Hàng hóa xuất khẩu trong nỗi lo bị gia tăng điều tra phòng vệ thương mại
Doanh nghiệp xi măng trong nước vừa nhận thông tin Philippines khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với một số mặt hàng; mật ong xuất xứ từ Việt Nam cũng vừa có trong danh sách mà Bộ Thương mại Mỹ sẽ điều tra chống bán phá giá... Những thông tin này đã tiếp tục nối dài danh sách sản phẩm xuất khẩu bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại.
Có thể nhận thấy, trong thời gian vừa qua, đi kèm với tín hiệu lạc quan về tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu thì doanh nghiệp trong nước cũng đối mặt với không ít khó khăn từ sự gia tăng số vụ việc điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hóa Việt Nam.
"Sống chung" với các vụ kiện
Theo Ban Chỉ đạo 35 của Bộ Công Thương, trong năm 2020, số lượng các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại mới đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam ở mức cao nhất từ trước đến nay với 37 vụ việc, tăng 2,3 lần so với năm 2019.
Con số nêu trên vượt xa so với số liệu thống kê vào thời điểm 2011-2016, khi đó mỗi năm trung bình ghi nhận 13-14 vụ việc. Còn trong giai đoạn 2016-2020, trung bình chỉ khoảng 20 vụ việc cho mỗi năm.
Nếu như cách đây 5 năm, các thị trường tiến hành điều tra và áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại với Việt Nam chủ yếu là Mỹ và EU thì ở thời điểm hiện tại, có thêm nhiều thị trường nhập khẩu đã tiến hành các vụ điều tra đối với hàng hóa Việt Nam, bao gồm Ấn Độ, Canada, Úc, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ... Đáng chú ý, các nước trong khu vực Đông Nam Á cũng thực hiện phòng vệ thương mại với hàng hóa xuất xứ từ Việt Nam như Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Philippines.
Trên thực tế, các hàng hóa bị điều tra đều là những mặt hàng Việt Nam có lợi thế về xuất khẩu như nhôm, thép, sợi, thủy sản, gỗ dán, cao su, vật liệu xây dựng, kính nổi, dầu ăn, bột ngọt, phân bón... và gần đây là mật ong.
Một điểm đáng lưu ý là việc phát sinh nhiều vụ kiện chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại. Theo phân tích của các cơ quan chuyên ngành, đây không phải là loại hình mới mà là vụ kiện phái sinh từ vụ kiện phòng vệ thương mại đã áp dụng trước đó với các nước khác. Điều tra chống lẩn tránh xuất hiện nhiều với mặt hàng sắt thép, gỗ, lốp (vỏ) xe,...
Trong bối cảnh Việt Nam tham gia ngày càng sâu rộng vào các hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là các FTA thế hệ mới, các vụ việc phòng vệ thương mại gồm chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ ngày càng nhiều hơn với tính chất phức tạp gia tăng.
Bên cạnh đó, cuộc tranh chấp thương mại Mỹ - Trung Quốc từ năm 2018 đến nay vẫn chưa giảm bớt căng thẳng, đồng thời những biện pháp hạn chế thương mại mà hai bên áp dụng lẫn nhau đã gây ảnh hưởng mạnh mẽ tới kinh tế thế giới, trong đó có các hoạt động xuất nhập khẩu.
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, số lượng các vụ kiện phòng vệ thương mại gia tăng nhanh là điều dễ hiểu, trong bối cảnh sự lây lan của đại dịch Covid-19 đang tạo sức ép mới buộc các nước phải thực hiện chính sách bảo hộ. Điều đáng lưu ý là sự gia tăng các vụ kiện tỷ lệ thuận với kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam, khi đất nước tham gia vào nhiều FTA với các điều kiện thuận lợi về xuất khẩu hàng hóa.
Bà dự báo số vụ khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại của các nước với hàng hóa Việt Nam chắc chắn sẽ còn tiếp tục gia tăng trong thời gian tới khi mà kim ngạch nhập khẩu một mặt hàng nào đó của Việt Nam tăng nhanh, gây áp lực cho hoạt động sản xuất của doanh nghiệp các nước nhập khẩu là các đối tác trong FTA.
Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế này, con số kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam không phản ánh đúng thực lực sản xuất nội tại của đất nước, bởi trên thực tế, khối đầu tư nước ngoài (FDI) đóng góp hơn 70% vào thành tích này trong nhiều năm qua.
Có nhiều mặt hàng, nhóm sản phẩm mà doanh nghiệp trong nước có năng lực sản xuất tốt, nhưng vốn đầu tư nước ngoài vẫn đổ vào với khối lượng lớn. Điều này, theo bà Lan là không cần thiết, vì hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp FDI này vừa cạnh tranh trực tiếp với doanh nghiệp trong nước, vừa sẽ dẫn đến tăng cao kim ngạch xuất khẩu; từ đó khiến các nước nhập khẩu nhóm mặt hàng phải đưa ra biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ sản xuất nước họ. Vô hình trung, sản phẩm do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất cũng bị vạ lây.
Mặt khác, có rất nhiều doanh nghiệp FDI xem Việt Nam như điểm gia công hàng hóa, nhập nguyên phụ liệu, linh kiện vào Việt Nam lắp ráp thành phẩm để xuất khẩu. Họ chỉ tận dụng nguồn nhân công giá rẻ, giá thuê đất thấp, nghĩa là họ không đóng góp nhiều cho ngành sản xuất trong nước, không mang lại giá trị kinh tế lớn cho Việt Nam. Bà Lan cho rằng trong tổng kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI, phần giá trị được sinh ra từ nội tại đất nước là rất thấp.
Do đó, bà khuyến nghị Chính phủ và các địa phương cần rà soát việc tiếp nhận nguồn vốn ngoại để đạt chất lượng, nâng cao giá trị gia tăng, đạt công nghệ cao và hiệu quả hơn. Đồng thời đây cũng là cách mà phần nào giảm bớt rủi ro việc các nước gia tăng phòng vệ thương mại hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Cùng hành động, cùng tìm giải pháp ứng phó
Trên thực tế, số lượng các vụ việc phòng vệ thương mại nhằm vào hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam đang có dấu hiệu tăng lên do một vài nền kinh tế cho rằng hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sử dụng nguyên liệu chính được nhập khẩu từ những khu vực đang bị họ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại.
Các vụ khởi xướng điều tra có thể bắt đầu với bị đơn là một hoặc một vài doanh nghiệp nhưng nguy cơ thiệt hại cho cả ngành hàng là rất lớn. Do đó, doanh nghiệp cần chủ động ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại của nước ngoài bằng cách không tham gia, không tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp.
Gỗ đang là mặt hàng đối mặt với nhiều mối lo gian lận thương mại, từ đó ngành sản xuất này phải đối mặt với các vụ kiện phòng vệ thương mại. Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, ông Đỗ Xuân Lập cho rằng, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung tạo ra cơ hội cho các doanh nghiệp Việt đưa sản phẩm vào "thế chân" các mặt hàng gỗ của Trung Quốc tại Mỹ. Tuy nhiên, điều này cũng làm phát sinh ra các rủi ro về gian lận thương mại, lẩn tránh xuất xứ, đầu tư “núp bóng” từ một số doanh nghiệp Trung Quốc hiện đang hoạt động tại Việt Nam.
Đối với vấn đề phòng vệ thương mại, theo bà Phạm Chi Lan, doanh nghiệp của các nước trên thế giới đã có nhiều kinh nghiệm, cũng như biện pháp ứng phó, trong khi đa số doanh nghiệp trong nước lại chưa nắm hoặc còn khá mù mờ về việc này.
Tại một cuộc hội nghị liên quan đến chủ đề phòng vệ thương mại diễn ra vào cuối năm ngoái tại TPHCM, ông Phan Khánh An, Phó trưởng phòng Phòng Pháp chế, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), cho biết hiện nay mức độ hiểu biết của doanh nghiệp Việt Nam về phòng vệ thương mại còn rất thấp, chỉ một số ít doanh nghiệp có tìm hiểu nhưng lại không nắm sâu. Thậm chí, chưa có nhiều doanh nghiệp hay hiệp hội hiểu rõ về các chính sách pháp luật liên quan tới phòng vệ thương mại hay có các kỹ năng cơ bản đủ để sử dụng hiệu quả công cụ này.
Do đó, giải pháp mấu chốt giúp Việt Nam phòng ngừa và ứng phó hiệu quả với các vụ kiện phòng vệ trong tương lai, theo các chuyên gia là phía cơ quan quản lý nhà nước cần phải tiếp tục tuyên truyền phổ biến quy định về phòng vệ thương mại để các doanh nghiệp không quá bị động, lúng túng.
Đáng chú ý, công tác phối hợp giữa các bên liên quan, cơ quan quản lý nhà nước, kể cả hệ thống các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài, với hiệp hội, ngành hàng cũng cần được đẩy mạnh.
Và trong quá trình nếu có vụ kiện phòng vệ thương mại xảy ra, sự hợp tác giữa các bộ ngành, địa phương, hiệp hội để đáp ứng đúng quy định của nước nhập khẩu là rất quan trọng. Cần có sự hợp tác đầy đủ và theo sát từng vụ việc, kịp thời có ý kiến để bảo vệ doanh nghiệp xuất khẩu.
Với doanh nghiệp, cần lưu ý trong quá trình xuất khẩu phải luôn theo sát thông tin; thường xuyên trao đổi thông tin với bạn hàng nhập khẩu, đặc biệt là cả những thông tin về rào cản thương mại có nguy cơ áp dụng lên hàng hóa nhập khẩu như rào cản hành chính, rào cản kỹ thuật trong thương mại…
Theo các chuyên gia, muốn giảm thiểu nguy cơ đối mặt các vụ điều tra phòng vệ thương mại, doanh nghiệp cần chủ động trang bị kiến thức cơ bản pháp luật phòng vệ thương mại, quy định phòng vệ thương mại trong các FTA mà Việt Nam và đối tác cùng tham gia để nắm rõ quyền và nghĩa vụ của mình. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần xây dựng hệ thống quản trị tiên tiến, hiện đại, thực hiện lưu trữ hồ sơ, chứng từ đầy đủ và rõ ràng.
Ở chiều ngược lại, một số ngành sản xuất trong nước cũng phải chịu áp lực từ việc gia tăng nhập khẩu do các tác động mở cửa thị trường và cần đến những công cụ chính sách về phòng vệ thương mại để bảo vệ lợi ích của ngành. Do đó, cơ quan quản lý cũng khuyến cáo các doanh nghiệp sản xuất trong nước khi thấy hàng hóa nước ngoài có dấu hiệu lẩn tránh, trợ cấp của Chính phủ thì cũng yêu cầu điều tra để bảo vệ sản xuất nội địa.
Lê Hoàng