Hàng loạt doanh nghiệp ngành điện báo lợi nhuận đi lùi trong quý II/2024

Mùa báo cáo tài chính quý II/2024 chứng kiến kết quả kinh doanh giảm sút của nhiều doanh nghiệp ngành điện. Ngược dòng trong số đó, Thủy điện Bắc Minh là đơn vị duy nhất báo tăng trưởng dương trong quý này tính đến ngày 17/7.

Mặc dù doanh thu quý II của Nhiệt điện Phả Lại tăng 77% nhưng lợi nhuận sau thuế giảm 42% so với cùng kỳ 2023.

Mặc dù doanh thu quý II của Nhiệt điện Phả Lại tăng 77% nhưng lợi nhuận sau thuế giảm 42% so với cùng kỳ 2023.

Doanh nghiệp thủy điện chứng kiến mức sụt giảm lớn do thiếu mưa

Mức lợi nhuận giảm lớn nhất là Công ty cổ phần Thủy điện A Vương, trụ sở tại Quảng Nam (MCK: AVC) với lợi nhuận sau thuế giảm gần 83% so với cùng kỳ năm trước về mức 13,7 tỷ đồng.

Quý II/2024, báo cáo tài chính của Thủy điện A Vương cho thấy doanh thu thuần của công ty tăng nhẹ hơn 10 tỷ đồng lên 141 tỷ đồng. Tuy nhiên, do giá vốn hàng bán tăng 166% so với cùng kỳ năm 2023, chủ yếu đến từ giá vốn hàng hóa đã bán và giá dịch vụ đã cung cấp nên lợi lợi nhuận gộp giảm mạnh 67% xuống còn 26 tỷ đồng.

Doanh thu hoạt động tài chính quý này của AVC cũng giảm mạnh hơn 12 lần chỉ còn 1,6 tỷ đồng do lãi tiền gửi, tiền cho vay và cổ tức lợi nhuận được chia vơi nhiều so với quý cùng kỳ 2023.

Lũy kế sau 2 quý đầu năm 2024, Thủy điện A Vương thu về lãi 47 tỷ đồng, giảm mạnh 80% so với cùng kỳ năm trước. Giải trình về con số đi lùi đáng kể này, công ty cho biết do thời tiết lưu lượng nước về không tốt nên sản lượng điện thấp hơn dẫn đến doanh thu thấp hơn so với cùng kỳ.

Tính đến hết quý II/2024, tổng cộng tài sản của công ty giảm 14% xuống còn 1.369 tỷ đồng, trong đó tài sản dài hạn chiếm phần lớn. Hàng tồn kho cuối quý này giảm 67% còn hơn 5 tỷ đồng. Tiền và các khoản tiền tương đương tăng 3 lần lên 57 tỷ đồng, đầu tư tài chính đến ngày đáo hạn tăng lên 120 tỷ đồng.

Nợ phải trả tính đến cuối quý II của doanh nghiệp tăng 44% lên 369 tỷ đồng, chủ yếu là các khoản phải trả, phải nộp ngắn hạn. Công ty không có khoản vay nợ tài chính nào.

Doanh nghiệp ngành điện báo lợi nhuận giảm lớn thứ hai là Công ty cổ phần Đầu tư điện lực 3, trụ sở tại Đà Nẵng (MCK: PIC). Công ty thủy điện này ghi nhận lợi nhuận sau thuế quý II giảm 73% chỉ còn hơn 1 tỷ đồng, với doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ hơn 18 tỷ đồng, giảm 21% so với quý cùng kỳ 2023.

Giá vốn hàng bán, doanh thu hoạt động tài chính, chi phí tài chính và chi phí quản lý doanh nghiệp đều giảm so với quý cùng kỳ và 6 tháng đầu năm 2023. Do vậy, lũy kế 6 tháng đầu 2024, doanh nghiệp thu về lợi nhuận sau thuế 12,4 tỷ đồng, giảm hơn một nửa so với cùng kỳ năm trước.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến kết quả kinh doanh quý I/2024 và 6 tháng đầu năm của PIC giảm so với cùng kỳ năm 2023 là do tình hình thời tiết tại khu vực Nhà máy thủy điện Đăk Pône và Đa Krông I ít mưa, không thuận lợi cho hoạt động phát điện.

Tổng sản lượng điện thương phẩm 6 tháng đầu năm 2024 của công ty chỉ đạt 29,8 GWh (giảm 36,4% so với cùng kỳ năm 2023), doanh thu bán điện đạt 48,7 tỷ đồng (giảm 28,9% so với cùng kỳ năm 2023). Đây là lý do khiến lãi 6 tháng đầu năm 2024 giảm 51% so với cùng kỳ năm trước.

Doanh thu tài chính kéo lợi nhuận các doanh nghiệp nhiệt điện đi lùi

Công ty cổ phần Nhiệt điện Phả Lại, trụ sở tại Hải Dương (MCK: PPC) là doanh nghiệp đứng thứ ba trong danh sách lợi nhuận đi lùi quý II/2024 của ngành điện tính đến ngày 17/7.

Mặc dù doanh thu quý II của công ty tăng 77% lên mức 2.469 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận sau thuế của PPC chỉ còn 94 tỷ đồng, giảm 42% so với quý II/2023. Nguyên nhân do giá vốn hàng bán tăng gần gấp đôi, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng cao.

Đáng chú ý, doanh thu tài chính của công ty trong quý II giảm tới 83%, chỉ còn 18,6 tỷ đồng, do lãi tiền gửi và khoản cổ tức từ các đơn vị do PPC góp vốn thấp hơn so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, nhờ kết quả kinh doanh quý đầu năm tăng trưởng tích cực, nên lũy kế đến hết quý II/2024, doanh thu của Nhiệt điện Phả lại tăng 1,6 lần lên 4.465 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 251 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước.

Giải trình kết quả kinh doanh, Nhiệt điện Phả lại cho biết sản lượng điện tăng mạnh là nguyên nhân kéo doanh thu đi lên. Đây cũng là xu hướng chung của nhóm nhiệt điện trong quý 2, thời điểm huy động sản lượng từ EVN gia tăng.

So với mục tiêu doanh thu 8.755,6 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 427,25 tỷ đồng đặt ra cho kế hoạch 2024, doanh nghiệp đã hoàn thành 51% mục tiêu doanh thu và gần 64% mục tiêu lợi nhuận của kế hoạch cả năm.

Quy mô tài sản của PPC tính đến cuối quý II đạt gần 6.316 tỷ đồng, tăng 9% so với đầu năm. Trong đó, tiền và tương đương tiền giảm gần 42%, còn hơn 13,68 tỷ đồng, tiền mặt giảm mạnh từ hơn 1,4 tỷ đồng xuống còn 180 triệu đồng. Khoản phải thu ngắn hạn khách hàng tăng 25%, lên 2.310 tỷ đồng và hàng tồn kho tăng 39% lên 984 tỷ đồng.

Ở bên kia bảng cân đối, nợ phải trả của Nhiệt điện Phả lại tăng mạnh 2,2 lần từ 767 tỷ đồng lên 1.703 tỷ đồng. Mức tăng mạnh nhất đến từ phải trả người bán ngắn hạn tăng gấp đôi lên 1.144 tỷ đồng và vay nợ ngắn hạn tăng gấp 4 lên 390 tỷ đồng.

 Quan sát báo cáo tài chính quý II của các doanh nghiệp ngành điện công bố tính tới 17/7/2024, gam màu tối đã bao trùm.

Quan sát báo cáo tài chính quý II của các doanh nghiệp ngành điện công bố tính tới 17/7/2024, gam màu tối đã bao trùm.

Xếp sau Nhiệt điện Phả lại về biên độ lợi nhuận đi lùi là Công ty cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh, trụ sở tại Quảng Ninh (MCK: QTP), với lợi nhuận sau thuế quý II/2024 giảm 36% xuống còn 160,4 tỷ đồng.

Lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ quý II/2024 giảm 29,4% tương ứng 88,1 tỷ đồng so với quý II/2023, chủ yếu do sản lượng điện bán và giá thị trường giảm, bên cạnh đó giá nhiên liệu than đầu vào có xu hướng tăng so với cùng kỳ năm 2023.

Doanh thu bán hàng của công ty không có nhiều biến động so với cùng kỳ năm trước ở mức 3.628 tỷ đồng, nhưng lãi thu về lại sụt giảm lớn do doanh thu từ hoạt động tài chính lao dốc hơn 18 lần, chỉ còn 109 triệu đồng đến từ lãi tiền gửi. Tương tự Nhiệt điện Phả lại, trong quý này, Nhiệt điện Quảng Ninh thiếu hụt phần nhiều ở khoản cổ tức và lợi nhuận được chia.

Điểm đáng mừng là trong quý II, chi phí tài chính, đặc biệt là chi phí lãi vay cũng đã giảm 2/3 so với cùng kỳ năm trước do dư nợ vay của QTP giảm.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, Nhiệt điện Quảng Ninh có doanh thu thuần đạt 6.637 tỷ đồng, tương đương mức 2023 và lợi nhuận sau thuế 387 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này đã hoàn thành 54% kế hoạch doanh thu và 78% kế hoạch lợi nhuận sau thuế.

Tổng cộng tài sản của QTP đạt 7.245 tỷ đồng tại thời điểm cuối quý II, trong đó, tiền và các khoản tiền tương đương giảm hơn một nửa còn 77,5 tỷ đồng, khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng tăng nhẹ lên 3.066 tỷ đồng. Hàng tồn kho tăng 17% lên 846 tỷ đồng.

Nợ phải trả của Nhiệt điện Quảng Ninh tính đến cuối quý II giảm 16% còn 1.763 tỷ đồng, chủ yếu là phải trả người bán ngắn hạn (hơn một nửa là của Tập đoàn Công nghiệp Than khoáng sản Việt Nam) và các chi phí phải trả ngắn hạn. Vay và thuê nợ tài chính ngắn hạn, dài hạn cũng giảm so với đầu năm, chỉ còn 267 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của doanh nghiệp tăng lên 606 tỷ đồng.

Một cái tên khác cũng góp mặt trong danh sách lợi nhuận đi lùi của ngành điện là Công ty cổ phần Nhiệt điện Hải Phòng, trụ sở tại Hải Phòng (MCK: HND). Với mức đi lùi nhỏ nhất trong các doanh nghiệp cùng ngành đã công bố báo cáo tài chính quý II/2024, HND ghi nhận lợi nhuận sau thuế giảm 17% so xuống còn 276 tỷ đồng.

Về doanh thu sản xuất điện quý II tăng so với cùng kỳ 2023 do sản lượng điện cao hơn so với cùng kỳ 16,3 triệu kWh bên cạnh đó giá than tăng và giá thị trường cao hơn cùng kỳ dẫn đến doanh thu cao hơn 2023.

Trong quý này, chi phí lãi vay cũng giảm so với quý II/2023 là 10,8 tỷ đồng do số dư nợ vay dài hạn giảm dần. Cùng với đó, doanh thu hoạt động tài chính tăng 1,5 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 2,9 tỷ đồng và thu nhập khác tăng nhẹ so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, giá vốn hàng bán quý II/2024 tăng thêm 151,6 tỷ đồng nguyên nhân chủ yếu do giá than tăng dẫn đến chi phí nhiên liệu tăng.

Hết 6 tháng đầu năm 2024, doanh thu thuần của Nhiệt điện Hải Phòng tăng nhẹ lên 6.240 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 431 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước. So với kế hoạch đầu năm, công ty đã hoàn thành 55,5% mục tiêu doanh thu và chỉ còn thiếu 10 tỷ đồng để hoàn thành mục tiêu lợi nhuận sau thuế.

Tổng cộng tài sản điều chỉnh giảm nhẹ về mức 7.634 tỷ đồng, phần lớn ở các khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng và tài sản cố định. Nợ phải trả của công ty là 1.513 tỷ đồng, chủ yếu là khoản phải trả người bán ngắn hạn. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đi ngang so với đầu năm ở mức 513 tỷ đồng.

Ngược dòng các doanh nghiệp cùng ngành, Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Bắc Minh, trụ sở tại Hà Nội (MCK: SBM) ghi nhận lợi nhuận sau thuế tăng 125% lên 35 tỷ đồng so với quý II/2023.

Công ty thủy điện này giải trình do chênh lệch tăng doanh thu bán điện thương phẩm. Mùa mưa cuối quý II/2024 cao hơn so với quý II/2023 nên sản lượng điện toàn công ty tăng 59,8 triệu Kwh, góp phần tăng doanh thu quý này so với cùng kỳ năm trước.

Phương Thảo

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/hang-loat-doanh-nghiep-nganh-dien-bao-loi-nhuan-di-lui-trong-quy-ii2024-post176560.html