Chữ viết ta đang sử dụng được sáng tạo, hoàn thiện, phổ biến ra sao?

Theo TS Phạm Thị Kiều Ly, chữ quốc ngữ là công trình của tập thể, với sự đóng góp của các thế hệ giáo sĩ người phương Tây và sự hỗ trợ của các chủng sinh, linh mục người Việt...

Lịch sử chữ quốc ngữ, 1615-1919 của TS Phạm Thị Kiều Ly là tác phẩm có tầm vóc và bề thế nhất từ trước đến nay dựa trên nguồn tư liệu phong phú về lịch sử hình thành và phát triển của chữ quốc ngữ. Cuốn sách được phát triển từ luận án tiến sĩ của chị bảo vệ năm 2018 tại Đại học Sorbonne Nouvelle (Cộng hòa Pháp).

Nhân dịp ấn bản tiếng Việt ra mắt, TS Phạm Thị Kiều Ly có những chia sẻ về nội dung cuốn sách; quá trình sáng tạo hoàn thiện và phổ biến chữ quốc ngữ...

Quá trình sáng tạo chữ quốc ngữ

- Cuốn "Lịch sử chữ quốc ngữ, 1615-1919" có điểm gì mới so với các công trình nghiên cứu / các sách đã xuất bản về chữ quốc ngữ trước đây, thưa chị?

- Nghiên cứu là đi lại con đường của người đi trước, rồi tìm thấy một mảnh đất chưa được khai phá dành cho mình. Các nhà nghiên cứu trước tôi như Đỗ Quang Chính, Roland Jacques, Nguyễn Khắc Xuyên, Võ Long Tê, Thanh Lãng thường chỉ tập trung vào giai đoạn đầu sáng tạo chữ quốc ngữ và liên hệ quá trình văn tự La-tinh hóa tiếng Việt với trường hợp của Nhật Bản, Trung Quốc.

Khi bắt đầu làm luận án Tiến sĩ tại Đại học Sorbonne nouvelle và là thành viên của Viện nghiên cứu lịch sử các lý thuyết ngôn ngữ, tôi đã hiểu được rằng: quá trình sáng tạo chữ quốc ngữ nằm trong trào lưu chung của ngữ học truyền giáo. Khi đó các thừa sai đã dùng hai công cụ chính để học một ngôn ngữ mới: ghi âm của các ngôn ngữ đó bằng mẫu tự La-tinh và miêu tả ngôn ngữ đó theo mô hình ngữ pháp La-tinh.

Có một cơ sở lý thuyết để dựa vào và việc hiểu ra rằng sự sáng tạo chữ quốc ngữ nằm trong một trào lưu chung của ngữ học truyền giáo đã giúp tôi có được một điểm tựa vững chắc, cũng như tránh những thiên kiến hay ngộ nhận đáng tiếc. Tuy nằm trong một trào lưu chung, nhưng việc chữ quốc ngữ trở thành chữ viết chính thức của Việt Nam dưới tác động của bối cảnh chính trị, xã hội lại là một trường hợp đặc biệt ở Đông Á.

Nhờ sưu tầm được các tài liệu gốc nằm rải rác tại các phông lưu trữ ở Roma, Lisbon, Paris, Ávila, Madrid, Việt Nam, mà tôi đã có thể dựng lại quá trình sáng tạo chữ quốc ngữ cùng những dấu mốc quan trọng và nêu bật được vai trò của các giáo sĩ chủ chốt.

Ngoài ra, lịch sử chữ quốc ngữ dưới thời Hội thừa sai Paris từ năm 1658 cũng ít được các nhà nghiên cứu trước tôi quan tâm. Trong công trình này, tôi đã chỉ ra sự thay đổi vai trò của chữ quốc ngữ: từ một công cụ học tiếng của các thừa sai người nước ngoài sang công cụ trao đổi thông tin giữa các giáo sĩ người nước ngoài và linh mục, giáo dân người Việt sau khuyến nghị của Giám mục Deydier năm 1685.

Đồng thời, tôi cũng chỉ ra vai trò của các chủng sinh người Việt trong công cuộc soạn từ điển Việt - La năm 1772-1773. Chúng ta thường gán tác giả cho cuốn từ điển này là Pigneaux de Béhaine, nhưng thực tế đó là tư duy làm từ điển của người bản xứ... Hơn nữa, tôi cũng làm rõ quá trình phổ biển chữ quốc ngữ vào thời thực dân.

 Sách Lịch sử chữ quốc ngữ 1615-1919. Ảnh: O.P.

Sách Lịch sử chữ quốc ngữ 1615-1919. Ảnh: O.P.

- Trong quá trình nghiên cứu đề tài, chị đã tiếp cận rất nhiều văn bản viết tay (tài liệu lưu trữ gốc từ Italy, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Pháp, Việt Nam), các cuốn từ điển của các giáo sĩ dòng Tên, chị có thể cho biết đâu là tác phẩm đặt nền móng cho việc ghi âm của tiếng Việt bằng mẫu tự La-tinh?

- Lịch sử chữ quốc ngữ là công trình tập thể của các thế hệ giáo sĩ người phương Tây và sự hỗ trợ của các thầy giảng, linh mục người Việt. Nếu không có những biến cố chính trị, giáo dục, xã hội thì số phận chữ quốc ngữ cũng sẽ như rất nhiều chữ viết mà dòng Tên đã tạo ra cho khoảng 140 ngôn ngữ và bị rơi vào quên lãng.

Trong số các công trình đặt nền móng cho quá trình văn tự La-tinh hóa tiếng Việt, chúng ta cần kể đến cuốn từ vựng mà giáo sĩ Francisco de Pina đã soạn vào năm 1619. Đây là cuốn từ vựng đầu tiên của tiếng Việt bằng mẫu tự La-tinh. Tuy nhiên, thủ bản của cuốn từ vựng này đã mất, nên chúng ta không thể biết được nội dung cũng như cách thức vị thừa sai này ghi tiếng Việt bằng mẫu tự La-tinh.

Tuy nhiên, nghiên cứu các thủ bản viết ở Đàng Trong minh chứng rằng: các thừa sai vẫn chưa tìm được đủ ký tự để ghi hệ thống thanh điệu và nguyên âm của tiếng Việt.

Cuộc hội ngộ của các giáo sĩ từng hoạt động ở Đàng Trong, Đàng Ngoài tại trường São Paolo ở Macao vào năm 1630 có ý nghĩa đặc biệt. Vì ở đó họ gặp những thừa sai từng đi sứ vụ ở Trung Hoa và Nhật Bản. Đây chính là cơ hội để thảo luận các phương pháp ghi các âm, lĩnh vực mà các nhà truyền giáo ở Trung Hoa và Nhật Bản đang đi trước các anh em đồng tu tại Đại Việt.

Sự hợp tác của họ tạo nên thành quả là bản Kinh lạy cha viết bằng tiếng La-tinh, Nhật, tiếng Trung và tiếng Việt cùng một bản mô tả các đặc điểm chính của các ngôn ngữ trên. Giáo sư Savatovsky thầy tôi gọi đây là “phiến đá Rosetta” về cách ghi ba ngôn ngữ Viễn Đông có lượng người nói nhiều nhất.

Sau cuộc hội ngộ ở Macao, tháng 2 năm 1631, các giáo sĩ được phép trở lại Đàng Ngoài và tiếp tục sứ vụ, họ đã có thể hoàn thiện kiến thức ngôn ngữ học; quá trình văn tự La-tinh hóa tiếng Đàng Ngoài vì thế cũng đạt được những tiến bộ lớn, bằng chứng là trong văn bản năm 1631 của António de Fontes, ta thấy vị thừa sai này đã tìm đủ 5 dấu thanh để ghi 6 thanh điệu của tiếng Việt và đủ ký tự để ghi hệ thống nguyên âm.

Nhờ Fontes làm cầu nối trao truyền tri thức, Gaspar do Amaral đã biên soạn một cuốn từ điển Việt-Bồ năm 1634. Nhờ đó Alexandre de Rhodes đã biên soạn và cho in ấn từ điển Việt-Bồ La năm 1651.

Và còn rất nhiều nhân vật nữa cũng đóng góp cho quá trình hoàn thiện và phổ biến chữ quốc ngữ. Chúng ta tri ân người đặt viên gạch đầu tiên, nhưng để hình thành được bức tường và bức tường đó đứng vững, thì cần công sức của nhiều người, tôi xin khẳng định lại: đây là một công trình tập thể.

- Alexandre de Rhodes đã góp phần to lớn trong việc phát triển chữ quốc ngữ và cũng là tác giả của bản văn phạm tiếng Việt đầu tiên. Chị đánh giá thế nào về vai trò của ông trong việc chuẩn hóa chữ quốc ngữ / thiết lập các quy chuẩn chính yếu của chữ quốc ngữ?

- Trước khi có từ điển và chính tả dần chuẩn hóa, mỗi thừa sai ghi tiếng Việt theo cách của mình. Cùng một âm nhưng các vị ấy lại ghi bằng những chữ cái khác nhau, ví dụ âm /ɲ/ được các thừa sai Bồ Đào Nha ghi bằng chữ “nh”, và các giáo sĩ người Italy ghi bằng chữ “gn”. Ngoài ra, việc chép tay luôn có tam sao thất bản, kể cả công việc này do các thợ chép chuyên nghiệp đảm nhiệm.

Chính vì vậy, việc Alexandre de Rhodes in từ điển Việt-Bồ-La năm 1651 có ý nghĩa rất lớn: một mặt giúp thống nhất và ấn định chính tả, hơn nữa đó là công cụ học tiếng Việt hữu hiệu cho các giáo sĩ khi đi truyền giáo. Ta biết rằng, các giáo sĩ của Hội thừa sai Paris khi đi truyền giáo đều có mang theo cuốn từ điển Việt-Bồ-La, họ học chính tả theo cuốn từ điển này. Ngoài ra, các thầy giảng và chủng sinh người Việt khi học chữ viết La-tinh của tiếng Việt thì cũng theo chính tả đã dần thống nhất.

Tuy nhiên, vẫn tồn tại chính tả nước đôi trong nhiều mục từ của cuốn Việt-Bồ-La. Đến năm 1772-1773, Pigneaux de Béhaine và các chủng sinh người Việt biên soạn từ điển Việt-La và đã thống nhất cách viết trong cuốn từ điển này.

 TS Phạm Thị Kiều Ly và bộ ba tác phẩm về chữ quốc ngữ. Ảnh: NVCC

TS Phạm Thị Kiều Ly và bộ ba tác phẩm về chữ quốc ngữ. Ảnh: NVCC

Những đóng góp của người Việt trong quá trình phát triển chữ quốc ngữ

- Trong tiến trình phát triển của hệ thống ngữ âm tiếng Việt từ giữa thế kỷ 17 đến đầu thế kỷ 20, các chủng sinh người Việt đã góp công vào cuộc soạn từ điển Việt - La năm 1772-1773. Chị đánh giá như thế nào về vai trò của họ trong việc phát triển chữ quốc ngữ?

- Cuốn từ điển Việt-La được biên soạn từ 1772-1773. Điểm đặc biệt ở cuốn từ điển này là nó có thêm phần chữ Nôm mà từ điển của Alexandre de Rhodes không có. Ngoài ra, trong cuốn từ điển này, Pigneaux de Béhaine cùng các học trò đã xóa bỏ chính tả nước đôi trong từ điển của Alexandre de Rhodes.

Từ cuốn Việt-La xuất hiện và được in bản fac-similé, Pigneaux de Béhaine luôn được coi là tác giả của cuốn từ điển này. Tuy nhiên, Pigneaux de Béhaine có thể giữ vai trò người chủ biên chứ ông không thể một mình soạn cuốn từ điển này, như ông đã viết trong một bản báo cáo khác: “Sau mười tháng làm việc với sự trợ giúp của tám người Đàng Trong, con vừa hoàn thành sáu bản cuốn từ điển gồm tất cả các chữ và các từ theo thứ tự alphabet”.

Ngoài ra, cấu trúc của cuốn từ điển Vit-La này cho thấy đây là công cụ học tiếng của người bản xứ, không phải dành cho người nước ngoài. Thông thường, khi một người nước ngoài học một ngôn ngữ mới, từ điển và ngữ pháp là hai công cụ không thể thiếu. Với việc không có phần ngữ pháp đi kèm như trong các công trình ngôn ngữ của các thừa sai khắp thế giới thời kỳ đó, chúng ta có thể tạm kết luận cuốn từ điển này chủ yếu là thành quả lao động của các chủng sinh người Việt và dành cho người Việt.

- Thời thuộc địa, chữ quốc ngữ bắt đầu được sử dụng trong hành chính, giáo dục và bước đầu phổ biến chúng dân. Xin chị cho biết vì sao chữ quốc ngữ ngày càng phổ dụng, và khẳng định được chỗ đứng trong hệ chữ viết của dân tộc?

- Việc chữ quốc ngữ được đưa vào giáo dục và trở thành chữ viết chính thức là thành quả của hai ý chí song song: ý chí của tầng lớp thực dân Pháp muốn học tiếng Việt dễ hơn và muốn xích hai nền văn hóa Việt - Pháp lại gần với nhau, và ý chí của tầng lớp sĩ phu Việt Nam, coi chữ quốc ngữ là công cụ đấu tranh chống nạn mù chữ và nâng cao dân trí.

Đại đa số người Pháp lựa chọn chữ quốc ngữ vì theo họ chữ nho quá khó, phải mất cả chục năm mới thông thạo được lối viết này. Ngoài ra, chữ quốc ngữ được người Pháp ủng hộ vì cùng là văn tự La-tinh sẽ thuận lợi cho người Pháp học tiếng Việt hơn. Hơn nữa, theo họ, việc học chữ quốc ngữ cho phép trẻ con An Nam học nhanh hơn, chỉ cần vài tháng là biết đọc, biết viết. Chữ quốc ngữ còn là trung gian để người An Nam học chữ Pháp.

Ngoài việc đưa chữ quốc ngữ vào giáo dục ở Nam Kỳ, đến năm 1882, Thống đốc Nam Kỳ là Lafont ra quyết định tất cả văn bản lưu hành cần được viết bằng chữ quốc ngữ và kể từ năm 1886, tất cả nhân viên hành chính đều phải biết chữ quốc ngữ mới được tuyển.

Đối với các trí thức tân học người Việt, thứ chữ này là công cụ thiết yếu trong việc phổ biến tân học, mở mang dân trí. Theo Trương Vĩnh Ký: “chữ quốc ngữ phải trở thành chữ viết của nước nhà. Cần phải nắm vững nó cho điều tốt đẹp và cho sự tiến bộ. Vì thế, chúng ta phải tìm mọi cách để phổ biến chữ viết này”.

Một bước ngoặt dẫn đến sự lan rộng mạnh mẽ của chữ quốc ngữ ở Việt Nam (đặc biệt ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ) là Phong trào Duy Tân do các sĩ phu người Việt thực hiện. Phong trào Duy tân phát động từ năm 1906 ở Quảng Nam với ba lãnh tụ: Trần Quý Cáp, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng.

Phong trào chủ trương dạy chữ quốc ngữ, dạy văn hóa, phổ biến kiến thức. Trường Ðông Kinh Nghĩa Thục được thành lập trên tinh thần đó và đã gây được ảnh hưởng đáng kể. Chữ quốc ngữ lan rộng khắp cả nước trên tất cả lĩnh vực.

Minh Châu

Nguồn Znews: https://znews.vn/chu-viet-ta-dang-su-dung-duoc-sang-tao-hoan-thien-pho-bien-ra-sao-post1481915.html