Hàng loạt vụ ngộ độc rượu methanol: Đừng để rước họa vào thân
Mặc dù đã có nhiều lời cảnh báo về tác hại của tình trạng ngộ độc rượu (methanol) đối với sức khỏe nhưng không ít người vẫn phớt lờ, tiếp tục lạm dụng rượu, sử dụng rượu không rõ nguồn gốc để rồi rước họa vào thân.
Đặc biệt, thời gian qua, liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc rượu methanol, trong đó nhiều vụ nạn nhân đã tử vong.
Tử vong do rượu pha nước ngọt
Ngày 8/8, thông tin từ Bệnh viện (BV) Nhân dân Gia Định (TP Hồ Chí Minh) cho hay, BV lại vừa tiếp nhận cứu chữa thêm 5 trường hợp ngộ độc rượu. Trước đó, đêm 6/8, bệnh nhân T.C.T. (18 tuổi, ngụ Hậu Giang) nhập viện vì nôn ói nhiều, mệt. Trước ngày nhập viện, bệnh nhân đã uống rượu với 4 người bạn. Nhóm người này dùng cồn rửa tay pha chế thành rượu để uống.
Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân có nồng độ cồn methanol trong máu rất cao (242.25mg/dL). Bệnh nhân đã được lọc máu, điều trị nội khoa tích cực để đào thải độc tố trong cơ thể. Tiếp đến, chiều ngày 7/8, 4 trường hợp còn lại cũng phải nhập viện cấp cứu vì tình trạng nghiêm trọng về sức khỏe, được chẩn đoán theo dõi ngộ độc rượu methanol.
Trước đó, ngày 5/8, một vụ ngộ độc rượu nghiêm trọng cũng xảy ra tại TP Hồ Chí Minh. Theo đó, một nhóm sinh viên tổ chức đi ăn sau khi hết giờ làm thêm. Hôm sau, 2 người tử vong, 6 người đi cấp cứu. Thông tin ban đầu cho thấy, nhóm sinh viên đã sử dụng 5 lít rượu có sẵn trong kho của quán từ tháng 5.
Sau đó, họ pha với nước ngọt để uống. Đến nay, vẫn chưa xác định được nguồn gốc của 5 lít rượu. Nồng độ Methanol trong máu của các bệnh nhân khi vào viện rất cao, đến 246,46 mg/dL ở một bệnh nhân nam. Hiện tại, 4 người đang điều trị tại BV Nhân dân Gia Định, 2 người tại BV Đa khoa Khu vực Thủ Đức.
Trước đó, ngày 25/7, BV Đa khoa tỉnh Cà Mau đã tiếp nhận bà N.T.L. (37 tuổi) và Đ.T.L. (44 tuổi, cùng ngụ xã Tân Hưng, huyện Cái Nước) nhập viện trong tình trạng rất nặng, bị mê man, mạch và huyết áp bằng 0, phải thở máy. Dù các bác sĩ rất tích cực cứu chữa, bù nước và lọc máu nhưng cả hai đã không qua khỏi. 2 nạn nhân sau đó được chẩn đoán ngộ độc rượu, nghi ngộ độc methanol (cồn công nghiệp). Nhóm bệnh nhân cùng nhau uống rượu nhiều ngày liên tiếp và dẫn tới vụ ngộ độc.
Theo bác sĩ Hoàng Tiến Nam - Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc BV Nhân dân Gia Định, methanol có nhiều công dụng khác nhau như làm sơn, dung môi... Tuy nhiên, chất này rất độc với cơ thể và hoàn toàn không được dùng làm rượu thực phẩm như ethanol.
Ngộ độc rượu từ ethanol thường chỉ có các triệu chứng như say rượu nhưng ngộ độc rượu do methanol thì thường nặng hơn do bị pha cồn công nghiệp vào đồ uống. Ngộ độc methanol trong rượu có thể khiến bệnh nhân bị mù mắt vĩnh viễn, tổn thương não, suy thận cấp, diễn tiến tim mạch, thậm chí tử vong. Trong 12 giờ đầu, bệnh nhân chỉ ói mửa, nhức đầu, dễ nhầm với say rượu.
Đề phòng ngộ độc rượu
Liên quan đến vấn đề này, bác sĩ Hoàng Thị Thúy - BV Đa khoa Medlatec cho rằng, trường hợp ngộ độc rượu methanol thường xuất hiện khi sử dụng các loại rượu pha chế. So với ngộ độc ethanol thì methanol cũng gây ra các triệu chứng ngộ độc nhẹ tương tự. Biến chứng ngộ độc rượu methanol thể hiện mạnh và nguy hiểm hơn như thở nhanh, tắt đường thở, giãn đồng tử, mạch nhanh, co giật, sùi bọt mép…
“Để phòng chống ngộ độc rượu, người dân tuyệt đối không uống các loại rượu không rõ nguồn gốc, kém chất lượng; chỉ uống rượu với nồng độ cồn vừa phải, phù hợp với tửu lượng của cơ thể; không nên sử dụng các loại rượu được pha từ nhiều loại rượu khác nhau. Ngoài ra, người dân không được sử dụng các loại rượu có chứa cồn công nghiệp; không uống rượu khi bụng đói hoặc khi có các dấu hiệu mệt mỏi trước đó. Khi có biểu hiện ngộ độc rượu thì cần tìm ngay đến cơ sở y tế để được hỗ trợ” - bác sĩ Thúy khuyến cáo.
Đề cập đến việc pha rượu với nước ngọt, chuyên gia hóa học, PGS.TS Trần Hồng Côn - nguyên giảng viên Khoa Hóa, trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, việc pha rượu với nước ngọt để uống gây nguy hại cho sức khỏe dù các loại nước này đều nằm trong danh mục các chất đã được Bộ Y tế cho phép sử dụng.
Theo khuyến cáo của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, pha rượu với những loại nước có gas, bia, cà phê, hoa quả công nghiệp nhiều phẩm màu... rất có hại cho sức khỏe. Đường có trong rượu pha nước ngọt làm cho rượu phân tán nhanh khắp nơi trong cơ thể người uống, đặc biệt là hệ thần kinh, do đó làm cho người uống dễ say nhanh và nhiều hơn.
Kết hợp rượu và nước ngọt gây co mạch ở các phủ tạng sâu khác, dẫn đến huyết áp cao đột ngột, có thể tử vong. Do vậy, người tiêu dùng tuyệt đối không uống rượu pha với các loại nước có gas, nước hoa quả… để tránh bị ngộ độc hoặc gây ra những biến chứng, ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân.
Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại rượu không rõ nguồn gốc có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của người sử dụng. Về nhận diện, methanol rất giống với rượu ethanol thông thường, thậm chí còn ngọt, dễ uống hơn. Khi mới uống, bệnh nhân cũng có cảm giác giống say rượu nên dễ bị nhầm lẫn.
Tuy nhiên, khoảng 1 - 2 ngày sau uống, bệnh nhân sẽ có biểu hiện mờ mắt, lơ mơ, thở nhanh và thở sâu giống như khó thở do nhiễm toan chuyển hóa, co giật, hôn mê. Khi đến viện, hầu hết các trường hợp này đã tổn thương não, mù mắt và tụt huyết áp, trong tình trạng nguy kịch.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/hang-loat-vu-ngo-doc-ruou-methanol-dung-de-ruoc-hoa-vao-than.html