Hàng ngàn căn hộ tái định cư bỏ trống, có người dọn về rồi lại chuyển đi

Đã xây dựng hoàn tất và đưa vào sử dụng từ nhiều năm qua nhưng hai khu tái định cư lớn nhất TPHCM vẫn thưa vắng người ở. Nhiều bất cập khiến các hộ dân bị giải tỏa không chọn về đây sinh sống.

Lời tòa soạn:

TPHCM hiện có gần 9.000 căn hộ tái định cư thuộc sở hữu nhà nước chưa bố trí cho người dân. Trong khi những căn nhà này đang bị bỏ trống, người thu nhập thấp tìm ‘đỏ mắt” vẫn không mua được nhà giá rẻ.

Để có thêm góc nhìn thực tế và gợi mở các giải pháp sử dụng quỹ nhà tái định cư hiệu quả, Báo VietNamNet giới thiệu đến quý độc giả loạt bài “Tìm lời giải cho cả chục ngàn căn hộ tái định cư đang bỏ trống tại TPHCM”.

‘Về đây rồi, làm gì để sống?’

Quy mô gần 2.000 căn hộ và 529 nền đất, Khu tái định Vĩnh Lộc B được xây dựng trên khu đất rộng 30ha tại huyện Bình Chánh, TPHCM. Nơi đây được quy hoạch thành khu dân cư kiểu mẫu, phục vụ tái định cư cho người dân bị giải tỏa tại các dự án chỉnh trang đô thị của thành phố.

Khu tái định cư Vĩnh Lộc B còn khoảng 1.500 căn hộ bỏ trống. Ảnh: Anh Phương

Khu tái định cư Vĩnh Lộc B còn khoảng 1.500 căn hộ bỏ trống. Ảnh: Anh Phương

Có vốn đầu tư 1.062 tỷ đồng và đưa vào sử dụng từ năm 2013, đến nay Khu tái định cư Vĩnh Lộc B vẫn còn khoảng 1.500 căn hộ bỏ trống.

Chuyển về đây từ năm 2016, bà Trần Thị Hồng cho biết, gia đình bà thuộc diện bị giải tỏa để thực hiện dự án cải tạo kênh Tham Lương – Bến Cát – rạch Nước Lên, đoạn qua Q.Bình Tân. Gia đình bà Hồng với 4 nhân khẩu được bố trí căn hộ 50m2 tại Khu tái định cư Vĩnh Lộc B.

Theo bà Hồng, dù nhà mới rộng rãi và khang trang hơn nơi ở cũ nhưng cuộc sống lại có nhiều khó khăn hơn. Trước đây, bà mưu sinh bằng công việc bán bánh mì với mức thu nhập hơn 12 triệu đồng/tháng, khi về nơi ở mới, thu nhập chưa bằng một nửa.

“Người dân ở đây chủ yếu làm công việc lao động tự do và công nhân. Khi tôi mới dọn về, nơi đây rất hoang vắng. Như tòa nhà này có gần 60 căn hộ nhưng chỉ có hơn 10 hộ dân sinh sống. Một số người chuyển về được vài tháng rồi lại dọn đi nơi khác vì không kiếm được việc làm”, bà Hồng chia sẻ.

Cảnh hoang vắng tại Khu tái định cư Vĩnh Lộc B. Ảnh: Anh Phương

Cảnh hoang vắng tại Khu tái định cư Vĩnh Lộc B. Ảnh: Anh Phương

Cùng bị giải tỏa với gia đình bà Hồng tại Q.Bình Tân có 3 hộ hàng xóm. Tuy nhiên, theo bà Hồng, họ không chọn sống tại khu tái định cư này vì vẫn còn băn khoăn với câu hỏi “về đây rồi, làm gì để sống?”.

Ngoài dân cư thưa thớt và ít việc làm, tình trạng xuống cấp của các tòa nhà tại Khu tái định cư Vĩnh Lộc B cũng là lý do khiến nhiều người e ngại. Sau 10 năm đưa vào sử dụng nhưng không có người ở, nhiều tòa nhà bị hư hỏng từ trong ra ngoài.

Khung cảnh hoang vắng, ảm đạm bao trùm lên cả hàng chục lô chung cư. Ảnh: Lao Động

Khung cảnh hoang vắng, ảm đạm bao trùm lên cả hàng chục lô chung cư. Ảnh: Lao Động

“Chỗ sơn màu trắng giờ đã chuyển màu do nấm mốc. Mặt ngoài của nhiều tòa nhà loang lổ vết sơn bong tróc. Tường bên trong căn hộ thì bị thấm, nứt. Hai bên những con đường rải đá dăm là cây cỏ mọc um tùm, không còn nhận ra đâu là công viên và đâu là vỉa hè”, bà Nguyễn Thị Hoa, cư dân sinh sống tại Khu tái định cư Vĩnh Lộc B từ năm 2018, ngán ngẩm nói.

Đền bù sòng phẳng, người dân sẽ tự lo tái định cư

Không như Khu tái định cư Vĩnh Lộc B cách trung tâm TPHCM khoảng 20km, một nơi bố trí chỗ ở cho các hộ dân bị giải tỏa có vị trí thuận lợi hơn nhiều nhưng vẫn không thu hút người dân về sinh sống, đó là Khu tái định cư 38,4ha Bình Khánh, TP.Thủ Đức.

Khu dân cư này thuộc chương trình xây dựng 12.500 căn hộ dùng để bố trí tái định cư cho các hộ dân bị giải tỏa tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Ngoài những căn hộ đã có người ở và 5.500 căn hộ đang làm thủ tục chuyển sang nhà ở thương mại, nơi đây hiện vẫn còn 4.800 căn hộ không người ở.

Khu tái định cư 38,4ha Bình Khánh, TP.Thủ Đức. Ảnh: Nguyễn Huế

Khu tái định cư 38,4ha Bình Khánh, TP.Thủ Đức. Ảnh: Nguyễn Huế

Chia sẻ với PV VietNamNet, ông Hoàng Văn Tạo cho biết gia đình ông có 4 người, được bố trí căn hộ hơn 70m2 tại đây từ năm 2017. Điều bất tiện là khu vực nội khu chưa có các tiện ích cơ bản như những chung cư khác.

Theo ông Tạo, gia đình ông là một trong gần 2.000 hộ dân nhận nhà tại Khu tái định cư 38,4ha Bình Khánh. Nhiều hộ dân bị giải tỏa bởi dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm không nhận căn hộ mà chọn phương án nhận tiền để tự lo nơi ở mới. Một số hộ đến nay vẫn chưa giải quyết xong việc đền bù.

“Mỗi ngày nhìn cả ngàn căn hộ bỏ trống, ai không tiếc. Theo tôi, cứ đền bù sòng phẳng cho người dân, tự khắc họ sẽ tìm được nơi tái định cư phù hợp theo nhu cầu. Còn xây cho nhiều nhà nhưng không ai ở như thế này thì rất lãng phí”, ông Tạo nêu ý kiến.

Dự kiến trong năm 2025, TPHCM sẽ bán đấu giá 3.790 căn hộ đang bỏ trống tại Khu tái định cư 38,4ha Bình Khánh. Ảnh: Nguyễn Huế

Dự kiến trong năm 2025, TPHCM sẽ bán đấu giá 3.790 căn hộ đang bỏ trống tại Khu tái định cư 38,4ha Bình Khánh. Ảnh: Nguyễn Huế

Để việc tái định cư đáp ứng được nhu cầu cả về nhà ở lẫn mưu sinh cho người dân bị giải tỏa, Kiến trúc sư Hoàng Minh Trí - nguyên Phó viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TPHCM, cho rằng cần có đa dạng hình thức tái định cư, không chỉ cứ xây thật nhiều căn hộ.

Ngoài đầu tư chung cư, theo Kiến trúc sư Trí, cơ quan chức năng cần dành quỹ đất với tỷ lệ nhất định để bố trí tái định cư cho các hộ dân đặc biệt khó khăn. Đa dạng hóa tái định cư cũng có thể hiểu là đưa ra nhiều phương án đền bù, không nhất thiết phải cấp đất, cấp nhà mà có thể đền bù bằng tiền thật xứng đáng để người dân tự tìm nơi ở khác phù hợp hơn.

Bài 2: Nhà giá rẻ khan hiếm, lý do khó bán đấu giá căn hộ tái định cư

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/hang-ngan-can-ho-tai-dinh-cu-bo-trong-co-nguoi-don-ve-roi-lai-chuyen-di-2287727.html