Hàng loạt dự án bất động sản 'đắp chiếu' kéo dài
Thị trường bất động sản hiện đang đối mặt với nhiều vấn đề nan giải, đặc biệt là hàng loạt dự án 'đắp chiếu' kéo dài, gây lãng phí nguồn lực quốc gia và ảnh hưởng tiêu cực đến cả người dân lẫn doanh nghiệp.
Hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần tăng thu ngân sách và chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng sản phẩm quốc nội đối với một quốc gia. Có thể thấy, thị trường bất động sản phát triển ổn định, bền vững trong thời gian tới cũng nằm trong mục tiêu chung của phát triển kinh tế đất nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, thị trường cũng đã xuất hiện những dấu hiệu “tạo nhiệt”. Tính chung 9 tháng đầu năm 2024, thị trường ghi nhận 30.589 giao dịch thành công, gấp 2.5 lần so với cùng kỳ năm 2023. Trong 9 tháng đầu năm nay, thị trường bất động sản đã ghi nhận 38.797 sản phẩm mới được chào bán. Trong đó, các sản phẩm có giá bán trên 50 triệu đồng/m2 trở lên chiếm phần áp đảo. Thị trường gần như vắng bóng hoàn toàn căn hộ chung cư thương mại giá bình dân.
Tại Diễn đàn "Phát triển bền vững thị trường bất động sản" vừa diễn ra, Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho biết, thị trường bất động sản Việt Nam hiện đang đối mặt với nhiều vấn đề nan giải, đặc biệt là hàng loạt dự án "đắp chiếu" kéo dài, gây lãng phí nguồn lực quốc gia và ảnh hưởng tiêu cực đến cả người dân lẫn doanh nghiệp.
Theo thống kê, Hà Nội có gần 1.500 dự án bị "đắp chiếu", trong khi Thành phố Hồ Chí Minh là khoảng 2.600 dự án. Tình trạng này không chỉ gây thiếu hụt nhà ở, mà còn làm suy giảm cơ hội việc làm.
Trong bối cảnh đó, các cơ quan quản lý đã có những động thái tích cực để tháo gỡ khó khăn, hiện Hà Nội đang tiến hành rà soát toàn bộ các dự án đang gặp vướng mắc, bao gồm cả những dự án chậm tiến độ, dự án bị "đắp chiếu" để tìm ra phương án giải quyết.
Tuy vậy, chuyên gia Lê Xuân Nghĩa cho rằng, việc cần thiết nhất hiện nay là xây dựng một Nghị quyết Quốc hội nhằm tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến pháp lý, quản lý và thủ tục hành chính... Thị trường bất động sản vốn liên quan đến nhiều luật, từ Luật Đất đai, Luật Đầu tư, đến Luật Kinh doanh bất động sản, một Nghị quyết Quốc hội, hoặc Quốc hội có thể ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội xây dựng Nghị quyết sẽ tạo ra khung pháp lý cần thiết để giải quyết triệt để các bất cập hiện tại.
Đây không chỉ là niềm hy vọng của các doanh nghiệp bất động sản, mà còn là lời giải cho bài toán nhà ở cho hàng triệu người dân. Nếu không hành động kịp thời, thị trường sẽ tiếp tục rơi vào vòng luẩn quẩn, các cơ hội đầu tư và phát triển bị bỏ lỡ.
Bên cạnh đó, chuyên gia cũng chia sẻ, nhìn vào các mảng thị trường kinh tế khác nhau, có thể thấy rõ kinh doanh bất động sản tại Việt Nam là một trong những lĩnh vực mà doanh nghiệp nội địa có lợi thế cạnh tranh cao nhất, mức độ cạnh tranh của doanh nghiệp nội địa với nước ngoài là rất thấp.
Theo ông Lê Xuân Nghĩa, với việc Luật Đất đai đã được sửa đổi, sắp tới thị trường bất động sản được kỳ vọng sẽ mở ra nhiều cơ hội mới nhờ các quy định thông thoáng hơn, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, các dự án hạ tầng lớn như đường sắt cao tốc, hay việc mở rộng mạng lưới đường bộ và đường sắt sẽ trở thành đòn bẩy mạnh mẽ, góp phần hình thành nhiều đô thị, mở ra những cơ hội đầu tư bất động sản trong tương lai.
Tuy nhiên, cần nhìn nhận rằng, bất động sản luôn có tính chu kỳ và dễ bị ảnh hưởng bởi yếu tố chính trị. Do đó, các nhà đầu tư cần xây dựng chiến lược dài hạn và luôn chú trọng đến các yếu tố chính trị, pháp lý.
Các chuyên gia cũng nhận định, thị trường bất động sản năm 2024 dù còn nhiều khó khăn, nhưng về cuối năm đã có sự phục hồi tích cực nhờ sự ổn định của nền kinh tế và các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, đặc biệt là Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh bất động sản 2023 và Luật Đất đai 2024 đã chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2024.
Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/hang-loat-du-an-bat-dong-san-dap-chieu-keo-dai-181256.html