Hàng nghìn người lao động đường sắt không thể tiếp cận gói hỗ trợ
Hàng nghìn nhân viên ngành đường sắt đang chưa thể tiếp cận gói hỗ trợ đối với người lao động mất việc do gặp nhiều vướng mắc về quy định dừng chạy tàu.
Với việc dừng chạy tàu khách trên toàn hệ thống mạng lưới đường sắt, hoạt động vận tải khách gần như tê liệt, hàng nghìn người lao động của ngành đường sắt đã rơi vào cảnh tạm hoãn hợp đồng lao động, không có công ăn việc làm.
Theo thống kê của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), trong đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 này, ngành đường sắt có hơn 5.500 lượt người lao động phải nghỉ việc đến từ các công ty vận tải đường sắt do tàu khách dừng chạy hoàn toàn từ 25/8 trên toàn mạng lưới; tàu hàng Bắc-Nam bắt đầu giảm sút.
Chỉ tính riêng tháng 9/2021, do không có mác tàu khách vận hành, Đoàn tiếp viên đường sắt Hà Nội đã phải thỏa thuận tạm hoãn với hơn 690/769 cán bộ công nhân viên. Ngay cả Phó giám đốc đơn vị cũng phải tạm hoãn hợp đồng lao động luân phiên.
Khẳng định VNR đã phải triển khai phương án tạm hoãn hợp đồng lao động đối với toàn ngành, theo ông Đặng Sỹ Mạnh, Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, từ 1/9 đến 31/12/2021, Tổng công ty vận động khoảng 25% người lao động khối gián tiếp tạm hoãn, kể cả cấp Phó trưởng ban, Phó giám đốc chi nhánh. Còn đối với lao động trực tiếp thì tùy theo đặc điểm, chức năng đơn vị, chức danh và đặc điểm tuyến vận tải để sắp xếp.
“Với phương án dự kiến, giai đoạn này sẽ tạm hoãn hợp đồng với hơn 1.600 lượt lao động. Để hỗ trợ cho người lao động phải nghỉ việc, do không còn nguồn nên phải huy động từ nguồn của Công đoàn Đường sắt Việt Nam; phát động ủng hộ mang tính cá nhân trong và ngoài ngành để có nguồn hỗ trợ người lao động,” ông Mạnh cho hay.
Ông Đỗ Văn Hoan, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội (HARACO) cho biết Quyết định 23/2021/QĐ-TTg triển khai Nghị quyết 68 về việc hỗ trợ cho người lao động từ 1,85-3,7 triệu đồng đơn vị không thể tiếp cận, bởi theo quy định doanh nghiệp phải dừng hoạt động do yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
“Trong khi đó, đường sắt mặc dù phải dừng toàn bộ tàu khách, tuy nhiên không có cơ quan nào yêu cầu phải dừng. Một số tỉnh, thành dừng tàu khách là do thực hiện Chỉ thị 16 hoặc có văn bản đề nghị tàu không đón, trả khách tại địa phương để phòng chống dịch, còn những ga khác vẫn có thể chạy nhưng thực tế hiện không có khách đi nên buộc phải dừng tàu,” ông Hoan nhìn nhận.
Mặt khác, theo ông Hoan, việc vay vốn của doanh nghiệp để trả lương cho người lao động thì đơn vị không tiếp cận được vì trong Quyết định 23 có ưu tiên vận tải nhưng lại không ưu tiên lao động. Do đó, trước mắt đơn vị sẽ tạm hoãn hợp đồng lao động (người lao động không được hưởng gì).
“Năm 2020, khi dịch bệnh mới bùng phát đơn vị cũng có hỗ trợ mỗi tháng 1,5 triệu/người, nhưng sau đợt bùng phát dịch bệnh COVID-19 lần thứ 4 đơn vị gần như kiệt quệ, không còn dòng tiền để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh nên đề nghị các đơn vị chức năng có các giải pháp hỗ trợ,” ông Hoan kiến nghị./.
Trước đó, VNR đã báo cáo cấp có thẩm quyền xin vay 800 tỷ đồng bổ sung cho nguồn vốn lưu động đang bị hụt để duy trì dòng tiền hoạt động, tránh nguy cơ dừng hoạt động. Nguyên nhân do 2 năm ảnh hưởng dịch COVID-19, Tổng công ty dự kiến lỗ hơn 2.200 tỷ đồng, như vậy chỉ còn khoảng gần 1.000 tỷ đồng vốn chủ sở hữu nhưng lại ở tài sản, không phải tiền mặt. Riêng năm 2021, VNR dự kiến lỗ 942 tỷ đồng.