Hàng hóa tăng theo giá điện
Nhiều ý kiến lo ngại nếu các biện pháp kiểm soát giá cả không được thực hiện nghiêm ngặt, lạm phát có thể quay trở lại khi giá điện tăng, đe dọa sự ổn định kinh tế vĩ mô.
Lo lắng khi giá điện tăng
Khảo sát tại các chợ truyền thống, cửa hàng tạp hóa, siêu thị nhỏ ở Hà Nội cho thấy, rau xanh tăng 10-20% so với tháng trước và gần gấp đôi cùng kỳ năm ngoái. Các loại rau như xà lách, rau gia vị, cà chua, dưa chuột, bí đỏ. bí xanh và khoai lang đắt thêm 30-40%.
Chị Nguyễn Thùy Linh chủ 2 cửa hàng ăn uống ở phường Tứ Liên (quận Tây Hồ, Hà Nội) nhẩm tính: Hiện nay 2 cửa hàng chi phí cho tiền điện trung bình 10 triệu đồng/tháng. Giá điện tăng 4,8% cứ tính đơn thuần là tiền điện lại phải chi thêm tối thiểu 500.000 đồng/tháng. Chưa kể tiền hàng hóa cũng đang tăng lên do giá rau tăng.
“Kinh doanh hàng ăn, dù khách có đến ít hơn thì quán vẫn phải bật điều hòa thường xuyên. Ai cũng muốn tiết kiệm tiền điện nhưng tiết kiệm bằng cách nào” - chị Linh chia sẻ.
Giá điện tăng trong bối cảnh giá hàng hóa rau xanh cũng đang ở mức cao khiến cho nhiều chủ kinh doanh than. Chị Nguyễn Thị Bưởi, kinh doanh cửa hàng ăn vặt nhỏ ở phố Tam Khương (quận Đống Đa, Hà Nội) cửa hàng chị hơn 1 tháng nay chi phí tiền hàng nhiều, phần lãi mỏng đi do giá rau xanh tăng.
“Tôi đi chợ, thời điểm này lượng rau và các mặt hàng rau đã dồi dào hơn so với 1 tháng trước - giai đoạn bão Yagi tàn phá. Song giá rau cũng không hạ nhiệt như mong đợi vì chính tiểu thương nói rằng, giá điện tăng thì hàng hóa không giảm được” - chị Bưởi nói.
Trong khi đó, cập nhật diễn biến giá cả tại một số chợ ở Hà Nội cho thấy, giá rau xanh, thực phẩm vẫn neo ở mức khá cao. Chẳng hạng, cải thảo 18.000 đồng/kg, cà chua 35.000 - 40.000 đồng/kg, cải ngồng 20.000 đồng/kg, rau muống 15.000 đồng/mớ, mọc sống 130.000 đồng/kg, thịt ba chỉ giá 130.000 đồng/kg, tôm sú loại 30 con/kg có giá 240.000 đồng…
Theo bà Hoàng Hoa, tiểu thương kinh doanh các loại rau củ quả ở chợ Mơ (Hà Nội), hơn một tháng trở lại đây, giá một số loại nông sản như bí đỏ, súp lơ, rau cải các loại, bí xanh, cà chua… có xu hướng tăng do những tác động bởi tình hình thời tiết. Trong đó, bí xanh tăng 3-4 ngàn đồng/kg, hiện ở mức 18-20 ngàn đồng/kg; mướp đắng tăng 6-8 ngàn đồng/kg, lên mức 20 ngàn đồng/kg; đặc biệt, súp lơ hiện có giá 42 ngàn đồng/kg, tăng 10-15 ngàn đồng/kg so với trước bão số 3
Nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu đang neo ở mức cao, gây áp lực lớn cho người tiêu dùng. “Mỗi thứ đắt thêm một ít, đẩy chi phí bữa ăn hàng ngày của gia đình thêm. Đáng lưu ý nhất từ ngày 11/10 giá bán lẻ điện bình quân đã tăng 4,8%, lên mức mới là hơn 2.100 đồng/kWh. Đây là nhiên liệu đầu vào cho sản xuất càng khiến nhiều người lo ngại giá cả hàng hóa tiếp tục bị đẩy lên cao trong trong quý cuối năm 2024” - chị Hòa (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ.
Lạm phát cuối năm có tăng?
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho biết, từ cuối năm 2023, khi dự báo về tăng trưởng kinh tế và lạm phát năm 2024, nhiều chuyên gia, cơ quan quản lý đã tính đến việc tăng giá điện. Từ nay đến cuối năm chỉ còn hơn 2 tháng nên việc tăng giá điện chỉ tác động nhỏ đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Năm 2024, việc kiểm soát lạm phát sẽ đạt mục tiêu đề ra.
Tuy nhiên, giá điện tăng sẽ kéo theo giá hàng hóa tăng do giá điện là chi phí đầu vào của sản xuất. Việc tăng giá điện trước hết có thể làm giá dịch vụ tiêu dùng ăn uống tăng lên. Để ngăn chặn tình trạng này, Nhà nước cùng các cơ quan chức năng cần có giải pháp quyết liệt, bảo đảm kiểm soát CPI năm 2024 từ 4 đến 4,5%.
Câu hỏi được đặt ra là CPI sẽ diễn biến ra sao trong quý cuối năm 2024? Theo phân tích từ Khối Nghiên cứu - Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS Research), vẫn có một số yếu tố rủi ro tiềm ẩn khiến CPI tăng nhẹ trong cuối năm do ảnh hưởng từ giá nguyên liệu, hàng hóa quốc tế và các căng thẳng địa chính trị.
Ngoài ra, nhóm lương thực, thực phẩm cũng đứng trước áp lực tăng giá, đặc biệt là vào dịp lễ hội cuối năm khi nhu cầu tiêu dùng tăng cao. Chỉ số giá thực phẩm đã tăng 8,4% trong tháng 9 so với cùng kỳ và dự kiến tiếp tục chịu áp lực tăng do điều kiện thời tiết và nguồn cung gặp khó khăn.
Đáng chú ý, việc điều chỉnh giá điện, dự kiến làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) quý IV tăng khoảng 0,04 điểm %. Tuy nhiên, giới phân tích vẫn lạc quan cho rằng Việt Nam đang kiểm soát lạm phát rất tốt. Minh chứng là lạm phát bình quân trong 6 tháng đầu năm ở mức 4,1% đã giảm về 3,9% trong tháng 9. Điều này sẽ tạo dư địa đạt mục tiêu cả năm 4-4,5% như Quốc hội đề ra.
Tổng cục Thống kê cho rằng mức này được đánh giá là tác động không đáng kể đến mục tiêu kiểm soát lạm phát cả năm nay, nhất là trong bối cảnh CPI 9 tháng qua được kiểm soát tốt, tạo dư địa để giữ vững mục tiêu kiểm soát lạm phát trong ngưỡng mục tiêu.
Bà Nguyễn Thu Oanh - Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) nhận định: Theo tính toán của chúng tôi, dư địa này nếu như để đạt mức cao nhất mà Quốc hội cho phép trong năm nay đối với lạm phát là 4,5% thì quý IV, lạm phát có thể tăng 6,4%. Điều này là khó xảy ra.
Các chuyên gia cho rằng trong dài hạn, nếu các biện pháp kiểm soát giá cả không được thực hiện nghiêm ngặt, lạm phát có thể quay trở lại, đe dọa sự ổn định kinh tế vĩ mô.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, lương thực, thực phẩm đã tăng giá mạnh tại các tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng trực tiếp bởi bão Yagi và hoàn lưu sau bão. Trong mức tăng gần 0,3% của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9, có sự đóng góp từ nhóm lương thực, thực phẩm 0,9% - mức điều chỉnh cao nhất kể từ tháng 2.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/hang-hoa-tang-theo-gia-dien-10292617.html