Hàng không khó giảm giá vé vì ngập trong nợ nần

Giá vé máy bay neo cao ở tất cả các chặng bay nội địa, không chỉ trong dịp lễ, tết mà cả trong ngày thường; không chỉ trong khung giờ cao điểm mà cả khung giờ đêm muộn, sáng sớm. Nhiều người dân lao động có thu nhập thấp đã cố gắng chờ các hãng tăng chuyến để có cơ hội mua được vé rẻ hơn nhưng đến thời điểm này, giá vé vẫn neo ở mức cao kịch trần.

Nhu cầu hành khách đi lại mùa tết bằng máy bay tăng cao. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Nhu cầu hành khách đi lại mùa tết bằng máy bay tăng cao. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Nan giải kéo giảm giá vé máy bay

Theo thông tin từ các đại lý vé máy bay, giá vé trong những ngày cận tết đang rất cao. Vào những ngày từ 4-2 đến 6-2 (tức ngày 25 đến 27 tháng Chạp), trên chặng TPHCM - Hà Nội, giá vé thấp nhất là 3,2 triệu đồng, bay vào đêm muộn; ở những giờ bay sớm hơn, giá vé khoảng trên dưới 3,5 triệu đồng nhưng số lượng không còn nhiều. Tình hình cũng tương tự ở chiều ngược lại sau tết. Các chặng bay từ Hà Nội, TPHCM đi Phú Quốc và các tỉnh thành khu vực miền Trung như Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng, Khánh Hòa... những ngày cận tết cũng đang có giá vé rất cao. Trước đó, vào khoảng tháng 11, giá vé máy bay đã đắt đỏ, không thể tìm được vé khuyến mãi sâu của bất kỳ hãng nào, trái với thông lệ giá vé giảm vào dịp thấp điểm hàng năm.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, chỉ số giá nhóm vé máy bay bình quân 11 tháng đầu năm 2023 đã tăng tới 87,29% so với cùng kỳ năm trước. Ghi nhận giá vé máy bay tăng cao nhưng ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, lại cho rằng, với mức giá niêm yết hiện nay, các hãng hoàn toàn không vi phạm vì giá vé được điều tiết theo cơ chế thị trường và vẫn nằm dưới mức giá trần. Tuy nhiên, thực tế vẫn khiến người dân đặt câu hỏi, vì sao thị trường hàng không nội địa được cho là phục hồi tốt nhưng giá vé máy bay lại tăng cao như vậy?

Theo ông Bùi Doãn Nề, Tổng thư ký Hiệp hội Hàng không Việt Nam, nguyên nhân sâu xa dẫn đến giá vé máy bay tăng cao là do các hãng vẫn chưa thoát khỏi những ảnh hưởng tiêu cực từ đợt dịch Covid-19. Mặc dù báo cáo kết quả kinh doanh của các hãng đều cho thấy những con số khả quan, như Hãng hàng không VietJet ghi nhận doanh thu thuần 9 tháng đầu năm 2023 đạt hơn 43,7 ngàn tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 192 tỷ đồng; Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) đạt tổng doanh thu hơn 68 ngàn tỷ đồng, tăng 126% so với cùng kỳ, lãi gộp hơn 4,1 ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên, trong báo cáo gửi Bộ KH-ĐT mới đây, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp ước tính, Vietnam Airlines có thể lỗ trước thuế 4.515 tỷ đồng trong năm 2023. Báo cáo tài chính quý 3-2023 của Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam cũng cho thấy, các hãng hàng không đều nợ chưa thanh toán các chi phí sân bay. Trong đó, Vietnam Airlines nợ hơn 1,8 ngàn tỷ đồng, Bamboo Airways nợ hơn 2 ngàn tỷ đồng, Pacific Airlines nợ hơn 800 tỷ đồng, Vietravel Airlines nợ hơn 200 tỷ đồng…

Theo ông Bùi Doãn Nề, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam, các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước có vai trò rất quan trọng trong việc giúp các hãng hàng không giảm bớt khó khăn và duy trì hoạt động để sớm phục hồi. Dự báo năm 2024, ngành hàng không vẫn còn đương đầu với những thách thức rất lớn về giá xăng dầu, tỷ giá, mức độ mở cửa của các thị trường quốc tế trọng điểm. Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam kiến nghị Nhà nước tiếp tục xem xét các chính sách hỗ trợ ngành hàng không, du lịch trong năm 2024, nhất là các hãng hàng không Việt Nam như điều chỉnh phí, lệ phí, áp dụng thuế môi trường đối với nhiên liệu bay…

Khó vẫn chồng khó

Ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines, cho biết, các hãng hàng không nói chung, Vietnam Airlines nói riêng vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Đại dịch Covid-19 được đẩy lùi, song xung đột địa chính trị, tình hình suy thoái kinh tế của các nước và khu vực lại diễn biến phức tạp. Hoạt động kinh doanh vận tải hàng không được dự báo tiếp tục gặp nhiều khó khăn khi yếu tố đầu vào diễn biến khó lường, giá nhiên liệu bay đang ở mức rất cao (cả năm 2023 giá khoảng 105 USD/thùng, tăng 30% so với năm 2019), làm chi phí của các hãng hàng không tăng nhiều tỷ đồng (riêng Vietnam Airlines tăng 60 tỷ đồng so với năm 2019). Tỷ giá cũng diễn biến theo hướng bất lợi khi các đồng tiền thu chính của hãng hàng không như Yen Nhật Bản, Won Hàn Quốc đều mất giá so với đồng tiền chi phí của các hãng là USD. Hoạt động thu chi của hãng mất cân đối và thiếu hụt nguồn tiền khiến việc giảm giá vé máy bay không thể thực hiện được.

 Hành khách xếp hàng chờ lên máy bay tại sân bay Tân Sơn Nhất, TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Hành khách xếp hàng chờ lên máy bay tại sân bay Tân Sơn Nhất, TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Do những khó khăn về tài chính, các hãng hàng không đang tìm các phương án tài chính để có nguồn chi trả các chi phí như xăng dầu, dịch vụ mặt đất, điều hành bay, kỹ thuật, bảo hiểm, thanh toán đặt cọc máy bay và các chi phí khác.

Vậy làm thế nào để giảm giá vé máy bay, hay nói cách khác, có nhiều cơ hội lựa chọn mức giá vé hơn cho người dân? Theo các chuyên gia, điểm mấu chốt của vấn đề vẫn nằm ở “sức khỏe” của các doanh nghiệp hàng không. Khi các doanh nghiệp đủ mạnh, các hãng sẽ lại tung ra các đợt khuyến mãi, với mức giá cạnh tranh và hành khách sẽ được hưởng lợi. Hiện các hãng đang phải nỗ lực tự cứu mình trước.

Trong đó, Vietnam Airlines đang tái cơ cấu mạnh mẽ về tổ chức, tối ưu hóa quy trình sản xuất, ứng dụng triệt để chuyển đổi số, tái cơ cấu mạng bay, điều chỉnh mạng bay, đa dạng chương trình bán. Hãng cũng hợp tác với các địa phương để tăng cường quảng bá điểm đến, thúc đẩy phát triển du lịch để tăng nguồn khách. Vietnam Airlines cũng đề nghị Chính phủ, các bộ ngành, địa phương quan tâm đầu tư mở rộng, nâng cấp hạ tầng cảng hàng không; tiếp tục duy trì chính sách giảm thuế bảo vệ môi trường hỗ trợ chung cho ngành vận tải hàng không phục hồi. Đại diện Vietnam Airlines bày tỏ mong muốn cơ quan quản lý nhà nước tạo cơ chế linh hoạt cho các hãng hàng không nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực, linh hoạt về giá vé theo cơ chế thị trường.

Theo Cục Hàng không Việt Nam, từ 1-3-2024, các hãng sẽ được áp giá trần mới, tăng trung bình 3,75% so với giá trần cũ. Trong đó, giá vé nội địa phổ thông cho đường bay dài nhất từ 1.280km trở lên mức 4 triệu đồng một chiều, tăng 250.000 đồng so với trước. Các đường bay còn lại tăng từ 50.000-100.000 đồng. Cục Hàng không Việt Nam cho biết, việc nới giá trần sẽ tạo cơ hội cho các hãng có điều kiện điều chỉnh giá vé linh hoạt theo thị trường, tăng thu để bù chi.

MINH DUY

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/hang-khong-kho-giam-gia-ve-vi-ngap-trong-no-nan-post721334.html