Hãng logistics Nga muốn đặt cảng trung chuyển hàng hóa vào ASEAN tại TP HCM
Nhiều công ty logistics Nga đã mở các tuyến vận chuyển đường sắt, đường biển thúc đẩy thương mại Việt - Nga, trong đó Tập đoàn FESCO đang ấp ủ dự án xây dựng cảng Sài Gòn thành cảng trung chuyển hàng hóa tới các nước Đông Nam Á của FESCO.
Để tạo thuận lợi vận chuyển hàng hóa hai nước, tại Diễn đàn doanh nghiệp “Việt Nam – Liên bang Nga: Cơ hội hợp tác mới và các lĩnh vực tiềm năng”, chiều 6/4, ông Priskoka Alexander Mikhailovich, Phó Giám đốc Thương mại Phát triển Kinh doanh tại Châu Á, Tập đoàn FESCO cho biết, doanh nghiệp này đã có mặt ở thị trường vận chuyển ở châu Á từ lâu với nhiều phương thức khác nhau.
Về việc mở các tuyến đường biển Nga ở Việt Nam, ông Mikhailovich cho biết, nếu Việt - Nga mở các tuyến tàu đường biển trực tiếp không qua các nước trung gian sẽ rút ngắn được thời gian vận chuyển từ 9-12 ngày. Do đó, tập đoàn FESCO đã hiện thực hóa điều này vận chuyển hàng hóa từ Nga tới trực tiếp cảng Việt Nam.
“Tôi được biết hiện Việt Nam đang gặp phải khó khăn về container. Theo tôi, việc vận chuyển hàng hóa Việt Nam sang Nga và ngược lại đã không còn nhiều khó khăn khi được giải quyết bằng giải pháp trực tiếp như trên. Trong thời gian qua, chúng tôi đã vận chuyển nhiều loại hàng hóa như vật liệu xây dựng, nông sản, gỗ”, ông Priskoka Alexander Mikhailovich nói.
Theo đại diện châu Á của FESCO, thời gian là yếu tố quan trọng nhất trong khâu vận chuyển, tập đoàn hy vọng càng rút ngắn thời gian càng tốt để việc thuận lợi thương mại giữa hai nước được thúc đẩy hơn nữa.
Ông Priskoka Alexander Mikhailovich, đại diện FESCO châu Á
Bên cạnh đường biển, đường sắt là hình thức được sử dụng khá nhiều để vận chuyển hàng hóa từ Việt Nam sang Liên bang Nga. Đây cũng là phương thức tối ưu trong thời điểm cước vận tải biển tăng vọt.
Là đơn vị cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng hóa đường sắt từ Việt Nam sang Nga, đại diện Công ty Cổ phần RZD Logistics chia sẻ, mỗi năm khối lượng vận chuyển công ty thực hiện được hơn 1 tỷ tấn, tổng các tuyến đường sắt khai thác có chiều dài hơn 80.000km ở châu Á, Trung Đông và châu Phi.
Giải pháp của RZD đối với logistics Việt - Nga là khai thác vận chuyển những mặt hàng quá khổ bằng các toa tàu đặc thù với cân nặng tới 240 tấn. “Chúng tôi có những loại hình vận chuyển dành riêng cho nông nghiệp, với các container bảo quản đông lạnh của RZD có thể tích hợp với các loại đường ray khác nhau, với cả đường sắt, đường biển và đường bộ. Vào tháng 3/2023, chúng tôi đã chính thức vận hành những container này ở Việt Nam”, đại diện RZD cho biết thêm.
Bên cạnh việc ghi nhận những đơn vị vận chuyển với các hình thức khác nhau đã giúp thương mại Việt Nam – Nga phát triển thời gian qua, ông Dương Hoàng Minh, Tham tán thương mại Việt Nam ở Liên bang Nga cũng đề cập đến giá cước vận tải vẫn đang ở mức cao.
“Nếu giá rẻ hơn sẽ có thể giúp các doanh nghiệp đẩy mạnh giao thương với nhau nhiều hơn. Như vậy, cả các doanh nghiệp xuất nhập khẩu và doanh nghiệp logistics sẽ cùng có lợi. Do đó, tôi mong muốn các đơn vị cung cấp dịch vụ logistics sẽ điều chỉnh mức giá hợp lý hơn để góp phần đưa kim ngạch thương mại hai nước lên mức cao hơn”, ông Dương Hoàng Minh nhấn mạnh.
Việt Nam xếp thứ 11 trong nhóm 50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu
Theo Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, logistics Việt Nam thời gian qua đã có những bước tiến tích cực hỗ trợ cho cầu nối thương mại sang các thị trường quốc tế trong đó có Liên bang Nga.
Về đường biển, Việt Nam có 256 bến cảng thuộc 5 nhóm cảng biển. Ngoài ra Việt Nam đã thiết lập được 32 tuyến vận tải cả nội địa và quốc tế, vận tải được các tuyến tàu xa đi Bắc Mỹ và châu Âu. Về đường sắt có 7 tuyến chính với 3.143km. Mạng lưới đường sắt Việt Nam đã được nối với tuyến đường sắt quốc tế Á - Âu.
Theo bảng xếp hạng của Agility 2022, thị trường logistics Việt Nam được xếp hạng thứ 11 trong nhóm 50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu. Tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) giai đoạn 2022 - 2027 của thị trường logistics Việt Nam được dự báo đạt mức 5,5% cho thấy sức hấp dẫn của ngành này trong tổng thể nền kinh tế. Do đó, dư địa cho phát triển logistics tại Việt Nam còn rất lớn.