Hàng loạt đơn vị thuộc Tổng Công ty Xi măng Việt Nam báo lỗ

Không chỉ Tổng Công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) mà hàng loạt công ty con trong hệ sinh thái VICEM cũng báo lỗ từ năm ngoái đến quý I năm nay.

Chánh Thanh tra Bộ Tài chính đã ký quyết định thanh tra tại Tổng Công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) và 3 công ty con (Công ty TNHH MTV Xi măng VICEM Tam Điệp, Công ty TNHH MTV Xi măng VICEM Hải Phòng, Công ty TNHH MTV VICEM Hà Tiên).

Nội dung thanh tra tập trung vào các vấn đề quản lý, sử dụng vốn và tài sản tại doanh nghiệp, hạch toán doanh thu, chi phí và báo cáo kết quả kinh doanh; việc thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước và chấp hành các quy định của pháp luật về tài chính khác đối với doanh nghiệp.

Thời kỳ thanh tra là năm 2023 và những vấn đề có liên quan tới thời gian thanh tra. Đoàn thanh tra gồm 12 thành viên. Thời hạn thanh tra là 45 ngày kể từ ngày công bố quyết định thanh tra tại đơn vị.

Tổng Công ty Xi măng Việt Nam là doanh nghiệp thuộc Bộ Xây dựng. VICEM quản lý 10 nhà máy trên cả nước với 16 dây chuyền sản xuất, công suất 20 triệu tấn clinker và 27 triệu tấn xi măng mỗi năm.

Hệ sinh thái nổi tiếng với các thương hiệu xi măng Hà Tiên, Hải Phòng, Bỉm Sơn, Hoàng Thạch, Bút Sơn, Hoàng Mai... Tuy nhiên, một số đơn vị thuộc VICEM kinh doanh kém hiệu quả.

VICEM Tam Điệp doanh thu giảm, lợi nhuận âm

Tại báo cáo tài chính năm 2023, VICEM Tam Điệp báo doanh thu cả năm đạt 1.207 tỉ đồng, giảm 13% so với 2022. Còn lợi nhuận sau thuế âm 65,58 tỉ đồng.

Đơn vị kiểm toán cũng nhấn mạnh tại ngày 31-12-2023, công ty có lỗ lũy kế và nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn với số tiền lần lượt là 1.126 tỉ đồng và 589,78 tỉ đồng.

Trong đó, VICEM Tam Điệp nợ công ty mẹ (Tổng công ty Xi măng Việt Nam - VICEM) và các đơn vị thành viên hơn 496 tỉ đồng.

 VICEM Tam Điệp nợ Tổng công ty Xi măng Việt Nam và các đơn vị thành viên hơn 496 tỉ đồng. Ảnh: VICEM

VICEM Tam Điệp nợ Tổng công ty Xi măng Việt Nam và các đơn vị thành viên hơn 496 tỉ đồng. Ảnh: VICEM

Theo kiểm toán, khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn phải trả của công ty trong 12 tháng tiếp theo (năm 2024) phụ thuộc vào việc công ty này có thu được lợi nhuận trong tương lai, thu hồi kịp thời và đầy đủ các khoản phải thu, thu xếp nguồn tài chính cũng như sự hỗ trợ từ công ty mẹ và các công ty thành viên.

"Các yếu tố này có thể ảnh hưởng đến khả năng hoạt động liên tục của công ty", đơn vị kiểm toán nhấn mạnh.

Tuy nhiên đơn vị kiểm toán cũng cho biết ban tổng giám đốc công ty tin tưởng với các kế hoạch sản xuất kinh doanh, tài chính đã được xây dựng cùng với sự hỗ trợ công ty mẹ VICEM, tình hình tài chính của VICEM Tam Điệp sẽ được cải thiện.

Công ty mẹ VICEM lỗ hơn 1.100 tỷ đồng

Còn với công ty mẹ, năm 2023, VICEM lần đầu sau 7 năm công bố thông tin ghi nhận lỗ hơn 1.100 tỉ đồng, khi nhu cầu tiêu thụ xi măng giảm mạnh.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán, VICEM ghi nhận doanh thu hơn 24.006 tỉ đồng, giảm 19% so với năm 2022. Giá vốn giảm chậm hơn khiến lãi gộp năm ngoái lùi về 1.923 tỉ đồng, chỉ tương đương khoảng một nửa so với cùng kỳ năm trước đó.

 Kết quả kinh doanh hợp nhất của VICEM

Kết quả kinh doanh hợp nhất của VICEM

Trong khi chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp được tối ưu một phần, chi phí tài chính tiếp tục đội lên 47%, chủ yếu là lãi vay. Công ty còn chịu thêm phần lỗ từ các đơn vị liên doanh, liên kết.

Vì vậy, Tổng Công ty Xi măng lỗ sau thuế hơn 1.129 tỉ đồng. Đây là năm đầu tiên công ty làm ăn thua lỗ kể từ lúc công bố thông tin năm 2016. Lợi nhuận của doanh nghiệp này đã đi lùi bốn năm liên tiếp. Lỗ lũy kế tính đến cuối năm 2023 là 2.240 tỉ đồng.

Nhiều năm qua, vay nợ trở thành gánh nặng không nhỏ cho "ông lớn" ngành xi măng. Theo đơn vị kiểm toán, nợ ngắn hạn của VICEM đang vượt quá tài sản ngắn hạn. Điều này thể hiện các khó khăn về tài chính và trong việc thanh toán các khoản nợ đến hạn trả tại một số công ty con.

Hàng loạt hệ sinh thái của VICEM báo lỗ

Tương tự, ghi nhận trong quý I-2024, VICEM Hà Tiên, Bỉm Sơn, Bút Sơn cũng có kết quả kinh doanh không mấy khả quan, thậm chí thua lỗ kéo dài.

Cụ thể, Vicem Hà Tiên ghi nhận doanh thu quý đầu năm 2024 giảm gần 12% so với cùng kỳ năm trước, xuống còn 1.495 tỉ đồng do sản lượng tiêu thụ xi măng trong quý giảm; công ty lỗ sau thuế gần 25 tỉ đồng.

Tương tự, Xi măng Bỉm Sơn ghi nhận doanh thu thuần quý I-2024 đạt 690 tỉ đồng, giảm 18,6% so với cùng kỳ năm 2023 và lỗ sau thuế gần 50 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lỗ 48,6 tỉ đồng. Đây là quý thua lỗ thứ 7 liên tiếp của doanh nghiệp kể từ quý III-2022.

 Quý I-2024, VICEM Bút Sơn báo lỗ hơn 55 tỉ đồng. Ảnh: VICEM

Quý I-2024, VICEM Bút Sơn báo lỗ hơn 55 tỉ đồng. Ảnh: VICEM

Còn VICEM Bút Sơn, ghi nhận doanh thu thuần kỳ đạt gần 515 tỉ đồng, giảm 21% so với cùng kỳ. Do giá vốn cao hơn doanh thu, công ty lỗ gộp 812 triệu đồng.

Sau trừ chi phí, đơn vị này báo lỗ sau thuế 55,48 tỉ đồng, cao gấp hơn 3 lần mức lỗ cùng kỳ, đánh dấu quý lỗ thứ 6 liên tiếp.

Hồi tháng 4, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội đưa ra danh sách doanh nghiệp sản xuất xi măng có lợi nhuận sau thuế năm 2023 âm, mã chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ (margin) như: Bỉm Sơn, Bút Sơn, Hoàng Mai...

MINH TRÚC

Nguồn PLO: https://plo.vn/hang-loat-don-vi-thuoc-tong-cong-ty-xi-mang-viet-nam-bao-lo-post799521.html