Hàng loạt điểm dừng xe buýt bị chiếm dụng: Trách nhiệm thuộc về ai?
Tình trạng điểm dừng xe buýt 'lọt thỏm' giữa vòng vây của hàng quán, xe cộ đã và đang diễn ra phổ biến tại Hà Nội. Tuy vậy, rất hiếm thông tin về các trường hợp bị xử lý.. Điểm dừng không còn của xe buýt, trách nhiệm thuộc về ai?
Như VOV Giao thông đã đề cập, tình trạng điểm dừng xe buýt “lọt thỏm” giữa vòng vây của hàng quán, xe cộ đã và đang diễn ra phổ biến tại Hà Nội. Tuy vậy, rất hiếm thông tin về các trường hợp bị xử lý, vi phạm diễn ra tràn lan đến mức một số người coi đó là chuyện bình thường.
Trong khi tình trạng này làm cản trở sự thúc đẩy giao thông công cộng, trực tiếp tạo ra nguy cơ mất ATGT. Điểm dừng không còn của xe buýt, trách nhiệm thuộc về ai? Giải pháp nào giúp hành khách tiếp cận xe buýt an toàn?
"Thỉnh thoảng có va chạm nhẹ, không đến mức đâm văng người ta đi, nhưng có chạm vào lưng, vào chân, rồi người ta bảo bỏ qua. Xe máy cũng khuất tầm nhìn mà khách cũng khuất tầm nhìn. Điểm xe buýt đón khách hầu như đều có xe con người ta đỗ ở đấy hết. Bọn tôi chỉ còn cách là cách xa phương tiện của họ khoảng 1m và dừng hẳn an toàn. Phụ xe đứng ở cửa, khách trên xe mình cũng dặn họ cẩn thận xe máy lao tới".
Đó là chia sẻ của tài xế Hoàng Mạnh Tiến, lái xe buýt tuyến số 01 về tình trạng ô tô cá nhân đỗ tại điểm dừng, cản trở xe buýt ra vào bến mà anh phải đối mặt hằng ngày.
Tuyến 01 (Bến xe Gia Lâm - Bến xe Yên Nghĩa) có lộ trình xuyên tâm dài 22,4 km, đi qua nhiều bệnh viện, trường học và công sở.
Theo khảo sát của VOV Giao thông, cả chiều đi và về của tuyến có tổng cộng 72 điểm dừng xe buýt. Trong đó, 14 điểm thường xuyên bị chiếm dụng bởi ô tô dừng đỗ dưới lòng đường, 3 điểm đỗ xe được cấp phép của Công ty TNHH MTV Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội.
11 điểm dừng xe buýt bị lấn chiếm bởi bãi gửi xe trên vỉa hè hoặc xe cộ của nhà dân. 8 điểm có hàng quán, 5 điểm thu gom, tập kết rác lớn, và hầu như điểm dừng xe buýt nào cũng có hoạt động xe ôm chào mời khách.
Tình trạng tương tự diễn ra ở rất nhiều vị trí khác trong tổng số hơn 3.800 điểm dừng xe buýt tại Hà Nội. Nếu như hàng quán, xe cộ dừng đỗ tràn lan có thể miễn cưỡng chấp nhận, thì không một hành khách nào chịu đựng được việc tập kết rác tại điểm dừng xe buýt. Như tại số 221 Khâm Thiên, vừa là nơi tập kết rác, vừa có nhà vệ sinh công cộng, mùi xú uế nồng nặc trong tiết trời nắng nóng.
"Ô nhiễm, rất là bức xúc mà không biết nói với ai. Tập kết rác, xe ôm, rồi những phương tiện chiếm hết cả chỗ cho người dân đứng".
"Xe buýt không tiến lên được để đón khách, hoặc đang đi phanh gấp lại vì có xe ô tô chắn ở đấy, rất là bực tức những tình huống như thế".
Nói về việc xử lý vi phạm, trao đổi với VOV Giao thông, đại diện Thanh tra Sở GT-VT Hà Nội cho biết, từ đầu năm đến nay, cơ quan này đã xử phạt 98 trường hợp ô tô dừng đỗ tại điểm dừng xe buýt, tổng số tiền phạt gần 92 triệu đồng.
Còn với tình trạng điểm dừng xe buýt bị ô nhiễm do rác thải, ông Thái Hồ Phương, Phó giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Hà Nội cho biết, qua rà soát có 72 điểm tại 22 quận huyện. Cơ quan này đã có văn bản gửi Sở Xây dựng về việc không bố trí xe rác và các điểm tập kết rác tại điểm dừng xe buýt:
"Việc cản trở xe buýt tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho hành khách và làm xấu đi hình ảnh vận tải công cộng. Vì vậy, chúng tôi rất mong các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương đồng hành trong quá trình xử lý vi phạm, để làm sao trả lại cho hành khách, phương tiện công cộng điểm dừng xanh, sạch, an toàn", ông Thái Hồ Phương cho biết.
ThS. Vũ Anh Tuấn, Trường Đại học GT-VT cho rằng, điểm dừng xe buýt bị chiếm dụng cũng giống như câu chuyện vỉa hè, là hệ quả của việc thiếu đồng bộ trong quy hoạch, thiết kế và xây dựng đô thị. Cùng với đó, việc xử lý vi phạm chưa được thực hiện thường xuyên, dẫn đến vi phạm tràn lan:
"Chúng ta phải xem xét các giải pháp về quản lý và xử phạt hành chính thường xuyên, nghiêm minh để trả lại không gian cho người đi bộ, hành khách sử dụng xe buýt. Về dài hạn thì tăng cường các giải pháp quản lý về công nghệ, ví dụ sử dụng camera an ninh đối với những điểm dừng quan trọng, tập trung lượng hành khách lớn. Chúng ta cũng có thể xem xét lựa chọn vị trí, quy hoạch điểm dừng xe buýt".
Đồng tình với quan điểm này, chuyên gia giao thông, TS. Phan Lê Bình nhấn mạnh: tăng cường xử lý vi phạm là giải pháp duy nhất và không có biện pháp nào đảm bảo an toàn cho hành khách nếu như khu vực điểm dừng xe buýt bị chiếm dụng.
Ngoài ra, để việc tiếp cận xe buýt an toàn, TS. Phan Lê Bình kiến nghị: "Hiện xe buýt có quy định rất chặt chẽ thời gian hành trình, là phải chạy trong giới hạn bao nhiêu phút, khiến lái xe không dám dừng chờ lâu ở mỗi điểm lên xuống, khiến cho việc lên xuống xe rất là nguy hiểm, đặc biệt với người cao tuổi, chân yếu. Đấy là cách vận hành vô cùng nguy hiểm, đơn vị quản lý nên xem lại cách làm của mình".
Nếu như việc xử lý vi phạm liên quan đến khu vực điểm dừng xe buýt là giải pháp chính thì trách nhiệm thuộc về ai? Luật sư Phạm Thành Tài, Giám đốc Công ty luật Phạm Danh cho rằng: "Căn cứ quy định tại Điều 74, Nghị định 100 năm 2019, thứ nhất, chủ tịch UBND các cấp có thẩm quyền xử phạt trong phạm vi phản lý của địa phương mình. Thứ hai là CSGT. Thứ ba là cảnh sát trật tự, cảnh sát phản ứng nhanh, cảnh sát cơ động, cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội trong phạm vi, chức năng nhiệm vụ được giao. Thứ tư là trưởng công an cấp xã. Và thứ năm là thẩm quyền thuộc về thanh tra giao thông vận tải".
Hiện chưa có thống kê đầy đủ về những vụ va chạm giữa xe buýt, hành khách với các phương tiện khác khi điểm dừng bị chiếm dụng, việc xe ra vào bến bị cản trở. Phần lớn va chạm hiện chỉ ở mức độ nhẹ, tuy nhiên, chẳng ai dám chắc tai nạn nghiêm trọng không xảy ra khi nguy hiểm đang bủa vây hành khách mỗi ngày.
Sự vào cuộc tích cực, có trách nhiệm của các cơ quan hữu quan là điều người dân mong mỏi, và cũng là góc nhìn của VOV Giao thông: "Nhà chờ và thân phận “con rơi”.
Điểm dừng và nhà chờ là thiết chế hạ tầng không thể thiếu để vận hành giao thông công cộng bằng buýt ở đô thị.
Với Hà Nội và TP.HCM, buýt vẫn đang đang đóng vai trò chủ lực đảm nhận vận tải khách của giao thông công cộng. Đặt trong một giả thiết sáng sủa, khoảng 10 năm nữa, khi có vài tuyến metro ở mỗi đô thị, thì xe buýt lại càng quan trọng hơn, với vai trò là phương tiện gom khách cho metro, như các xương nhánh, xương con tỏa ra từ xương sống.
Do vậy, bất cứ một sự vướng víu, cản trở nào trên hạ tầng thiết yếu của buýt đều sẽ ảnh hưởng trực tiếp, liên hoàn đến toàn hệ thống, chứ không chỉ riêng bản thân nó.
Tình trạng chiếm dụng, xâm phạm các nhà chờ, nếu đặt trong bối cảnh chung của các vi phạm khác về lòng đường, vỉa hè và trật tự đô thị, thì không có gì lạ. Nhưng thân phận của những nhà chờ, điểm dừng của buýt lại có những nỗi niềm riêng, bởi nó là đứa “con chung”, “con rơi” ở điểm giao thoa của nhiều vùng trách nhiệm. Lòng đường và vỉa hè là hai đơn vị khác nhau quản lý. Trách nhiệm quản lý vỉa hè cũng có sự phân cấp tùy vào địa bàn. Các vi phạm khác nhau, lại thuộc trách nhiệm của các lực lượng chuyên ngành khác nhau.
Trong một cuộc “hôn phối” được ràng buộc chỉ bởi trách nhiệm mà, những lợi ích chung không đủ hoặc chưa phát huy vai trò động lực, thì những đứa “con chung” dễ bị sao nhãng, thờ ơ.
Nghị quyết 48 của Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho chính quyền các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM phải phát triển mạnh giao thông công cộng, để chậm nhất từ 2030 có thể bắt đầu hạn chế xe vào nội đô ở một số khu vực. Điều đó có nghĩa, giao thông công cộng buộc phải bứt tốc, đủ để đáp ứng nhu cầu đi lại căn bản của người dân, thay thế dần ô tô xe máy cá nhân.
Nỗ lực bứt tốc sẽ là vô nghĩa, nếu những dây dợ vướng víu trói chân giao thông công cộng không được gỡ sạch, như sự lộn xộn và nhếch nhác của các nhà chờ. Người dân không thể chấp nhận sử dụng thường xuyên những trạm dừng tạm bợ, mất vệ sinh và không có vẻ thuộc về họ. Tiếp cận khó khăn, đương nhiên họ sẽ không mặn mà với buýt.
Giải quyết việc này không khó, nếu thực sự coi nó là vấn đề. Chỉ cần bắt đầu từ cái “vùng giáp ranh” trách nhiệm. Trách nhiệm nếu là của chung, rất dễ trở thành không của ai cả. Nếu hậu quả được xác định là do lỗi tập thể, chắc chắn sẽ có những hậu quả tiếp theo.
Chỉ cần một số điện thoại hotline ở nhà chờ, điểm dừng, một trung tâm tiếp nhận xử lý thông tin, mọi vi phạm đều được ghi nhận, điều phối tới đích danh đơn vị chủ quản.
Các nhóm liên ngành trao đổi công việc dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin đã tỏ ra khá hiệu quả trong thời gian qua. Một nhà chờ bị xâm hại, lập tức thanh tra biết, quản lý trật tự đô thị ở địa phương biết, công an biết. Ai xử lý, ai chưa xử lý, và xử lý đến đâu, các bên cùng giám sát và báo cáo công khai.
Để cho hành khách trực tiếp giám sát, chấm điểm các nhà chờ cũng là một cách dễ thực hiện mà hiệu quả. Vì chỉ khi sự hài lòng của người thụ hưởng được coi là tiêu chí thực thi công vụ, thì cách làm mới thực sự khác đi.
Nhà chờ, điểm dừng buýt chỉ chiếm một khoảng diện tích nhỏ trên vỉa hè và lòng đường, nhưng phản chiếu mức độ quan tâm của chính quyền đô thị đối với phát triển giao thông công cộng, và tác động rất lớn đến sự lựa chọn phương thức đi lại của người dân, từ đó quyết định giao thông công cộng sẽ phát triển với tốc độ nào.
Vì thế, để nhà chờ, trạm dừng của buýt không mang thân phận “con rơi”, cần định vị nó một cách rõ ràng và với sự lưu tâm đủ lớn, trong trách nhiệm của từng chủ thể thực thi công vụ./.