quốc gia này đã tăng vọt và hiện đạt gần 1.000 tỷ USD.
Mỹ và EU đang lo ngại về khả năng Trung Quốc “bán phá giá” - tức là xuất khẩu hàng hóa với giá thấp một cách có chủ đích - trong đó xe điện là một trong những sản phẩm điển hình.
Jens Eskelund, Chủ tịch Phòng Thương mại EU tại Trung Quốc, cho biết: “Châu Âu không thể chấp nhận việc các ngành công nghiệp có tính chiến lược đang cấu thành cơ sở công nghiệp bị định giá ngoài thị trường”.
Dù vậy, Trung Quốc vẫn cần tăng cường xuất khẩu như một biện pháp quan trọng để vực dậy nền kinh tế đang phải vật lộn với tình trạng khủng hoảng bất động sản kéo dài, chi tiêu hộ gia đình yếu, dân số suy giảm và nhiều vấn đề khác.
Bắc Kinh hiện đặt trọng tâm vào xuất khẩu có giá trị cao hơn sau khi đầu tư hàng tỷ USD vào ngành sản xuất tiên tiến. Tuy nhiên, động thái này dường như diễn ra không đúng lúc khi bối cảnh kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm hơn, đồng thời người tiêu dùng phương Tây đang dần chuyển từ chi tiêu mua sắm hàng hóa sang nhu cầu về du lịch và giải trí.
Bên cạnh đó, động thái cũng đi ngược lại với lại những chính sách thúc đẩy của châu Âu và Mỹ nhằm mục đích giảm phụ thuộc vào Trung Quốc, gia tăng sản xuất nội địa cũng như tạo cơ hội việc làm. Có thể kể đến các đạo luật đã được thông qua như Công nghiệp Net-Zero (EU) và Đạo luật Giảm lạm phát (Mỹ).
Ông Eskelund cho biết: “Châu Âu chắc chắn không ngồi yên chứng kiến quá trình phi công nghiệp hóa ngày càng tăng tốc, do nhu cầu tiêu thụ hàng hóa nội địa thấp ở Trung Quốc dẫn đến gia tăng xuất khẩu”.
Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, giá xuất khẩu của nước này đang ở mức thấp nhất kể từ năm 2009, trong bối cảnh phương Tây đang quay cuồng vì cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Trong khi đó, thặng dư thương mại hàng hóa của Trung Quốc đã tăng hơn gấp đôi kể từ khi xảy ra đại dịch COVID-19, theo Brad W. Setser, thành viên cấp cao tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Mỹ. Năm 2019, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới xuất khẩu hàng hóa ước tính nhiều hơn 400 tỷ USD so với nhập khẩu. Đến năm 2023, thặng dư đã tăng vọt lên mức 900 tỷ USD.
Đa dạng các ngành hàng
Hoạt động xuất khẩu hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc tăng mạnh sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2001. Nền kinh tế và vị thế của nước này với tư cách là một "công xưởng" của thế giới cũng tăng trưởng đáng kể kể từ thời điểm đó.
Sau khi chinh phục ngành sản xuất quần áo và điện tử tiêu dùng, Trung Quốc hiện đang thống trị xe điện, tấm pin mặt trời và tua-bin gió, những ngành được coi là có tầm quan trọng chiến lược ở châu Âu và Mỹ khi họ tìm cách xanh hóa nền kinh tế và giảm thiểu ô nhiễm trong bối cảnh trái đất nóng lên.
Các nhà sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời của châu Âu gần như đã bị "xóa sổ" bởi sự cạnh tranh của Trung Quốc, và kịch bản tương tự cũng đe dọa ngành công nghiệp điện gió của châu lục này.
Markus W. Voigt, Giám đốc điều hành của Aream Group, tập đoàn quản lý tài sản chuyên về năng lượng tái tạo, cho biết: "Các công ty châu Âu có thể tụt hậu so với (nhà sản xuất Trung Quốc) Goldwind, vốn đã chào bán tua-bin với giá thấp hơn nhiều so với các nhà sản xuất châu Âu uy tín".
Trong ba tháng cuối năm 2023, BYD của Trung Quốc đã vượt qua Tesla để trở thành hãng bán xe điện nhiều nhất trên toàn thế giới, đánh dấu mức tăng trưởng vượt trội của nhà sản xuất ô tô được Warren Buffett hậu thuẫn.
So với Tesla, xe của BYD có giá cả phải chăng hơn và điều này giúp hãng thu hút được nhiều người mua hơn. Mẫu xe cơ bản của họ được bán ở Trung Quốc với giá tương đương dưới 10.000 USD. Trong khi đó, chiếc xe Tesla rẻ nhất là Model 3, có giá gần 39.000 USD.
Ông Brad W. Setser cho biết, bên cạnh “tăng cường xuất khẩu xe điện”, Trung Quốc sản xuất 80% tấm pin mặt trời trên thế giới và nhiều tua-bin gió so với hầu hết các quốc gia khác.
“Chính sách của Trung Quốc tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao năng lực trong lĩnh vực sản xuất tiên tiến, như một động lực chính cho tăng trưởng trong tương lai”, ông cho hay.
Đầu tháng này, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường phát biểu trước Quốc hội Trung Quốc rằng chính phủ sẽ đẩy mạnh xuất khẩu “bộ ba sản phẩm mới”, gồm xe điện, pin lithium và tấm pin mặt trời.
Ông Jens Eskelund từ Phòng Thương mại EU cho biết tổ chức này đang chứng kiến “tình trạng dư thừa năng lực trên mọi lĩnh vực” ở Trung Quốc, dù trong sản xuất hóa chất, kim loại hay xe điện.
Căng thẳng thương mại gia tăng
Theo CNN, Chính phủ Trung Quốc nhận thức được vấn đề dư thừa công suất của đất nước và lần đầu tiên sau một thập kỷ thừa nhận "đây là một vấn đề" tại cuộc họp thường niên của các quan chức cấp cao vào tháng 12/2023.
Tuy nhiên, trước khi diễn ra Diễn đàn Phát triển Trung Quốc được tổ chức vào cuối tháng 3 vừa qua, một số cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc đã đăng tải các bài xã luận, phản bác rằng tình trạng dư cung của nước này gây ra mối đe dọa cho các nền kinh tế khác.
Tờ Tân Hoa Xã viết: “Thứ Trung Quốc xuất khẩu là năng lực sản xuất tiên tiến, đáp ứng nhu cầu của khách hàng nước ngoài”.
Tuy nhiên, Washington và Brussels có quan điểm khác. Tổng thống Mỹ Joe Biden mới đây cam kết sẽ điều tra xem liệu việc nhập khẩu xe Trung Quốc có gây ra mối đe dọa an ninh quốc gia hay không.
Ông Biden cho biết trong một tuyên bố vào tháng trước: “Một ngành công nghiệp ô tô năng động có ý nghĩa sống còn đối với nền kinh tế Mỹ. Trung Quốc quyết tâm thống trị tương lai của thị trường ô tô, bao gồm cả việc thực hiện các hành động không công bằng. Các chính sách của Trung Quốc có thể khiến phương tiện của họ ngập tràn trên thị trường của chúng tôi, gây ra lo ngại về an ninh quốc gia”.
Trong khi đó, EU đang xem xét sự hỗ trợ của chính phủ Trung Quốc dành cho các nhà sản xuất xe điện, điều mà họ nghi ngờ có thể giúp các công ty này giữ mức giá siêu thấp, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh với các đối thủ châu Âu.
Các quan chức EU cũng đang xem xét liệu các biện pháp hiện hành để bảo vệ ngành thép châu Âu nên được gia hạn hay điều chỉnh hay không, cũng như điều tra các cáo buộc về việc bán phá giá dầu diesel sinh học của Trung Quốc, sau khiếu nại của các nhà sản xuất của khu vực này. Diesel sinh học là nguồn năng lượng tái tạo thay thế cho nhiên liệu hóa thạch được sử dụng trong lĩnh vực vận tải của EU.
Tháng 12/2023, Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan điều hành của EU, cho biết họ có thể áp thuế đối với dầu diesel sinh học nhập khẩu từ Trung Quốc nếu việc bán phá giá được xác nhận.
Về phần mình, Trung Quốc dường như đang có động thái đáp trả. Tuần này, họ thông báo đã nộp đơn khiếu nại lên WTO để phản đối “các chính sách trợ cấp phân biệt đối xử” đối với xe điện theo Đạo luật Giảm lạm phát của Mỹ. Đầu năm nay, Bắc Kinh cũng đã mở cuộc điều tra chống bán phá giá đối với rượu mạnh nhập khẩu từ EU.
Theo chuyên gia Jennifer McKeown, nhà kinh tế trưởng toàn cầu tại Capital Economics, nếu có một điểm tích cực nào đó về ảnh hưởng của Trung Quốc đối với thương mại toàn cầu, đó là việc "sẽ giúp kiểm soát giá hàng hóa và lạm phát tổng thể ở các nền kinh tế tiên tiến trong năm nay".
“Nhưng điều quan trọng hơn, tình trạng dư cung kéo dài và giá hàng hóa Trung Quốc thấp sẽ làm gia tăng căng thẳng địa chính trị, đồng thời xuất hiện các mối đe dọa về thuế quan và thuế quan đối kháng”, bà McKeown nói và cho rằng tất cả điều này "sau cùng có thể làm gia tăng lạm phát trong những năm tới".