Hàng loạt mẫu xe xăng sắp dừng bán
Nhiều mẫu ô tô, xe máy sẽ bị dừng bán nếu không đáp ứng hạn mức tiêu thụ nhiên liệu sẽ được áp dụng trong thời gian tới
Hiện nay, hầu hết ô tô lắp ráp trong nước hay nhập khẩu nguyên chiếc đều có mức tiêu hao nhiên liệu khá cao. Trong khi đó, thời hạn phải đáp ứng quy định mới về tiêu thụ nhiên liệu đang đến gần.
Chỉ lưu hành xe tiết kiệm nhiên liệu
Năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định yêu cầu áp dụng giới hạn mức tiêu thụ nhiên liệu đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ theo lộ trình, hướng tới giảm tối đa mức phát thải khí nhà kính.

Mức tiêu thụ nhiên liệu đối với nhiều dòng ô tô hiện nay vẫn ở mức cao
Đến cuối tháng 9-2024, Bộ Giao thông Vận tải (nay là Bộ Xây dựng) cũng có quyết định về kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực giao thông vận tải có hiệu lực từ năm 2030. Theo đó, mức tiêu thụ năng lượng đối với xe máy phải đạt 2,3 lít/100 km; ô tô con dung tích dưới 1.400 cc là 4,7 lít/100 km; ô tô trung bình 1.400 - 2.000 cc là 5,3 lít/100 km và ô tô dung tích lớn hơn 2.000 cc là 6,4 lít/100 km. Đây là quy định về hiệu suất năng lượng tối thiểu (MEPS) mà các mẫu xe phải đạt để được bán ra thị trường. Tuy nhiên, nhiều mẫu xe đang lưu hành hiện nay có mức tiêu hao nhiên liệu cao hơn quy định.
Bộ Xây dựng cho biết đã giao Cục Đăng kiểm Việt Nam xây dựng bộ tiêu chuẩn hạn mức tiêu thụ năng lượng, dự kiến ban hành trong năm nay, làm cơ sở để doanh nghiệp (DN) sản xuất và xuất khẩu xe tự đánh giá và chuẩn bị kế hoạch phù hợp trước khi bộ quy chuẩn chính thức có hiệu lực.
Về phía nhà sản xuất, nhiều DN đã chủ động xây dựng kế hoạch chuyển đổi sớm sang dòng xe mới để tránh bị động. Theo Toyota Việt Nam, chỉ xe hybrid mới có mức tiêu hao nhiên liệu thấp nên hãng xe Nhật Bản này có kế hoạch chuyển đổi sang dòng hybrid mạnh hơn nữa, sau khi đã đưa 6 mẫu ra thị trường trong nước.
Bà Nguyễn Thị Thảo Vân, đại diện Volkswagen Việt Nam, cho biết sẽ thông tin về quy định mới liên quan mức tiêu hao nhiên liệu đến Tập đoàn Volkswagen để tập đoàn có kế hoạch nghiên cứu sản phẩm phù hợp tại thị trường Việt Nam.
Còn với các hãng xe sang Mercedes, Audi, việc chuyển đổi cũng là bắt buộc bởi những dòng xe này tiêu hao năng lượng ở mức lớn. Tuy nhiên, các hãng xe sang xem Việt Nam là thị trường nhỏ nên khó có thể sản xuất mẫu riêng cho khách hàng Việt. Trước mắt, các hãng sẽ bán một số mẫu phân khúc nhỏ có mức tiêu hao nhiên liệu thấp, sau đó chuyển sang dòng xe hybrid, xe thuần điện. Hiện tại, Audi có 4 mẫu xe điện bán tại thị trường Việt Nam, Mercedes có 6 mẫu thuần điện.
Cân nhắc giải pháp hài hòa
Theo một số báo cáo, nếu áp dụng MEPS, có tới 97% mẫu xe sử dụng động cơ đốt trong không đáp ứng quy định. Trong tình huống không có phương án chuyển đổi, sản lượng ô tô bán ra hằng năm dự báo giảm tới 77%, kéo theo ngân sách hụt thu 377.000 tỉ đồng và nền kinh tế mất đi 574.000 tỉ đồng giá trị đóng góp vào GDP. Trong khi đó, nếu áp dụng giải pháp kiểm soát theo mức tiêu thụ nhiên liệu trung bình (CAFC), với giả định tăng trưởng sản lượng ô tô 10%, GDP chỉ giảm khoảng 73.000 tỉ đồng và thu ngân sách giảm khoảng 38.000 tỉ đồng.
Theo ông Đào Công Quyết, đại diện Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), chỉ các dòng xe BEV (xe thuần điện), HEV (hybrid tự sạc) và PHEV (hybrid sạc ngoài) mới đáp ứng được quy định MEPS. Như vậy, giải pháp MEPS sẽ giới hạn thị trường ở một số dòng, kiểu xe trong khi nhu cầu của khách hàng đa dạng. Từ đó dẫn đến xu hướng kéo dài thời gian sử dụng xe cũ, làm tăng áp lực lên việc thu hồi và tái chế phương tiện.
Các chuyên gia cho biết hầu hết quốc gia đi đầu về quản lý tiêu hao năng lượng đều đang áp dụng mô hình CAFC, trừ Trung Quốc đã chuyển sang kết hợp cả MEPS và CAFC. ThS Đinh Trọng Khang, Phó Giám đốc Viện Chuyên ngành Môi trường - Viện Khoa học và Công nghệ giao thông vận tải, nhận xét mô hình CAFC linh hoạt hơn vì cho phép DN bù trừ giữa các mẫu xe có mức tiêu thụ cao và thấp, chỉ cần bảo đảm trung bình toàn danh mục đạt chuẩn. "Có những hãng chỉ sản xuất xe phân khối lớn, xe đua hoặc xe sang với mức tiêu hao năng lượng nhiều. Nếu tính hạn theo dung tích động cơ thì các dòng xe này sẽ không thể tiếp tục bán ra" - ThS Khang nêu thực tế.
Theo ông Trần Quang Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ, Môi trường và Vật liệu xây dựng - Bộ Xây dựng, kiểm soát mức tiêu hao nhiên liệu chỉ là một trong các giải pháp nhằm đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050. Cơ quan quản lý vẫn đang cân nhắc thực hiện giải pháp nào bảo đảm hài hòa giữa lợi ích kinh tế và môi trường. Trong đó, giải pháp CAFC được cho là phù hợp hơn trong bối cảnh hiện nay.
Yêu cầu hãng xe mua tín chỉ carbon
GS-TS Đỗ Văn Dũng, giảng viên Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, nhận định việc đánh giá mức tiêu thụ nhiên liệu chỉ dựa vào dung tích xi lanh là chưa đủ, mà cần tính đến điều kiện vận hành thực tế và công nghệ. Các hãng xe vì thế phải đầu tư cải tiến công nghệ, hướng tới áp dụng các tiêu chuẩn khí thải EURO 6 và 7 như tại châu Âu; tích cực phát triển xe hybrid và xe điện. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng có thể xem xét giải pháp yêu cầu các hãng xe mua tín chỉ carbon để bù đắp cho lượng khí thải phát sinh từ việc sử dụng nhiên liệu truyền thống.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/hang-loat-mau-xe-xang-sap-dung-ban-196250503192147856.htm