Hàng loạt thách thức với giao thông, sức khỏe con người từ xe và khí thải

Bụi mịn gây ra bệnh tật hoặc cái chết cao gấp nhiều lần so với người chết vì tai nạn giao thông. Việc kiểm soát bụi mịn, bụi bẩn, nhất là từ phương tiện giao thông phát thải là một thách thức lớn hiện nay.

Ngày 24/7, trường ĐH Việt Đức phối hợp cùng DEKRA (tổ chức cung cấp dịch vụ đo kiểm toàn cầu về an toàn phương tiện giao thông, Đức) tổ chức Hội thảo Kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với các loại xe tham gia giao thông.

Tại đây, vấn đề kiểm định an toàn và phát thải khí có hại từ động cơ xe được đặt ra để thảo luận và tìm giải pháp.

Hàng loạt thách thức với giao thông đường bộ

Ông Lê Văn Đạt, Trưởng phòng An toàn giao thông, Viện chiến lược và phát triển giao thông (Bộ GTVT) đang trình bày tại hội thảo. Ảnh: Đặng Đại

Ông Lê Văn Đạt, Trưởng phòng An toàn giao thông, Viện chiến lược và phát triển giao thông (Bộ GTVT) đang trình bày tại hội thảo. Ảnh: Đặng Đại

Chia sẻ tại hội thảo, ông Lê Văn Đạt, Trưởng phòng An toàn giao thông, Viện chiến lược và phát triển giao thông (Bộ GTVT) cho biết, Việt Nam đang đối mặt với hàng loạt thách thức về giao thông đường bộ.

Theo đó, cùng với sự phát triển mạnh của kinh tế xã hội, nhu cầu vận tải hành khách, hàng hóa cũng đã gia tăng một cách nhanh chóng, gây áp lực với kết cấu hạ tầng.

Đến nay, hệ thống đường bộ Việt Nam có khoảng 630.000km, trong đó có trên 2.000km đường cao tốc; đáp ứng được cho phát triển kinh tế, xã hội của đất nước nhưng vẫn còn nhiều hạn chế.

Dù mạng lưới đường bộ còn đang tiếp tục phát triển để đáp ứng nhu cầu vận tải nhưng giai đoạn vừa qua, tốc độ phương tiện lại phát triển rất nhanh.

Theo ông Đạt, giai đoạn từ năm 2000 đến 2010, tốc độ tăng trưởng của phương tiện cơ giới đường bộ tăng khoảng 17,5%; giai đoạn từ 2010 đến nay tăng khoảng 8%. Đến năm 2023, Việt Nam có khoảng 79 triệu phương tiện (có 73 triệu xe máy và hơn 6 triệu xe ô tô).

TP.HCM có hơn 8 triệu xe máy, trong đó, tỷ lệ xe cũ kỹ, quá niên hạn chiếm tỷ lệ rất cao. Ảnh: Mỹ Quỳnh.

TP.HCM có hơn 8 triệu xe máy, trong đó, tỷ lệ xe cũ kỹ, quá niên hạn chiếm tỷ lệ rất cao. Ảnh: Mỹ Quỳnh.

Theo số liệu thống kê từ năm 2012 đến 2022, trong tổng số các trường hợp kiểm tra tải trọng, có đến 9,8% vi phạm về quá tải trọng. Đặc biệt trong năm 2022, tỷ lệ này lên đến 15,8%.

"Xe quá tải gây ra thách thức rất lớn, nó không những gây thiệt hại, giảm tuổi thọ kết cấu hạ tầng, mà còn dẫn đến các hệ lụy như mất an toàn giao thông, ùn tắc giao thông, ảnh hưởng đến môi trường", ông Đạt nói.

Bên cạnh đó, tình trạng tai nạn giao thông đường bộ mặc dù có chiều hướng giảm nhưng chưa đạt được mục tiêu đề ra là giảm từ 5-10% số người chết do tai nạn giao thông. Tai nạn giao thông xảy ra chủ yếu ở quốc lộ (khoảng 35%) và phương tiện liên quan đến tai nạn giao thông chủ yếu là xe máy (khoảng 60%).

Tình trạng ô nhiễm không khí đáng báo động tại Việt Nam, trong đó có tác nhân là khí thải do các loại xe gây ra.

Tình trạng ô nhiễm không khí đáng báo động tại Việt Nam, trong đó có tác nhân là khí thải do các loại xe gây ra.

Một số thách thức khác đối với lĩnh vực đường bộ được nêu thêm như: Việt Nam chưa áp dụng hệ thống chống phanh bó cứng, đèn tự động bật ban ngày; công tác đào tạo sát hạch, cấp giấy phép lái xe có lúc có nơi còn chưa chặt chẽ... Đặc biệt là ô nhiễm không khí do các phương tiện giao thông vận tải chưa được quan tâm đúng mức.

Theo báo cáo về chất lượng không khí thế giới năm 2022, chất lượng không khí, môi trường không khí tại các đô thị của Việt Nam đang rất báo động, xếp thứ ba về độ cảnh báo trong các quốc gia ở các nước ASEAN. Mức này gấp từ 5-7 lần so với mức khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới.

Điều này làm ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của cộng đồng. Do đó, việc giảm phát thải nhà kính do hoạt động giao thông vận tải là điều rất quan trọng.

Có thể kiểm định khí thải xe máy trong 5 năm tới

Tại hội thảo, PGS.TS Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu GTVT Việt Đức, trường ĐH Việt Đức chia sẻ, TP.HCM hiện có khoảng 8 triệu xe mô tô, xe máy và hơn 1 triệu xe ô tô. Các loại xe này không chỉ gây ùn tắc, gây tai nạn giao thông mà còn tác động lớn đến sức khỏe của người dân qua vấn đề khí thải.

Ông Tuấn cho biết, công trình nghiên cứu, khảo sát và lượng hóa tác động đến sức khỏe của bụi mịn trong chương trình hợp tác song phương giữa Việt Nam và Cộng hòa Liên bang Đức cho thấy, riêng bụi mịn 2.5 và PM10 đã gây ra cái chết cũng như giảm tuổi thọ khoảng 2.000-3.000 người/năm (tại TP.HCM), tùy thuộc vào giới hạn và do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra.

Trong khi đó, theo thống kê, mỗi năm TP.HCM có khoảng 500-600 người tử vong do tai nạn giao thông. Tức ảnh hưởng xấu của bụi mịn còn nghiêm trọng hơn nhiều lần.

PGS.TS Vũ Anh Tuấn. Ảnh: Mỹ Quỳnh.

PGS.TS Vũ Anh Tuấn. Ảnh: Mỹ Quỳnh.

Do đó theo ông, vấn đề về sức khỏe đặt ra yêu cầu cấp bách, là phải làm sao để kiểm soát khí bụi bẩn từ các phương tiện như xe mô tô, xe gắn máy và ô tô.

Điều này cũng đồng hành với nỗ lực của việc cắt giảm phát thải khí nhà kính, vấn đề toàn cầu và thể hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam đối với phát thải khí nhà kính. Từ đó, các thành phố lớn cũng phải đồng hành cùng với Chính phủ trong nỗ lực cùng với cộng đồng quốc tế.

Để giảm phát thải khí bụi bẩn, ông Tuấn cho rằng, cần tập trung nhiều cho những phương tiện có nhiều khí bụi bẩn, đặc biệt là bụi mịn và các khí oxit lưu huỳnh, oxit ni tơ. Trong đó, xe mô tô, xe gắn máy đóng góp một phần rất lớn phát thải các khí này vì TP.HCM có đến 8 triệu xe máy; trong số này, xe cũ, xe quá niên hạn trên 15 năm chiếm tỷ lệ rất cao. Điều này đặt ra thách thức đối với chính quyền TP.HCM, phải có nghiên cứu và đưa ra lộ trình để kiểm soát phát thải các bụi bẩn ảnh hưởng đến sức khỏe của con người.

"Trong thời gian tới, nhóm nghiên cứu của trường ĐH Việt Đức sẽ phối hợp với các cơ quan, bộ ngành và các tổ chức nước ngoài nghiên cứu sâu hơn để đưa ra các lộ trình phù hợp", ông Tuấn nói.

Ban tổ chức và khách mời tham dự hội thảo chụp hình lưu niệm. Ảnh: Mỹ Quỳnh.

Ban tổ chức và khách mời tham dự hội thảo chụp hình lưu niệm. Ảnh: Mỹ Quỳnh.

Tuy nhiên, theo ông Tuấn, trước mắt TP.HCM có thể triển khai lộ trình trong 5 tới theo tinh thần của Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ mới ban hành. Bắt đầu từ năm sau (2025) phải có kiểm soát về kiểm định khí thải đối với phương tiện xe mô tô, xe gắn máy. TP.HCM có thể tiên phong, phối hợp với Cục Đăng kiểm để xem xét các quy chuẩn, quy định, hướng dẫn về mặt kỹ thuật đối với kiểm định khí thải, với phương tiện xe hai bánh.

Đồng thời, triển khai ở giai đoạn đầu bằng cách sử dụng các trung tâm bảo dưỡng xe mô tô, xe gắn máy, có năng lực về mặt kỹ thuật, trang thiết bị để đo lượng bụi, bụi mịn và mức khí độc hại khác từ xe máy.

Nếu xe không đạt yêu cầu, buộc phải có giải pháp về mặt kỹ thuật duy tu, bảo dưỡng... để xe giảm phát thải khí bụi bẩn. Nếu xe không thể bảo dưỡng, lượng phát thải quá lớn thì phải thải loại. Đi liền với đó, thành phố cũng cần có chính sách hỗ trợ cá nhân, doanh nghiệp phải thải loại xe cũ, đổi sang xe mới...

"Hiện nay, trong đề án về kiểm soát khí thải phương tiện, TP.HCM cũng đã có ý manh nha về đề xuất khuyến khích người dân chuyển sang sử dụng xe máy điện. Chính quyền thành phố có thể có những hỗ trợ về mặt tài chính. Tôi nghĩ rằng, đó là những định hướng về chính sách và lộ trình trong 5 năm tới mà chúng ta có thể thực hiện được", ông Tuấn Anh nói.

Mỹ Quỳnh

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/hang-loat-thach-thuc-voi-giao-thong-suc-khoe-con-nguoi-tu-xe-va-khi-thai-19224072415301471.htm