Công viên Bách Thảo (nằm trên địa bàn quận Ba Đình) được xây dựng từ năm 1890 bởi người Pháp với mục đích duy trì, bảo tồn và phát triển các nguồn cây quý của Việt Nam. Không chỉ là địa chỉ bảo tồn các thực vật quý, mà nơi đây còn là điểm đến, điểm tham quan, tập thể dục của người dân Hà Nội và các du khách ghé thăm khi tới Thủ đô.
Tuy nhiên, thời gian qua tại công viên này xuất hiện tình trạng xuống cấp ở nhiều hạng mục, hàng loạt cây cổ thụ quý hiếm có tuổi đời lên đến hàng trăm năm, có cây thân to tới 3 - 4 người ôm, hiện đã chết khô.
Theo ghi nhận, có 11 cây chết khô, trong đó có nhiều cây cổ thụ có tuổi đời hơn 100 năm...
Một số hạng mục xuống cấp. Riêng hồ nước ở giữa công viên hiện đã cạn trơ đáy, bờ kè sạt lở...
Theo đại diện Xí nghiệp Quản lý cây xanh số 3 - đơn vị chăm sóc trực tiếp các loại cây trong công viên Bách Thảo, tại đây hiện có 11 cây cổ thụ bị chết khô. Trước mắt, đơn vị đã cắt tỉa cành khô và đã báo cáo để xin phương án chặt hạ, trồng cây mới.
Về việc hồ nước trong công viên bị cạn, đại diện Xí nghiệp Quản lý cây xanh số 3 cho rằng, do năm nay ít mưa, trong khi hồ không có đường cấp nước điều hòa. Đơn vị này cũng đang xin ý kiến để có phương án nạo vét, tìm đường cấp nước cho hồ.
Đại diện Công ty TNHH một thành viên công viên cây xanh Hà Nội - đơn vị quản lý công viên Bách Thảo cho biết, các cây xanh trong công viên có tuổi đời hơn 100 năm và mới chết trong vài tháng gần đây. (Ảnh: Một số cây khác được dán cảnh báo nguy hiểm)
"Nguyên nhân có thể do cây đã già, chết tự nhiên. Chúng tôi khẳng định không có ai xâm hại khiến cây bị chết cả", đại diện Công ty TNHH một thành viên công viên cây xanh Hà Nội nói.
Theo đại diện công ty, những cây chết ở đây đều không có giá trị cao, sau khi chặt hạ sẽ được thanh lý công khai minh bạch.
Đa số các cây chết khô đã được cắt tỉa cành, chỉ còn lại gốc để đảm bảo an toàn cho người dân khi tham quan, tập thể dục.
Phần gốc và thân cây bị mục do cây chết đã lâu ngày.
Nhiều cây cổ thụ chết khô khiến nhiều người nuối tiếc.
Ông Nguyễn Quang Thục (phường Ngọc Hà, quận Ba Đình, Hà Nội) cho biết: "Những cây này có từ thời Pháp, tuổi đời hàng trăm năm. Thời gian trở lại đây bị chết khô, khiến chúng tôi không khỏi xót xa nhưng cũng rất lo lắng mỗi khi đi tập thể dục qua những gốc cây cao lớn này".
Bà Tạ Hiền Anh (phường Ngọc Hà, quận Ba Đình, Hà Nội) cho rằng: "Những cây này luôn khiến những người tập thể dục nơm nớp lo sợ. Chúng tôi mong các nhà quản lý sớm tìm ra nguyên nhân và thay thế bằng những cây khỏe mạnh khác để người dân mỗi lần vào công viên đều yên tâm vui chơi".
Thông tin về cây vẫn còn khi quét mã QR đặt ở gốc cây.
Đứng từ xa có thể quan sát rõ cây giáng hương ấn bị chết khô, cành lá trơ trụi./.
Văn Ngân/VOV.VN