Hãng hàng không của ông Johnathan Hạnh Nguyễn muốn mua 10 tàu bay chở hàng dù chưa được cấp phép
Hãng bay IPP Air Cargo của ông Johnathan Hạnh Nguyễn đang có kế hoạch ký bản ghi nhớ mua 10 tàu B777 Freighter trị giá 3,5 tỷ USD với Boeing
Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương Johnathan Hạnh Nguyễn vừa có văn bản gửi Thủ tướng về 45 dự án trọng điểm của công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (IPPG). Trong đó ông tiếp tục đề xuất với Thủ tướng quan tâm, hỗ trợ thành lập hãng bay chở hàng IPP Air Cargo và hệ thống kho hàng phân phối trung tâm hậu cần Bellazio Logistics.
Bài liên quan
Cục Hàng không từ chối đề nghị lập hãng bay của “vua hàng hiệu” Johnathan Hạnh Nguyễn
“Vua hàng hiệu” Johnathan Hạnh Nguyễn lập hãng bay đúng lúc thị trường khó khăn, vì sao?
'Ông trùm hàng hiệu' Johnathan Hạnh Nguyễn xin lập hãng bay chở hàng
Johnathan Hạnh Nguyễn và "gánh phở" Big Bowl kín tiếng có lợi nhuận khủng
Hiện tại, phía IPP Air Cargo đang có kế hoạch ký bản ghi nhớ mua 10 máy bay B777 Freighter - dòng máy bay chuyên chở hàng với Boeing, trị giá khoảng 3,5 tỷ USD.
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn cho biết IPP Air Cargo sẽ có năng lực vận tải bằng đường hàng không lớn nhất Đông Nam Á, nếu thương vụ này thành công.
Hồi đầu tháng 6, doanh nhân này đã xin thành lập hãng máy bay chở hàng IPP Air Cargo có tổng mức đầu tư 2.400 tỷ đồng (tương đương 100 triệu USD). Hãng sẽ bắt đầu bằng 5 chiếc máy bay vào năm đầu hoạt động và tăng dần lên đến 10 chiếc kể từ năm thứ 3. IPP Air Cargo dự kiến vận chuyển khoảng 115.000 tấn hàng hóa, đạt doanh thu 71 triệu USD và bắt đầu có lãi từ năm thứ 4 kể từ khi cất cánh chuyến bay đầu tiên.
Theo kế hoạch, thời gian xin cấp phép hoạt động hàng không vào quý III – IV năm nay và thời gian bắt đầu khai thác từ quý I/2022.
Tuy nhiên, Bộ Giao thông vận tải đã có công văn kiến nghị Thủ tướng chưa xem xét cho phép thành lập hãng bay mới nhằm hạn chế tối đa khả năng mất cân đối cung/cầu của thị trường cũng như gây ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững của ngành hàng không nội địa trước tác động của đại dịch Covid-19.
Bộ cho biết sẽ tiếp tục theo dõi tình hình thị trường, ảnh hưởng của dịch bệnh và báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định về khả năng thành lập hãng hàng không mới vào thời điểm thị trường hàng không phục hồi (dự kiến 2022).
Tuy vậy, tới cuối tháng 7, vị doanh nhân này vẫn tiếp tục kiến nghị Thủ tướng cho phép chuẩn bị các thủ tục để lập hãng bay chuyên biệt vận tải hàng hóa trong lúc đợi thị trường hàng không phục hồi (dự kiến năm 2022).
Đề xuất này giúp hãng có cơ sở xúc tiến các công việc như đàm phán, ký hợp đồng mua tàu bay với Boeing, xúc tiến các cuộc gặp cấp cao với phía Mỹ để giúp cân bằng cán cân thương mại giữa hai nước.
Đồng thời, ông Johnathan Hạnh Nguyễn cũng đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải hướng dẫn, thẩm định các thủ tục cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không nhằm đáp ứng các điều kiện an toàn bay theo quy định hiện hành. Hãng dự kiến sẽ thực hiện các chuyến bay vào năm 2022 (tùy theo tình hình dịch bệnh).