'Hằng ngày' và 'hàng ngày'

'Hằng ngày' và 'hàng ngày', cách viết nào đúng chính tả? Đây là câu chuyện được đưa ra bàn luận khá nhiều, và câu trả lời thường là: viết 'hằng ngày' đúng, viết 'hàng ngày' là sai.

Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên – Vietlex) cũng đã giảng rõ ràng như sau:

- hằng• 恒 p. 1 từ biểu thị tính liên tục của một hoạt động [thường là hoạt động tâm lí - tình cảm] diễn ra trong suốt cả thời gian dài. điều hằng mơ ước ~ anh là người mà tôi hằng quý mến ~ “Song hồ nửa khép cánh mây, Tường đông ghé mắt, ngày ngày hằng trông.” (TKiều). 2 từ biểu thị tính lặp đi lặp lại một cách định kì theo từng đơn vị thời gian được nói đến. lễ hội hằng năm ~ báo cáo hằng tháng ~ hằng ngày hai người vẫn gặp nhau”.

- “hàng• 行 II p. từ biểu thị số lượng nhiều nhưng không xác định, đơn vị tính là điều được nói đến. hàng đoàn xe nối đuôi nhau chạy qua ~ hàng đống công việc ~ đợi hàng tháng trời ~ mất hàng chục triệu”.

Người ta cho rằng, nguyên nhân dẫn đến “nhầm lẫn”, “dùng sai” là do “hằng” và “hàng” khi phát âm nghe gần như nhau. Tuy nhiên, sự thể không hoàn toàn như vậy, bởi điều này có liên quan đến sự biến đổi ngữ âm trong lịch sử.

Từ điển Việt-Bồ-La (Alexandre de Rhodes – 1651) mục “hàng” giảng như sau: “hàng: Luôn luôn. Hàng ngày: Hằng ngày; hàng năm: Hằng năm”. Theo đây, chúng ta thấy rõ rằng “hằng ngày” vốn được viết là “hàng ngày”.

Mối quan hệ hànghằng, ta còn thấy ở hàng loạt những từ ngữ khác như: “Xán: Đào đất bằng mai, cuốc, xắn đất. Lấy mai xán xuống: Cùng một nghĩa”; “Xỉa rang: Xỉa răng”; Chó gam xương: Con chó gặm xương”; “Ràng: nói, nói rằng”; An: ăn”; “thàng ngô: thằng ngô”,v.v... Ngược lại, có từ trước đây viết với Ă thì nay viết viết với A, như: “trắch: Kêu trách: Tôi bảo kẻo ngày sau kêu trắch: Tôi bảo anh kẻo ngày sau anh kêu trách; trắch kẻ có lỗi: Quở trách, bắt bẻ kẻ có lỗi.” (Từ điển Việt-Bồ-La).

Trong số những trường hợp liệt kê trên đây, đáng chú ý có từ “xán” mà ngày nay chúng ta phát âm và viết là “xắn” (trong xắn đất; xắn lát bánh chưng). Thực ra cách viết “xán” không mất đi hoàn toàn mà vẫn tồn tại với nghĩa đập, đánh, quăng, ném mạnh xuống, làm rơi, như: Xán bát xán đũa; Xán cho một búa; Nói như xán vào mặt mà cũng không chừa, rất gần nghĩa (nếu không nói là đồng nghĩa” với “xán” trong “lấy mai xán xuống” mà Từ điển Việt-Bồ-Lađã ghi nhận.

Hiện tượng hànghằng (AĂ) chúng ta còn thấy trong các trường hợp khác như đàngđằng (đàng đông/đằng đông; đàng trước/ đằng trước; chạy đàng trời/ chạy đằng trời,v.v...).

Với những từ gốc Hán, chúng ta cũng thấy mối sự biến âm AĂ khá nhiều, ví dụ: đam đam 耽耽đăm đăm; đàm潭chằm (ao đầm, chằm bãi); đảng 黨đẳng (đảng sâm 黨參đẳng sâm),v.v...

Như vậy, câu chuyện “hàng ngày” và “hằng ngày” hoàn toàn không phải là do nhầm lẫn, mà do sự biến đổi ngữ âm, trong đó cách phát âm và cách viết cũ vẫn còn tồn tại song song với phát âm và cách viết mới. Đây chính là lý do Từ điển chính tả tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên-NXB Giáo dục) có ghi nhận “hàng” với lời chú là “thường viết: hằng: công việc hằng ngày, tạp chí hằng tháng, lễ kỉ niệm hằng năm”. Trong khi Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên – Viện Ngôn ngữ) ghi nhận “hàng” nghĩa 2 với lời giảng “dùng phụ trước danh từ chỉ thời gian” và chuyển chú “xem hằng nghĩa 2”.

Như vậy, có thể nói và viết báo ra hàng ngày/ báo ra hằng ngày; đi chợ hằng ngày/ đi chợ hàng ngày đều được.

Mẫn Nông (CTV)

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/hang-ngay-va-hang-ngay-31199.htm